Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 2): Tàu nằm bờ, người “trôi dạt”

Nguyễn Quý Thứ ba, ngày 29/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Hàng nghìn người từng là lao động trên những con tàu sang trọng có trị giá hàng chục tỷ hay cả trăm tỷ đồng đã dần rời xa môi trường làm việc trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Bình luận 0

Họ chấp nhận làm đủ mọi nghề kiếm sống, từ kéo lưới cá thuê, đến cửu vạn, phu hồ... Thậm chí có chủ tàu hào hoa một thời, giờ đi xách vữa phụ hồ!

20 năm làm thuyền trưởng bỗng thành người kéo chã

Đêm tháng 6, biển Đồ Sơn (Hải Phòng) lặng gió. Nguyễn Văn Thế (45 tuổi, quê Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) mồ hôi nhễ nhại, dùng hết sức kéo tấm lưới nặng trịch lên tàu. Những con cá, tôm nhỏ lúc nhúc trong lưới, dưới ánh sáng chói lòa của bóng đèn cao áp. Nhiệm vụ của Thế là cùng với 3 nhân công khác kéo lưới lên và phân loại cá ra các lồng nhựa. Đến khi trời rạng, cũng là lúc công việc của anh kết thúc. Thế cùng cánh nhân công trên tàu mệt phờ, lăn ra sàn tàu ngủ.

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 2): Tàu nằm bờ, người “trôi dạt” - Ảnh 1.

Tàu Capella mà anh Nguyễn Văn Thế từng làm thuyền trưởng đã nằm im rất nhiều ngày. Ảnh: N.Q

Làn sóng bán tàu du lịch vịnh Hạ Long bắt đầu kể từ đợt Covid-19 thứ 2, khi mà tàu không có khách trong khi phải "gánh" lãi suất ngân hàng và các khoản chi phí. Nhiều người đã chấp nhận bán tàu với giá rẻ mạt, ngậm ngùi từ giã nghề đã nuôi sống gia đình bao năm.

Đã gần 1 năm nay, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thế chính thức nghỉ làm việc cho hãng tàu du lịch Capella. Gần 20 năm gắn bó với nghề lái tàu, làm việc cho nhiều hãng tàu du lịch lớn, nay người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm phải làm nghề kéo lưới thuê, lương tháng 6 triệu đồng.

"Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 diễn ra, mình bắt đầu nghỉ việc về nhà. Đây cũng là thời điểm chủ tàu không cầm cự nổi nữa khi mà tàu cứ đỗ hoài trên bến. Nằm nhà 2 tháng thì có người anh em bên đảo Hà Nam có tàu đi kéo xiếc gọi mình đi làm cùng. Công việc nặng nhọc, lương thấp, nhưng còn hơn nằm dài ở nhà chờ vợ nuôi cơm" - anh Thế trải lòng.

Những chuyến đi trên những con tàu nghỉ đêm 5 sao xa hoa, với anh Thế giờ chỉ còn là kỷ niệm. "Làm thuyền trưởng ở những con tàu này khá nhàn, lương cứng khoảng 20 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu sử dụng kỹ năng và sự nhạy bén nghề nghiệp, ít phải dùng đến sức lực chân tay. Chẳng ai muốn từ bỏ công việc như thế để đi kéo chã cả..." - anh Thế nói.

Từ ngoài biển xa xôi với nghề kéo lưới cá, anh Thế vẫn ngóng về đất liền, mong cho dịch bệnh sớm qua đi, để anh trở lại với nghề lái tàu du lịch.

Đầu bếp tàu 5 sao xuống đường bán gà dạo

Dịch Covid-19 có thể nói đã "đánh tan tác" 504 con tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, chủ tàu và người lao động tứ tán, không ít người phải chuyển qua làm việc khác để kiếm sống.

Đầu bếp Nguyễn Đức Quang - gắn bó trên 10 năm với đội tàu hạng sang chuyên phục vụ khách quốc tế chuyển sang nghề bán gà dạo. Vợ anh - kế toán của đội tàu này -cũng mất việc vì dịch Covid-19, đang loay hoay tìm việc mới. Dịch Covid-19 đợt đầu đã "thổi bay" tổng thu nhập 16-18 triệu đồng/tháng của vợ chồng Quang tại công ty sở hữu đội tàu siêu sang này. Khi giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng, Quang thường xuyên chạy xe máy đoạn đường Hạ Long - Yên Thế (Bắc Giang) gần 170km để mua gà đem ra Hạ Long bán, với hy vọng có đồng ra đồng vào và đợi dịch qua đi.

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 2): Tàu nằm bờ, người “trôi dạt” - Ảnh 3.

Từ chủ tàu, anh Lê Văn Khá phải đi làm thuê ở công trường. Ảnh: N.Q

Hầu hết người lao động, trong đó có vợ chồng anh Quang xin chấm dứt hợp đồng lao động để được hưởng một khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp. Hy vọng được hỗ trợ một phần từ khoản 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng đến giờ cả hai chưa nhận được... Vợ chồng Quang xin vào một số khách sạn, nhưng rồi nhân viên nhiều hơn khách nên các khách sạn cũng đóng cửa. Quang lại tiếp tục với nghề bán gà, trong khi các đồng nghiệp khác tứ tán khắp nơi tìm việc.

Quang bảo, anh vừa tiếp tục giao gà để có đồng ra đồng vào nuôi 2 con nhỏ và cố tìm nghề khác bởi khó có thể trở lại nghề cũ, ít nhất cho đến hết năm 2021.

Chủ tàu đi xách vữa thuê

Sau những đợt "bão" Covid-19 vùi dập liên tục và đến nay vẫn chưa yên, trên 500 con tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cái thì vật vờ ngoài cảng chờ ăn may vợt được vài khách vãng lai, cái thì ở "ẩn" suốt từ đầu năm 2020. Con tàu Cường Thịnh 48 chỗ, chở khách chạy theo giờ của anh Lê Văn Khá (quê Hà An, thị xã Quảng Yên) là một trong số đó.

Lượng khách phập phù, thu không đủ chi khiến anh Khá đành phải cho tàu nằm bờ ở cảng Tuần Châu, thuê người anh bên vợ xuống trông tàu, còn mình thì ra công trường xây dựng tòa chung cư ở Bãi Cháy làm thuê. "Từ xách vữa, đến dỡ cốp pha, cửu vạn… miễn có tiền, họ thuê việc gì thì mình làm việc đấy" - anh Khá hồn nhiên nói.

Anh Khá làm tàu du lịch từ năm 2008. Thời vàng son chưa có dịch Covid-19, con tàu chạy khách tham quan vịnh Hạ Long của anh cũng mang lại thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng. Nhiều ngày tàu chạy hết công suất, họa lắm mới có buổi tàu nằm bờ để bảo dưỡng, sửa chữa. Thế mà từ đầu năm 2020 đến nay, anh Khá phải cho tàu nằm bờ. Không có thu nhập, anh làm hết các việc, để rồi từ đầu năm 2021, anh chính thức từ ông chủ tàu trở thành phu hồ, cửu vạn.

Thời gian đầu, ai cũng cố gắng xoay xở để có chút lương tối thiểu cho số nhân viên ít ỏi được giữ lại nhưng đến giờ thì buông xuôi. "Đã không còn ai tự nuôi nổi mình nữa" - một chủ tàu tâm sự. Hàng nghìn thuyền viên, nhân viên làm việc trực tiếp trên hơn 500 con tàu giờ phiêu bạt nơi nào, làm gì, các chủ tàu cũng chịu. Họ chỉ cố gắng giữ lại 1-2 nhân viên chính/tàu để trông coi và bảo dưỡng tàu. Không ít người đã rời tàu, về quê hoặc đi kiếm sống ở phương trời xa nào đó.

Những người có gia đình ở Quảng Ninh thì chuyển sang làm nghề khác, thỉnh thoảng được chủ tàu gọi đi làm khi có khách. Tình hình cứ phập phù như vậy, nên không ít người buông bỏ nghề thuyền viên để đi làm thợ xây, đi bán gà dạo… 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem