Thái Nguyên: U80 nuôi ong cho vui, ai ngờ tạo nên cả cơ nghiệp lớn

Hà Thanh Thứ bảy, ngày 04/07/2020 19:20 PM (GMT+7)
Nhắc đến ông Trần Mạnh Thừa - Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận, ở xã Phúc Thuận, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên không ai là không biết. Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng, ban đầu nuôi ong vốn chỉ là thú vui tuổi già của cụ ông đã ngoài 80 tuổi này.
Bình luận 0

Từ nuôi ong chỉ là thú vui tuổi già

Từ trung tâm TP.Thái Nguyên, giữa cái nắng chói chang, PV Dân Việt vượt hơn 40km để đến xã Phúc Thuận, TX.Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), tìm hiểu về mô hình nuôi ong tại đây. Đến đây, hỏi về cụ ông Trần Mạnh Thừa, không ai là không biết về Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận này.

Cụ ông 82 tuổi tạo nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận - Ảnh 1.

Cụ Thừa ngồi trò chuyện với PV, nhìn vẻ ngoài minh mẫn, nhanh nhẹn của cụ ít ai nghĩ rằng cụ đã ở tuổi ngoài 80

Ở tuổi ngoài 80, cụ Thừa chẳng hề nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già như nhiều người. Ngoài làm Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận, cụ còn tham gia công tác tại nhiều hội, ngành, đảm nhiệm nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, Hội trưởng Hội doanh nhân thị xã Phổ Yên… Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng tiếp chuyện cùng PV Dân Việt, cụ Thừa vẫn hết sức minh mẫn.

Theo cụ Thừa, cụ sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình. Năm 1962, cụ theo bố mẹ lên vùng đất Thái Nguyên khai hoang lập nghiệp rồi gắn bó với mảnh đất này từ đó. Sau thời gian công tác trong quân ngũ, cụ trở về lái máy cày, tham gia sản xuất tại địa phương.

"Ban đầu nuôi ong chỉ là thú vui tuổi già của tôi. Sau này, tôi nghĩ đến việc phát triển mô hình để các cựu chiến binh cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, bởi vậy năm 2004, tôi thành lập HTX nuôi ong Phúc Thuận," cụ Thừa cho biết.

Theo cụ Thừa, hiện nay HTX nuôi ong Phúc Thuận có tất cả 10 thành viên, trong đó có 2 thành viên đã mang ong vào trong Nam, còn lại 8 thành viên ở địa phương. Trong số 8 thành viên, có tới 6 thành viên là cựu chiến binh ở độ tuổi từ 60 – 80 tuổi.

Cụ ông 82 tuổi tạo nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận - Ảnh 2.

Cụ Thừa và thành viên HTX đi kiểm tra chất lượng đàn ong.

Đến gây dựng thương hiệu mật ong Phúc Thuận

Nói về quá trình nuôi ong, cụ Thừa cho biết, ban đầu cụ cũng gặp phải không ít khó khăn. Sau đó, nhờ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong trước, cụ dần rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

"Mỗi lần thất bại là một bài học kinh nghiệm giúp tôi vượt qua những khó khăn tiếp theo. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi vài ba thùng, nhưng khi đã có kinh nghiệm hơn, tôi phát triển số lượng đàn ong lớn dần lên đến hàng trăm thùng, số lượng các thùng ong dao động theo từng năm. Hiện tại gia đình tôi có 60 thùng ong để lấy mật, còn lại để sản xuất và bán con giống", cụ Thừa kể.

Cụ ông 82 tuổi tạo nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận - Ảnh 3.

Hiện tại, HTX nuôi ong Phúc Thuận có khoảng 4.000 - 5000 thùng ong.

Vừa dẫn PV Dân Việt xem quá trình kiểm tra thùng ong, cụ Thừa vừa chia sẻ, muốn nuôi ong thành công đòi hỏi người nuôi phải có niềm đam mê với ong, phải hiểu rõ đặc tính của đàn ong, phải nhạy bén phát hiện sự thay đổi bất thường của đàn ong...

Với cụ, chỉ cần nghe tiếng đàn ong vỗ cánh cũng có thể biết được thùng ong yếu hay khỏe.

Vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá hoặc thiếu thức ăn, nếu không chăm sóc cẩn thận, ong rất dễ bị bệnh như thối ấu trùng, tiêu chảy…

Do đó muốn giữ cho đàn ong luôn khỏe mạnh, phải chú ý cho ong ăn đầy đủ vào mùa đông, nguồn thức ăn cho ong phải đảm bảo và nấu đúng cách.

Đặc biệt, kinh nghiệm cho những người mới nuôi ong cần lưu ý, sau khoảng thời gian 6 tháng thu hoạch mật, người nuôi ong cần giữ lại một lượng mật nhất định để làm nguồn dự trữ thức ăn cho đàn ong qua mùa đông. 

Đặc biệt, khi thời tiết lạnh, cần hạn chế tối đa việc mở thùng ong ra kiểm tra, bởi ong dễ bị lạnh mà chết. Để khắc phục điều này, cụ thường dùng giấy báo ép vào các thùng ong, giúp cho nhiệt độ ổn định.

Cụ ông 82 tuổi tạo nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận - Ảnh 4.

Cụ Thừa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhiều người phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong.

Hiện nay, HTX nuôi ong Phúc Thuận có 3 loại mật ong chính gồm mật hoa nhãn, mật hoa vải và mật hoa keo. Mật hoa nhãn và hoa vải là loại ngon nhất, có giá dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/lít, mật keo có giá khoảng 150.000 – 160.000 đồng/lít.

Cụ Thừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, HTX nuôi ong Phúc Thuận đã sản xuất được khoảng 5 tấn mật ong, riêng gia đình cụ sản xuất được 1 tấn. Bên cạnh nuôi ong lấy mật, cụ Thừa còn nuôi để bán giống với giá trung bình 200.000 đồng/cầu ong với mỗi thùng từ 3 – 4 cầu.

Năm 2019, tổng thu từ việc nuôi ong của gia đình cụ là 150 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, cụ lãi khoảng 80 triệu đồng từ việc nuôi ong.

Cụ ông 82 tuổi tạo nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận - Ảnh 5.

Bây giờ đang là thời điểm dưỡng ong, do vậy người nuôi không tiến hành quay mật.

Chính nhờ những kinh nghiệm và niềm đam mê với nghề, cụ Thừa và những người đồng đội đã tạo ra sản phẩm mật ong Phúc Thuận đặc sánh, thơm ngon, dù bảo quản trong vài năm vẫn không bị biến chất. Nhờ vậy, mật ong Phúc Thuận rất được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng.

"Để xây dựng sản phẩm mật ong Phúc Thuận thành sản phẩm OCOP, cần nhiều thời gian và công sức. Tuổi tôi cao rồi, nên thôi, để dành cho thế hệ trẻ phát triển vậy", cụ Thừa cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem