Thanh Hóa: Tuyệt chiêu nuôi ốc nhồi đặc sản qua mùa đông, ông nông dân U70 kiếm hàng trăm triệu/năm

Phạm Anh Thứ sáu, ngày 20/11/2020 06:34 AM (GMT+7)
Nhờ bí quyết, tuyệt chiêu nuôi ốc nhồi đặc sản qua mùa đông lạnh giá, ông Đinh Công Thước (72 tuổi, ở xóm 2, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) năm nào cũng có ốc nhồi giống để bán. Nhờ bí quyết nuôi ốc nhồi đặc sản qua mùa đông mà ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Clip: Ông nông dân U70 Đinh Công Thước (72 tuổi, ở xóm 2, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ bí quyết nuôi ốc nhồi đặc sản qua mùa đông thành công 100 %.

Ốc nhồi hay còn còn gọi là ốc bươu đen đang là loại đặc sản rất được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới. 

Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi ốc nhồi. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi được đánh giá là khá đơn giản, cách chăm sóc ốc nhồi cũng không quá phức tạp.

Nhưng ở miền Bắc có một mùa đông lạnh giá, có nhiều ngày nhiệt độ xuống thấp là trở ngại chính đối với phát triển nghề nuôi ốc nhồi. 

Đặc biệt, nhiệt độ thấp, thời tiết lạnh giá kéo dài của mùa đông có thể gây thiệt hại lớn đối với các hộ nuôi ốc nhồi giống.

Tuy nhiên, nhờ vào những kinh nghiệm nuôi ốc nhồi của mình mà ông Đinh Công Thước ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), nhiều năm nay đã thành công nuôi ốc nhồi qua mùa đông lạnh.

Nhờ đó, mà năm nào nào ông cũng bán được trên 50 vạn ốc nhồi giống và hàng vài trăm kg ốc nhồi thịt thương phẩm, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thanh Hóa: Giữ đàn ốc nhồi qua đông, u70 kiếm hàng trăm triệu/năm - Ảnh 2.

Nghe tin sắp có không khí lạnh liên tục từ phía Bắc tràn xuồng, ông Đinh Công Thước, xóm 2, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang kiểm tra lại đàn ốc nuôi trú qua mùa đông sắp tới.

Hiện tại mới chỉ đang vào đầu mùa đông nên nhiệt độ vẫn còn cao, nhưng ông Thước đã cẩn thận bắt toàn bộ gần 1 vạn ốc nhồi bố mẹ lên nuôi trú trong bể. 

Bể nuôi ốc nhồi mùa đông của ông Thước được ông thiết kế rất cẩn thận. Bể có khung để che bạt những hôm nào mưa rét, nhiệt độ xuống thấp. 

Trong bể nuôi ốc nhồi trú đông cũng được ông cải tạo sao cho môi trường sống giống như ngoài tự nhiên.

Vừa gặp, ông Thước vui vẻ bảo, "Thời tiết giờ thất thường khó đoán trước nên tôi cứ bắt hết đám ốc nhồi bố mẹ lên bể nuôi trữ đông cho chắc. 

Chứ để ốc nhồi dưới ao thì không yên tâm. Mỗi lần gió mùa đông Bắc về lại mất ngủ vì nó. Thời tiết đột ngột lạnh quá có khi ốc nhồi chết sạch lại mất trắng".

Ông Thước bắt đầu nuôi ốc nhồi cách đây hơn 5 năm về trước. 

Thời gian đâu do không có kinh nghiệm nên phần lớn vào mùa đông số ốc nhồi ông giữ lại làm giống đều chết sạch. 

Trải qua vài mùa đông như vậy, ông rút ra kinh nghiêm và cứ khi mùa đông đến là ông bắt đầu bắt ốc nhồi bố mẹ lên bể để nuôi trú đông.

Thanh Hóa: Giữ đàn ốc nhồi qua đông, u70 kiếm hàng trăm triệu/năm - Ảnh 3.

Nhờ có bí quyết nuôi ốc nhồi trú đông, vượt qua mùa đông, mỗi năm lão nông 72 tuổi Đinh Công Thước kiếm nhẹ hàng trăm triệu đồng tiền bán ốc nhồi giống, ốc nhồi thịt.

Nhờ vậy mà 3 năm nay, ông giữ được phần lớn đàn ốc giữ lại làm ốc nhồi bố mẹ, tỷ lệ hao hụt ngày càng thấp. 

