Thái Nguyên: Trồng những thứ cây gì quanh năm mà dân ở làng này rủng rỉnh tiền tiêu?

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 26/06/2021 19:03 PM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có đời sống khấm khá hơn trước.
Bình luận 0

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa (xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) do anh Miêu Văn Long - một nông dân người dân tộc Sán Dìu làm Giám đốc.

Anh Long cho biết, tuy được thành lập từ năm 2019, nhưng phải đến năm 2020, HTX mới chính thức đi vào hoạt động và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện, HTX có tất cả 51 thành viên tham gia, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 1.

Anh Miêu Văn Long - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa kiểm tra ruộng dưa lê. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo anh Long, các thành viên HTX không chỉ chịu thương, chịu khó mà còn có đầu óc tư duy sáng tạo, dám thay đổi cách nghĩ, cách làm. Họ đã thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế, từng bước thay đổi cuộc sống khó khăn, vất vả.

Hiện nay, với diện 5ha, bà con đã chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, mùa nào thức nấy nên lúc nào cũng có sản phẩm để bán.

Nhờ tham gia HTX, bà con được tập huấn về kỹ thuật trong sản xuất mô hình nông nghiệp có hiệu quả, đồng thời được hỗ trợ về giống, phân bón trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên dễ dàng tiêu thụ hơn.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 3.

Nhiều diện tích đất kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Hà Thanh)

Trước đây, bà con nông dân chỉ trồng rau màu theo quy mô nhỏ lẻ. Nhưng từ khi tham gia HTX đến nay, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thiểu đáng kể công sức lao động.

Năm vừa rồi, HTX đã trồng một số loại rau màu theo hướng hữu cơ và được trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ về kỹ thuật. Thời gian tới, HTX dự định hướng tới sản xuất theo quy trình VietGAP và đảm bảo tuân thủ theo đúng quy trình an toàn thực phẩm.

Đến thời điểm này, sản phẩm chính của HTX vẫn là dưa chuột và dưa lê. Trong đó, một năm duy trì 2 vụ dưa, 1 vụ rau và 1 vụ lúa.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 2.

Sản phẩm chính của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa là dưa chuột và dưa lê. (Ảnh: Hà Thanh)

Khó khăn về đầu ra

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX vẫn là thị trường tiêu thụ cũng như đầu ra của sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất còn mang tính chất manh mún và nhân công chưa tập trung đồng bộ.

"Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cả và thị trường đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, chỉ tính sơ sơ với mỗi sào dưa chuột, mỗi vụ cũng cho lãi khoảng 7 triệu đồng. Như vậy so với trồng lúa thì lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần", anh Long chia sẻ.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 6.

Anh Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Hòa (người ngồi bên phải) thăm mô hình dưa lê của HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa. (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện nay, sản phẩm của HTX chủ yếu là bán ra các chợ khu vực TP.Thái Nguyên. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ một số gian hàng trưng bày và tiêu thụ sản phẩm tại chợ Nam Hòa.

Theo anh Long, mong muốn lớn nhất hiện nay của anh là có nơi tiêu thụ sản phẩm tốt, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 4.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp bà con giảm thiểu đáng kể công sức lao động. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Trần Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa cho biết, trong những năm gần đây, địa phương đã xây dựng mô hình chuyên canh sản xuất rau, củ, quả để định hướng lâu dài cho chiến lược phát triển của xã, từ đó đã được người dân trong vùng tiếp cận. HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa là HTX đầu tiên được thành lập theo mô hình sản xuất này.

Từ khi HTX thành lập, Hội Nông dân đã thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền về khoa học kỹ thuật và định hướng việc lựa chọn giống cây trồng sao cho phù hợp để phát triển thay thế cho những cây rau màu kém hiệu quả ở địa phương.

Trồng đủ các loại rau củ quả mùa nào thức nấy, nông dân ở đây khấm khá hơn hẳn - Ảnh 5.

Sản phẩm chính của HTX là dưa chuột và dưa lê. (Ảnh: Hà Thanh)

Đến nay, hiệu quả mô hình này chưa thực sự cao vì đất đai chưa tập trung, cách thức sản xuất chưa theo định hướng chung của HTX, chưa hình thành được sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Tuy nhiên bước đầu đã thể hiện sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bà con.

Nếu HTX thay đổi cách thức sản xuất phù hợp và có hướng đi đúng đắn thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao thực sự.

Do đó, Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên định hướng xây dựng chuỗi sản phẩm. Khi đã xây dựng được chuỗi sản phẩm rồi, Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ đưa các sản phẩm của bà con lên các sàn giao dịch, giúp tiêu thụ sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem