Thất vọng Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông, nhiều điểm tham quan hư hỏng, không có giá trị

Duy Hậu Thứ năm, ngày 05/11/2020 15:29 PM (GMT+7)
Mặc dù được đầu tư xây dựng với số tiền không hề nhỏ nhưng nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất Đắk Nông nhanh chóng hư hỏng, thậm chí không có giá trị.
Bình luận 0

Tháng 7/2020, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định công nhận Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu. 

Như vậy, sau Hà Giang và Cao Bằng, CVĐC Đắk Nông trở thành CVĐC toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam. Điều này cũng đã tạo sự tò mò được khám phá của nhiều du khách. 

Thế nhưng, nhiều điểm đến trên tuyến du lịch tại CVĐC Đắk Nông khi đưa vào hoạt động chẳng những khiến du khách thất vọng mà còn hết sức bất bình.

Điểm tham quan bên trại lợn, trưng bày đồ Trung Quốc

Ông Trần Văn Chính, một khách du lịch tới Đắk Nông cho biết mình vừa tới điểm tham quan mỏ Cao lanh (điểm số 5 thuộc tuyến du lịch CVĐC Đắk Nông, thuộc xã Đắk Ha, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông). Tuy điểm đến này chỉ cách trung tâm TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) chỉ chừng 20km nhưng đường sá hết sức tồi tệ.

Nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu hư hỏng, vô giá trị - Ảnh 1.

Bức tường gắn nhiều đồ gốm sứ tại điểm tham quan mỏ Cao lanh.

Không chỉ xuống cấp, con đường đến điểm du lịch này có nhiều đoạn gần như không có đường mà phải chạy qua rẫy, vườn của nhà dân. Nhưng điều đó không làm ông bức xúc bằng việc điểm du lịch này xây dựng ngay trước "mũi" một trại lợn.

Nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu hư hỏng, vô giá trị - Ảnh 2.

Một số đồ trên bức tường có nguồn gốc từ Trung Quốc.

"Vừa bước xuống xe, chúng tôi đã phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc ra từ trại lợn nằm ngay trước điểm tham quan. Song vì lỡ đến nơi, chúng tôi cũng cố vào xem nơi đây có gì độc đáo. 

Thế nhưng thứ mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là một bức tường bê tông đính đồ gốm sứ có chữ Trung Quốc" - ông Chính bức xúc.

Nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu hư hỏng, vô giá trị - Ảnh 3.

Điểm tham quan này xây dựng ngay cạnh trại lợn, xung quanh đầy rác thải.

Quả đúng như ông Chính nói, điểm du lịch số 5 trên tuyến du lịch CVĐC Đắk Nông gần như không có bất cứ giá trị gì. 

Nơi này chỉ có một mảng sân bê tông và một bức tường chừng 4m2 gắn nhiều đồ gốm sứ như chén, đĩa, ấm chén uống trà, lọ hoa. 

Toàn bộ các vật dụng này đều là đồ mới, không có giá trị lịch sử, thậm chí có một số có nguồn gốc từ Trung Quốc. Không chỉ thế, xung quanh cái gọi là "điểm du lịch" này rác thải vứt bừa bãi.

Điểm trưng bày… chỉ có cái tên

Tại điểm tham quan số 34 ở xã Đắk R'Moan, TP.Gia Nghĩa, du khách cũng không khỏi thất vọng, bất bình khi tới đây. Không chỉ nhếch nhác, bừa bộn mà nơi đây ngoài cái tên "Điểm gỗ hóa thạch" với ngôi nhà trống trơn thì không có gì nữa. 

Nơi đó chẳng có dù chỉ một mẩu cái gọi là gỗ hóa thạch. Bên ngoài ngôi "nhà trưng bày" luôn đóng cửa im ỉm ấy là gạch đá, vôi vữa bừa bộn. 

Nếu không nhìn tấm bảng, bất cứ ai nhìn thấy cũng chắc chắn sẽ nghĩ đó là một ngôi nhà bỏ hoang.

Nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu hư hỏng, vô giá trị - Ảnh 4.

Nhà trưng bày gỗ hóa thạch chỉ là một ngôi nhà trống trơn, bên ngoài hết sức nhếch nhác, bừa bộn.

Chẳng những thế, dù chỉ mới xây dựng nhưng nơi đây đã có dấu hiệu xuống cấp. Xung quanh nơi này, tình trạng người dân phá vỡ cảnh quan, san hạ mặt bằng trái phép diễn ra rầm rộ.

"Nơi này luôn đóng cửa từ khi xây dựng xong tới giờ. Nhiều người tới đây muốn vào xem bên trong có gì nhưng không thể tìm được người mở cửa nên đành ôm bực bội ra về" - một người dân tại điểm tham quan này cho biết.

Nhiều điểm tham quan tại Công viên địa chất toàn cầu hư hỏng, vô giá trị - Ảnh 5.

Ngôi nhà truyền thống của người Mạ tại thác Liêng Nung sụp đổ, hư hỏng hoàn toàn.

Tại Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung (xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa) cũng hoang tàn không kém. Theo kế hoạch, trong tháng 11 này, tại thác Liêng Nung sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, xúc tiến đầu tư tại khu vực này. 

Thế nhưng con đường vào điểm du lich này dài 2,5km với kinh phí lên đến gần 27 tỷ đồng chưa kịp bàn giao đã sạt lở nghiêm trọng. Cơ quan chức năng phải đặt biển báo cấm qua lại.

Bên trong khu công viên này, khu nhà truyền thống của người Mạ đã xuống cấp, thậm chí mục nát sụp đổ, không thể khôi phục.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thuần, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Hiện tôi vẫn chưa nắm được các thông tin liên quan. Tôi sẽ trao đổi lại với Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông và sẽ thông tin lại".

CVĐC Đắk Nông được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31.12.2015, có diện tích 4.760km², trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TX.Gia Nghĩa).

 Tháng 7/2020, CVĐC Đắk Nông được công nhận là CVĐC toàn cầu. Thông tin từ Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. 

Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á. 

CVĐC Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động có tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem