Thành phố Sơn La đổi thay sau 58 năm kể từ ngày thành lập

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 20/05/2019 06:20 AM (GMT+7)
Sau 58 năm kể từ khi thành lập, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La đã đổi thay khoác lên mình chiếc áo mới, đường sá, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần vật chất của bà con nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Thời gian qua, TP. Sơn La là một trong những địa phương nổi bật trong lĩnh vực tăng thu ngân sách, thực hiện đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Sơn La là tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc, có diện tích 14.125km2, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, Yên Bái; phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và Lào. Thành phố Sơn La có diện tích tự nhiên là 323,51 km2, gồm 12 phường, 5 xã; dân số tính đến hết năm 2017 là 202.035 người, với 12 dân tộc; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của tỉnh Sơn La.

img

Ngày 19/5, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 466/QĐ-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La.

Cách đây 58 năm, ngày 26/10/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập thị xã Sơn La, là thị xã đầu tiên của khu Tây Bắc trực thuộc Khu Tự trị Thái Mèo. Đến ngày 6/10/2005, thị xã Sơn La được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.

Ngày 3/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sơn La thuộc tỉnh Sơn La. Sau gần 14 năm xây dựng và phát triển kể từ khi được công nhận là đô thị loại III, đến nay, thành phố Sơn La vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, là 1 trong 30 đô thị loại II trên địa bàn cả nước.

TP. Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 302 km về phía Tây Bắc. Phía Tây và phía Bắc giáp huyện Thuận Châu, phía Đông giáp huyện Mường La, phía Nam giáp huyện Mai Sơn. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định TP Sơn La sẽ phát triển bền vững, xứng tầm trung tâm tiểu vùng Tây Bắc.  

Định hướng của thành phố trong thời gian tới là xây dựng đô thị hiện đại mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù của tiểu vùng Tây Bắc, đồng thời là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, động lực tăng trưởng kinh tế vùng dọc Quốc lộ 6 của tỉnh.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La đã luôn phát huy tiềm năng và thế mạnh, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Thành phố Sơn La là một trong những địa phương nổi bật trong lĩnh vực tăng thu ngân sách, thực hiện đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; huy động được các nguồn lực để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội còn bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội. 

TP. Sơn La có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị được khởi sắc; lĩnh vực văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều tiến bộ. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được tập trung tổ chức thực hiện.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng qua các năm, riêng năm 2018 đạt 530 tỷ đồng (tăng gần 1,6 lần so với năm 2015 - đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều năm 2018 là 1,18% (so với toàn tỉnh 25,42%).

Một số hình ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại về sự đổi thay của TP.Sơn La, tỉnh Sơn La:

img

img

 Sau nhiều năm xây dựng và thu hút vốn đầu tư,TP.Sơn La, tỉnh Sơn La đã phát triển nhanh chóng. Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La được tỏa lạc giữa lòng thành phố trông giống như khung cảnh ở phương trời Âu.

img

img

Ngày 7.5, quảng trường Tây Bắc (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) đã được khánh thành trọng thể trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc; khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc”.

img

Đường sá, cơ sở vật chất của TP. Sơn La ngày càng khang trang và sạch đẹp.

img

 Khách sạn Mường Thanh được thiết kế xây dựng hiện đại, tọa lạc giữa lòng TP. Sơn La. Tạo điều kiện cho khách du lịch khi đến với Sơn La có nơi ngỉ dưỡng sang trọng.

img

Công viên 26.10 được chú trọng xây dựng, tạo chỗ vui chơi giải trí cho người dân.

img

Nhiều nhà cao tầng mọc lên giữa lòng thành phố.

img

Suối Nậm La, thành phố Sơn La được kè kiên cố, để người dân yên tâm và bớt lo sợ hơn mỗi khi mưa lũ tràn về. 

img

TP. Sơn La có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị được khởi sắc; lĩnh vực văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều tiến bộ. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

img

Ông Lù Văn Hùng, bản Cọ, Phường Chiềng An, TP.Sơn La cho  biết:Thời gian qua, tôi thấy thành phố Sơn La ngày càng phát triển, đường sá, công viên... được nhà nước chú trọng đầu tư và xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tôi  thích thú nhất và ấn tượng nhất là quảng trường và tượng đài Bác Hồ trông thật tuyệt đẹp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem