dd/mm/yyyy

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ

Tận dụng tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La rộng lớn, các hộ dân trên địa bàn xã Nậm Giôn (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã tự nguyện liên kết với nhau đứng lên thành lập hợp tác xã (HTX) Thủy sản Nậm Giôn để phát triển nghề nuôi cá lồng.

Những ngày tháng 11 năm 2020, chúng tôi có chuyến công tác đến với xã Nậm Giôn, huyện Mường La. Được sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Mường Giôn, đến thăm mô hình nuôi cá lồng của HTX Thuỷ sản Nậm Giôn. Niềm nở tiếp đón chúng tôi là anh Quàng Văn Hùng – Giám đốc HTX Thuỷ sản Nậm Giôn.

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ - Ảnh 1.

Từ nuôi cá lồng, các thành viên trong HTX Thuỷ sản Nậm Giôn có cuộc sống khá giả hơn.

Anh Hùng bảo: Sau khi thuỷ điện Sơn La tích nước, người dân chúng tôi được cấp uỷ, chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ thành lập HTX Thuỷ sản để liên kết các hộ nông dân có nguyện vọng nuôi cá lồng lại với nhau. Mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên.

Theo đó, từ các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh Sơn La, tháng 7/2017, HTX Thủy sản Nậm Giôn được thành lập. Hiện, HTX có 10 thành viên với 100 lồng cá, nuôi chủ yếu các loại cá: Trắm, rô, chép, nheo... Mỗi lồng cá có diện tích trên 30m2.

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ - Ảnh 2.

Nguồn nước lòng hồ thuỷ điện Sơn La sạch nên đàn cá của các thành viên trong HTX Thuỷ sản Nậm Giôn luôn sinh trường và phát triển tốt.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng kể: "Mặc dù được tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ, tập huấn nhưng cũng chỉ được một phần nào đó. Khi mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn về vốn, không có kinh nghiệm nuôi cá, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Do vậy, nhiều hộ dân e ngại, không dám mở rộng sản xuất, mỗi hộ chỉ nuôi có vài ba lồng.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, bên cạnh việc tập huấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, không còn cách nào khác là phải đi lên từ chính đôi chân của mình. Ban lãnh đạo HTX cùng với các thành viên tìm đến các HTX có kinh nghiệm nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Sơn La để học tập. Mặt khác, chúng tôi lên mạng, đọc thêm sách báo để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lồng…".

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ - Ảnh 3.

Để giảm chi phí thức ăn, các thành viên trong HTX Thuỷ sản Nậm Giôn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn tại ở chỗ như chuối, sắn.

Đến nay, những nỗ lực cố gắng của HTX đã bắt đầu thu được trái ngọt. Năm 2019, trung bình mỗi lồng cá của HTX cho thu từ 3 tạ - 4 tạ cá, sản lượng đạt hơn 30 tấn cá/vụ. Với giá bán dao động từ 40 nghìn đồng - 90 nghìn đồng/kg, HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Trong năm 2020, HTX Thuỷ sản Nậm Giôn đang mở rộng thêm 60 lồng cá.

Anh Lò Văn Nằn, bản Pá Mồng, xã Nậm Giôn – thành viên HTX Thuỷ sản Nậm Giôn, cho biết: "Khi mới bắt đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm nuôi cá lồng nên đàn cá phát triển chậm, thỉnh thoảng lại nhìn thấy vài con bị chết nổi lên trên mặt nước khiến gia đình rất lo lắng. Thấy đàn cá phát triển không tốt, tôi tìm đến các thành viên khác trong HTX và được họ chỉ bảo tận tình cách phòng, chống sâu bệnh cho đàn cá. Sau một vài tháng mua thuốc theo hướng dẫn của các thành viên, đàn cá gia đình tôi không còn hiện tượng nổi lên mặt nước nữa mà sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hiện, gia đình tôi có 10 lồng cá. Năm 2019, gia đình xuất bán ra thị trường 2 tấn cá, sau khi trừ chi phí lãi gần 90 triệu đồng. Nhờ tham gia HTX nuôi cá lồng, giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi đã bước sang một trang mới. Nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái được ăn học đến nơi đến chốn".

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ - Ảnh 4.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ, các hộ dân trên địa bàn xã Nậm Giôn đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lò Văn Phát, bản Pá Mồng - thành viên HTX Thủy sản Nậm Giôn, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi canh tác cây ngô, cây sắn nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhận thấy diện tích mặt nước là cơ hội để phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2017, gia đình tôi tự nguyện tham gia vào HTX Thuỷ sản Nậm Giôn để nuôi cá lồng. Ban đầu, do chưa có vốn nên gia đình nuôi 6 lồng cá, gồm: Trắm, chép, rô phi… Tham gia HTX, gia đình tôi thường xuyên được các cấp, các ngành và các thành viên trong HTX chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng.

Chúng tôi học hỏi lẫn nhau là chính, người nào biết chỉ cho người không biết. Cứ như vậy, đàn cá lồng của các thành viên ngày một phát triển đi lên. Đến nay, gia đình tôi có 10 lồng cá. Năm 2019, tôi xuất bán ra thị trường được 4 tấn cá các loại, thu được trên 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng. So với trồng ngô, sắn như trước đây, nuôi cá lồng vừa nhàn mà giá trị kinh tế cao hơn hẳn".

Tham gia HTX nuôi cá lồng, người dân Nậm Giôn sống khoẻ - Ảnh 5.

Việc tận dụng nguồn thức ăn tại cơ sở trong nuôi cá lồng không những giảm được chi phí thức ăn mà còn đảm bảo chất lượng cho đàn cá khi xuất bán.

Trao đổi thêm với chúng tôi, Giám đốc HTX Thuỷ sản Nậm Giôn, cho hay: "Bước đầu, nghề nuôi cá lồng của các thành viên trong HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ nuôi cá lồng, các thành viên trong HTX đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với trước kia khi chưa tham gia HTX. Thu nhập của bà con từng bước được nâng lên, đặc biệt có nhiều hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng – 300 triệu đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn xã tham gia vào HTX. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn các thành viên phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thêm thu nhập cho các thành viên.

Tuệ Linh - A Và