dd/mm/yyyy

Thành phố Sơn La phát triển cây trồng trên đất dốc theo hướng bền vững

Những năm qua, thành phố Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng vùng. Tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn chế biến với tiêu thụ đảm bảo bền vững.

Trao đổi với ông Lê Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sơn La, được biết: Do thành phố Sơn La có đặc điểm địa hình chia thành nhiều vùng khác nhau là điều kiện để thành phố phát triển đa dạng các loại cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất khác nhau. Xác định trồng cây ăn quả trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của thành phố, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Những năm qua, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La, thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, xã, phường, tập trung rà soát, đánh giá diện tích cây trồng kém hiệu quả, quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Qua đó, tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm.

 Mô hình trồng xoài Đài Loan.

Theo ông Bình, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng vùng. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo tính bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố. Chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, như: Ngô, sắn, mía sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gắn với chế biến và tiêu thụ. Chú trọng công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người nông dân. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng xã, phường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị, chất lượng. 

Mô hình trồng nhãn ghép chín muộn, chín sớm của thành phố Sơn La. 

Bên cạnh đó, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, kết hợp với chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 1 Liên hiệp hợp tác xã và 52 HTX, trong đó 28 HTX nông, lâm nghiệp.  Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết với các hộ sản xuất, thu mua, chế biến, nâng cao chất lượng nông sản.

 Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả thay thế cây trồng kém hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đến nay, thành phố đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện để sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGap, cấp mã số vùng trồng, như: Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao, chanh leo, măng tây, cây ăn quả giống mới; mô hình cải tạo vườn tạp; mô hình tưới ẩm; mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới; xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả chất lượng cao; ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản... Tiêu biểu như mô hình trồng xoài Đài Loan, trồng giống nhãn ghép chín muộn chín sớm ở xã Chiềng Ngần, Chiềng Xôm với diện tích trên 200 ha; mô hình trồng hoa công nghệ cao ở xã Chiềng Xôm…

Việc phát triển cây trồng trên đất dốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền thành phố. 

Phát triển mô hình trồng cây ăn quả (mận hậu, mận cơm) xen cây cà phê trên địa bàn các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La với tổng diện tích khoảng 1.600 ha cho thu nhập cao từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng xen canh không những giúp người nông dân có thu nhập ổn định mà còn giữ lại diện tích nhiều giống mận đặc sản địa phương. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đang xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho quả mận hậu và rau an toàn, cà phê, cây ăn quả.... Khu vực các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Ngần của thành phố đang nằm trong khu vực nghiên cứu, đưa vào khu vực chỉ dẫn địa lý được phép sử dụng nhãn hiệu mận Sơn La.

Mận hậu đang là một trong những thế mạnh của thành phố. 

Cùng với đó, hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân, đảm bảo nông dân tiếp cận được các công nghệ mới, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút đầu tư. Từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Quốc Định