Cũng nhờ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi trú đông của mình nên việc chăm sóc đàn ốc vào mùa đông cũng đơn giản hơn.

Thanh Hóa: Giữ đàn ốc nhồi qua đông, u70 kiếm hàng trăm triệu/năm - Ảnh 4.

Nhờ có bí quyết nuôi ốc nhồi trú đông của riêng mình, đàn ốc nhồi bố mẹ của nhà ông Đinh Công Thước, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn sống khỏe trong mùa đông.

Đặc biệt ông Thước còn cho ốc nhồi ăn thêm tinh bột nhờ đó mà con nào cũng béo ú, mùa đông vẫn sống khỏe.

Theo ông Thước, nếu mà mùa đông để ốc nhồi dưới ao thì tỷ lệ rủi ro rất lớn. Nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa, sương muối thì ốc nhồi chết hàng loạt là khó tránh khỏi.

Ngược lại, đưa ốc lên bể nuôi trú đông thì dễ dàng quản lý hơn. Vào những ngày mưa rét thì che đậy kín lại, rất đơn giản nhưng hiệu quả, tỷ lệ ốc nhồi chết rét cực thấp.

Trong mùa đông, những ngày ấm áp ông Thước cũng cho ốc ăn thêm. Thức ăn ngoài các loại bèo, rong... có sẵn trong bể nuôi, ông cho ăn thêm tinh bột để cung cấp thêm dinh dưỡng cho ốc.

Cho ăn được trong mùa đông như thế thì con ốc nhồi sang xuân thời tiết ấm áp trở lại sẽ khỏe và đẻ rất mắn, bầu trứng to nên năng suất cao hơn hẳn.

"Nhờ cách làm này mà 3 năm nay tôi giữ được gần như số ốc nhồi bố mẹ. Mỗi năm doanh thu từ nuôi ốc nhồi sinh sản cũng hơn 200 triệu. Thêm tiền bán ốc nhồi thịt thương phẩm nữa thì mỗi năm tôi cũng có thu nhập khoảng 250 triệu, trong khi đó chi phí nuôi chẳng đáng kể...", ông Thước tiết lộ.

Thanh Hóa: Giữ đàn ốc nhồi qua đông, u70 kiếm hàng trăm triệu/năm - Ảnh 5.

Mỗi năm ông Thước bán ra 60 vạn ốc nhồi giống, mỗi con ốc nhồi giống có giá 500 đồng.

Ông Đinh Công Thước cho biết, nuôi ốc nhồi ở miền Bắc chỉ khó khăn nhất vào mùa đông, còn lại các mùa khác thì cách nuôi như nuôi bình thường. 

Hàng năm, cứ tháng 3 âm lịch thì ốc nhồi vào mùa sinh sản, tiến hành thu hoạch trứng từ sáng sớm để tránh ánh nắng mặt trời làm hỏng trứng. Sau đó, mang trứng về ấp  trong nhà lưới, phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển.

Sau khoảng 15 ngày, trứng ốc nhồi nở, vỏ vôi của trứng sẽ từ từ tan biến tạo thành lớp keo bao bọc ốc con bên ngoài.

Thanh Hóa: Giữ đàn ốc nhồi qua đông, u70 kiếm hàng trăm triệu/năm - Ảnh 6.

Trong bể nuôi ốc nhồi trú đông được ông Thước cải tạo gần như giống môi trường sống ngoài tự nhiên của loài ốc đặc sản này.

Khi ốc nhồi mới nở chỉ cho ăn bèo tấm, đến khi con to hơn cỡ bằng hạt ngô thì cho ăn bằng cám gạo để kích thích ốc nhồi lớn nhanh hơn. Đến khi con ốc nhồi to hơn hạt ngô thì thả xuống ao nuôi thành ốc nhồi thịt thương phẩm.

"Các năm trước thì tôi để có hơn 5.000 ốc bố mẹ hầu như tôi giữ lại được gần hết qua mùa đông. Vào mỗi vụ ốc nhồi sinh sản năm sau đó tôi cũng bán ra được hơn 50 vạn ốc giống. Năm nay tôi để tới gần 1 vạn ốc nhồi bố mẹ. Chắc chắn sang năm tới thu nhập sẽ cao hơn hẳn các năm trước", ông Thước nhẩm tính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem