Thành lập cả doanh nghiệp để làm ăn "phi pháp" chiết nạp gas lậu

Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 24/09/2023 08:05 AM (GMT+7)
Vấn nạn cắt tai, mài vỏ, chiết nạp gas lậu... chưa được giải quyết triệt để, khiến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính trong lĩnh vực này rất bức xúc.
Bình luận 0

Các doanh nghiệp đưa ra giải pháp xử lý vấn nạn của ngành gas

Có doanh nghiệp phá sản vì bị chơi xấu

Nhiều kiến nghị vừa được đưa ra tại Hội thảo Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí diễn ra tại TP.HCM, nhằm có giải pháp ngăn chặn vấn nạn kể trên.

Bức xúc trước vấn nạn "chơi xấu" nhau, vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh gas, ông Đào Nguyên Quán - đại diện cho Công ty TNHH TotalEnerghes LPG Việt Nam Total cho biết: Có những trường hợp thành lập cả doanh nghiệp để làm ăn phi pháp chiết nạp gas lậu, không chỉ làm thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn có nguy cơ dẫn tới cháy nổ rất lớn.

 Thành lập cả doanh nghiệp để làm ăn "phi pháp" chiết nạp gas lậu - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí. Ảnh: TX

Theo ông Quán, trong kinh doanh gas hiện có các vấn nạn đã tồn tại từ lâu mà chưa thể xử lý dứt điểm như: Chiếm giữ vỏ bình gas của đối thủ, cắt tai, mài vỏ của doanh nghiệp khác, sơn lại vỏ thành thương hiệu của mình.

Một số doanh nghiệp còn thu hồi vỏ bình của doanh nghiệp đối thủ và xuất sang Campuchia cả container đi theo đường chính ngạch. 

Thậm chí, có trường hợp thu gom vỏ bình của đối thủ lại để ép thành phế liệu bán thu về chỉ hơn 100.000 đồng/vỏ bình, trong khi chủ sở hữu vỏ bình phải đầu tư từ 500 đến 600.000 đồng/vỏ bình. Mục tiêu là họ muốn huỷ hoại tài sản của doanh nghiệp, chơi xấu đối thủ.

Ông Quán cũng cho biết, có doanh nghiệp muốn đủ điều kiện kinh doanh ở lĩnh vực này đã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư đủ 300.000 vỏ bình, nhưng giờ đã phá sản vì bị các đối thủ cạnh tranh "bẩn thỉu" thu hồi, chiếm giữ và huỷ hoại vỏ bình chỉ còn lại 40.000 vỏ bình.

"Tôi cho rằng, khi sửa đổi Nghị định lần này ban soạn thảo cần nghiên cứu thật kỹ để hạn chế được các vấn nạn trên, làm lành mạnh thị trường kinh doanh gas. Đồng thời, đảm bảo sự ổn định ít nhất 5 năm, chứ cứ 2 năm lại sửa đổi thì doanh nghiệp xoay không kịp", ông Quán nói.

Cũng theo ông Quán, muốn xử lý được dứt điểm vấn nạn trên chỉ cần quy định trong Nghị định sửa đổi các chế tài thật mạnh để đủ sức răn đe như phát hiện chiếm đoạt vỏ bình và cắt tai, mài vỏ của đơn vị khác thì đề nghị rút giấy phép kinh doanh, xử nghiêm từ 1 đến 2 trường hợp thì chắc chắn vấn nạn này sẽ không còn nữa.

Một số doanh nghiệp còn cho biết, trong thị trường kinh doanh gas ngoài chiếm giữ vỏ bình, cắt tai, mài vỏ, thậm chí huỷ vỏ bình làm sát vụn để nhằm loại bỏ đối thủ thì còn có tình trạng liên kết lại với nhau để thao túng giá, triệt tiêu các đối thủ có quy mô nhỏ lẻ.

Ông Trần Minh Loan - Phó Chủ tịch hiệp hội Khí Việt Nam cũng nhận định thị trường ga còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó, vấn đề bức xúc và lo lắng nhất của toàn xã hội là phòng chống cháy nổ.

"Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua là một bài học, dù không liên quan tới gas nhưng lĩnh vực gas luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chúng ta không thể chủ quan được. Nhất là còn thực trạng cắt tai, mài vỏ, chiết nạp gas lậu kiểm soát vận chuyển và tiêu dùng của người dân, nếu không có sự chung tay của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thì hậu quả sẽ rất thảm khốc", ông Loan nói.

Ông Loan cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện có khoảng hơn 30% sản phẩm gas lưu hành trên thị trường là xuất phát từ sang chiết lậu. Do có quá nhiều công ty đầu mối nên khí gas được cung cấp tràn lan ra thị trường mà không có sự kiểm soát, dẫn đến những khó khăn trong việc chống gas lậu, gas giả.

Theo ông Loan, các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, đúng luật đều không có hiệu quả, không phát triển được thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn phải rời bỏ thị trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam cũng phân tích, ngoài doanh nghiệp thì khâu trung gian bán lẻ tới người tiêu dùng là ở các đại lý quản lý cũng chưa tốt. 

Hiện đang tồn tại hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh gas trên cả nước, trong đó có tới 60 đến 70% không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn phòng chống cháy nổ, ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng và tới xã hội.

 Thành lập cả doanh nghiệp để làm ăn "phi pháp" chiết nạp gas lậu - Ảnh 4.

Đầu năm 2022, một doanh nghiệp phản ánh bị đơn vị khác thu giữ vỏ bình ga trái phép. Ảnh: PL

Phải hướng tới lành mạnh thị trường kinh doanh gas

Ông Hosokoji Yu - Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Sopet Gasone chia sẻ, ở Nhật Bản kinh doanh gas có một số khác biệt như: Khách hàng trước khi sử dụng gas đều phải ký hợp đồng cung cấp gas với thương nhân bán gas để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng với đơn vị cung cấp gas.

Trong hợp đồng cũng quy định rõ: loại gas, cách thức cung cấp, giá cả, trách nhiệm sở hữu và quản lý thiết bị gas; trách nhiệm khi thay đổi nhà cung cấp gas; trách nhiệm về đảm bảo an toàn của khách hàng và của nhà cung cấp…

Ngoài ra, ở Nhật cũng phân biệt rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp là quản lý bình gas, van điều áp, đồng hồ đo gas. Còn khách hàng sử dụng thì chịu trách nhiệm quản lý từ đường gas ra khỏi đồng hồ đến dụng cụ sử dụng gas (bếp, máy nước nóng…). Ngoại trừ bếp gas và lò sưởi gas được kết nối bằng dây dẫn ra thì các thiết bị khác cần phải có chứng chỉ thi công lắp đặt mới được phép lắp đặt.

Để đảm bảo an toàn, Nhật Bản cũng quy định rõ 7 nghiệp vụ mà người giao gas phải thực hiện khi giao gas cho khác hàng bao gồm: kiểm tra, bảo trì khi bắt đầu cấp gas; kiểm tra, bảo trì khi bắt đầu thay gas; kiểm tra thiết bị cung cấp định kỳ; kiểm tra thiết bị tiêu thụ định kỳ; cung cấp thông tin cho khách hàng định kỳ; khi xảy ra sự cố nhân viên công ty gas phải có mặt ở hiện trường; phát hiện rò rỉ gas, nhân viên công ty gas phải đưa ra lời khuyên phù hợp cho khách hàng.

Ông Hosokoji Yu cũng cho biết, do ở Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về những điều kiện kinh doanh gas như trên nên khi công ty của ông có áp dụng mà chưa thành công. Từ đó, dẫn tới rất nhiều người tiêu dùng không nhận thức được trách nhiệm về đảm bảo an toàn của mình khi sử dụng gas.

"Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho người tiêu dùng sử dụng những bình gas bị sang chiết trái phép, không đạt tiêu chuẩn về an toàn mà không hề hay biết, dẫn đến nguy cơ rủi ro cháy nổ cao trong gia đình", ông Hosokoji Yu - Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Sopet Gasone nói.

Ông Đỗ Xuân Nghiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH DVTM TH Xuân Nghiêm, là đơn vị bán lẻ có hơn 300 đại lý tại miền Bắc chia sẻ: Đề quản lý gas thì nhà nước phải bỏ bớt giấy phép con để doanh nghiệp dễ thở. Doanh nghiệp phải có lợi nhuận mới quan tâm tới người tiêu dùng được.

"Chúng ta phải quan tâm tới người tiêu dùng, có an toàn hay không, có tránh được hàng giả, hàng nhái hay không… Làm gì để hữu ích cho người tiêu dùng cũng không đơn giản, đặc biệt là để quản lý chặt được như Nhật Bản thì càng khó, nhưng trước sau cũng phải làm", ông Nghiêm nói.

Ông Phan Văn Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và xuất nhập khẩu khí Gas hoá lỏng Vạn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam cho biết: "Mong muốn của tôi là khi Nghị định mới ra đời sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Ngành gas được thị trường hoá nhiều năm nay rồi và thị trường thì phải cạnh tranh lành mạnh. Làm sao doanh nghiệp, người tiêu dùng phải gắn bó với nhau và đảm bảo đúng quy định pháp luật".

Theo ông Hùng có huyện với 330 đại lý nhưng chỉ có 3 đại lý có đủ giấy tờ kinh doanh gas. Còn lại, do quy định quá khó nên các địa lý không làm được đúng các thủ tục, thậm chí có thủ tục đã bãi bỏ nhưng doanh nghiệp của ông và đại lý vẫn bị phạt.

Ông Đỗ Trọng Hiếu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) là đơn vị đang soạn thảo Dự thảo Nghi định sửa đổi Nghị định 87/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 15/6/2018 về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí cho biết:  Đúng ra, vai trò và trách nhiệm là phía Bộ Công Thương phải triển khai buổi hội thảo này nhưng các doanh nghiệp lại chủ động tổ chức nên có thêm nhiều ý kiến khách quan.

Theo ông Hiếu, các vấn nạn như cắt tai mài vỏ, vấn đề quản lý giá gas, đảm bảo phòng chống cháy nổ… đều đã và đang được đề cấp đến. Tuy nhiên, việc xử lý các tồn tại này chưa đạt được mong đợi của tất cả mọi người, nguyên nhân có phải từ xây dựng văn bản pháp luật hay không?

Cũng theo ông Hiếu, cá nhân ông cho rằng không phải từ văn bản pháp luật mà do sự biến đổi của thực tế và mọi người cũng kỳ vọng quá nhiều vào Nghị định sửa đổi Nghị định 87 lần này. Trong khi, tiêu đề của Nghị định này là về kinh doanh khí. 

"Nếu muốn giải quyết được tất cả tồn tại như kỳ vọng của các doanh nghiệp thì nên đặt vấn đề nâng tầm lên thành Nghị định phát triển thị trường khí. Vì phạm vi Nghị định sửa đổi Nghị định 87 chỉ là kinh doanh khí theo chuỗi từ hoạt động sản xuất, chế biến, nhập khẩu, phân phối", ông Hiếu cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem