Thái Nguyên: "Độ chế" bếp Hoàng Cầm thành lò úm gà kiểu mới lạ, khỏe gà mà bà nông dân này còn khỏe hơn

Hà Thanh Thứ hai, ngày 30/11/2020 06:35 AM (GMT+7)
Từ nguyên lý hoạt động của bếp Hoàng Cầm, chị Lê Thị Ánh, nông dân xóm La Đuốc, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã cải tiến để việc xây lò úm gà đốt bằng củi. Nhờ "độ chế" lò úm gà cải tiến này giúp giảm chi phí chăn nuôi, giảm tỷ lệ gà con chết, bà chủ "ăn no ngủ kỹ" khi nuôi gà.
Bình luận 0

Dù đang tất bật chuẩn bị các công việc cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân của xóm, chị Lê Thị Ánh vẫn nán lại để chia sẻ với PV Dân Việt về lò úm gà đốt bằng củi của chị. 

Nuôi gà không lo dịch bệnh nhờ làm ra thứ vừa an toàn lại rẻ  - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Ánh, nông dân xóm La Đuốc, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bên lò úm gà cải tiến từ hình mẫu bếp Hoàng Cầm-bếp nuôi quân thời chiến tranh. Lò úm gà cải tiến của chị Ánh đốt bằng củi do chị sáng chế ra.

Theo chị Ánh, trước đây, vào mỗi mùa đông, gia đình chị phải sử dụng lò úm gà chạy bằng điện để úm gà con mới nở không bị lạnh chết.

Tuy nhiên sử dụng lò úm gà chạy bằng điện, gặp thời điểm giá gà thấp, việc bán gà không có lãi do chi phí tiền điện rất lớn. 

Do đó, chị đã nghĩ đến việc phải cải tiến lò úm gà, vừa giúp giảm chi phí, vừa đảm bảo tỷ lệ sống khỏe của gà con cao hơn.

"Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã vận dụng nguyên lý hoạt động của bếp Hoàng Cầm sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Lò úm gà cải tiến còn kết hợp với cách thức vận hành của lò sấy thuốc lá thủ công, lò sấy sắn...", chị Ánh chia sẻ.

Úm gà là giai đoạn đầu khi nuôi gà giống, gà thịt nên yêu cầu cần phải có sự tỉ mỉ, cẩn trọng và làm đúng quy trình kỹ thuật. Nếu úm gà sai cách sẽ dẫn đến gà con trong những tuần đầu tiên bị thiếu nhiệt, sức đề kháng kém, yếu dần rồi chết.

Nhờ sử dụng lò úm gà "chạy bằng củi", gà của gia đình chị Ánh giảm tỉ lệ chết, tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh hen ở gà giảm hẳn. 

Nhờ đó, đàn gà nhà chị Ánh phát triển đồng đều, khỏe mạnh, góp phần tăng chất lượng gà khi bán ra thị trường.

Nuôi gà không lo dịch bệnh nhờ làm ra thứ vừa an toàn lại rẻ  - Ảnh 2.

Úm gà bằng lò úm gà đốt bằng củi giúp cho gà con được chăm sóc tốt, khỏe mạnh, tỷ lệ đồng đều cao.

Theo chị Ánh, kỹ thuật xây lò úm gà bằng củi không khác nhiều so với những lò úm gà thông thường. Cửa lò úm gà được mở về hướng Đông hoặc Đông - Nam nhằm đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Tường của lò úm gà xây cao 1m, cột cao từ 3,5 - 4m. Dùng lưới mắt nhỏ bao quanh 2 sườn từ tường đến mái hoặc có thể đóng bằng gỗ, tre, nứa. Sau đó, dùng bạt để che ngoài lưới tránh mưa gió.

Trên nền lò úm gà đào đường ống dẫn nhiệt, bầu dẫn nhiệt sâu 0.8m, rộng 0.5m, dài 3 - 4m. Ống khói có thể dẫn ra khỏi lò để thoát khói ra ngoài hoặc thoát lên cao để đảm bảo khói không còn trong lò.

Mặt phẳng của đường ống dẫn nhiệt phải nghiêng 20 độ để khói được hút lên trên. Nếu xây lò dài thì cứ 7m tạo một đường ống dẫn khói sang ngang 2 bên sườn tường. Độ dày của vữa lót nền là 2 - 3cm.

Tiếp đến, đặt 2 hàng gạch song song nhau để tạo ống dẫn nhiệt. Lòng ống dẫn nhiệt có bề ngang từ 15 - 18cm, cao 10cm, các viên gạch đặt cách nhau 1 - 2cm, ở giữa không có vữa để nhiệt tỏa sang 2 bên. 

Kế tiếp, dùng gạch tách hoặc ngói đặt ngang trên ống dẫn nhiệt. Lấp tiếp một lượt đất dày từ 5 - 7cm rồi tiến hành lát nền bằng bê tông dày 2cm.

Nuôi gà không lo dịch bệnh nhờ làm ra thứ vừa an toàn lại rẻ  - Ảnh 4.

Lò úm gà bằng củi được chị Ánh vận dụng nguyên lý của bếp Hoàng Cầm kết hợp với cách thức vận hành của lò sấy thuốc lá thủ công, lò sấy sắn

Tạo nhiệt cho lò úm gà và nuôi gà bằng cách đốt củi nguyên liệu ở bầu nhiệt. Từ đây, nhiệt được dẫn theo đường ống tỏa đều vào nền lò, làm cho nền lò luôn khô ráo, nhiệt độ trong lò không vượt quá 35oC.

Khi muốn hạ nhiệt độ trong bầu nhiệt, dùng tấm ván đậy cửa bầu nhiệt lại, dần dần nhiệt độ sẽ được hạ xuống. Nên sử dụng vật liệu đốt là các nhiên liệu sẵn có như mùn cưa, trấu vì nguyên liệu cháy âm ỉ, nhiệt sinh ra không quá cao mà giá lại rẻ và dễ kiếm.

Nuôi gà không lo dịch bệnh nhờ làm ra thứ vừa an toàn lại rẻ  - Ảnh 5.

Theo chị Ánh, kỹ thuật xây lò úm gà bằng củi không khác nhiều so với những lò úm gà thông thường

Chị Ánh cho biết thêm, khi sử dụng lò úm gà bằng củi, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn, rẻ tiền thay vì phải mua mùn cưa, trấu hay tận dụng củi trong vườn. 

Người nuôi gà cũng có thể lấy trực tiếp trấu đã độn chuồng gà có trộn men vi sinh đem làm nguyên liệu đốt cho lò úm gà cũng được.

Sau khi kết thúc quá trình úm gà con, người nuôi lại đem tro đã đốt đem trộn với men vi sinh rồi rắc trong chuồng gà đã nuôi lớn. Với quy trình khép kín này, có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà lại đảm bảo an toàn vệ sinh.

Bên cạnh đó, sử dụng lò úm gà đốt bằng củi dựa trên nguyên lý hoạt động của bếp Hoàng Cầm có thể giải quyết được việc mất điện thường xuyên ở nông thôn, đặc biệt vào những ngày mùa đông giá rét. 

Đây là 1 trong những ưu điểm tuyệt vời của lò úm gà, giúp người nông dân nuôi gà luôn chủ động trong công việc chăm sóc đàn gà.

Với sáng chế này, chị Lê Thị Ánh, nông dân xóm La Đuốc, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)  đã 2 lần được nhận giải thưởng nông dân sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trao tặng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem