dd/mm/yyyy

Thả cá đặc sản trên hồ Hoà Bình, bắt lên toàn con to, gắn "sao" OCOP lại càng được giá

"Mỗi lồng cá, tôi thả 300 con - 400 con, chủ yếu là cá trắm đen, cá lăng. Thường thì cá đạt trọng lượng từ 7-10kg tôi mới bán. Cá lăng thì giá 150.000 -170.000/kg, trắm đen 200.000 đồng/kg. Bình quân 1 năm tôi lãi gần 500.000 triệu đồng, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn dư giả".

Gắn sao cho sản phẩm cá lồng đặc sản

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Xuân Sang, ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong (tỉnh Hoà Bình), chủ 20 bè cá lồng tại khu vực xóm Nai. Các bè cá được anh Sang cột chặt lại với nhau, tạo thành khu nhà nổi chắc chắn. 

Thả cá đặc sản trên hồ Hoà Bình, bắt lên toàn con to, gắn "sao" OCOP lại càng được giá - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Sang, xóm Nai, xã Thung Nai kiểm tra tình hình sinh trưởng của cá nuôi tại lồng bè. Ảnh: Hà Hoàng

Anh Sang cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên tại xóm Nai, xã Thung Nai, đã quen với những thửa ruộng bậc thang tạc vào vách núi. Ngày ngày lên nương trồng ngô, trồng sắn, bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn khó hoàn khó. Ước mơ của tôi về cuộc sống đủ đầy với gia đình lúc nào cũng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Cách đây 3 năm, nhận được chương trình hỗ trợ nuôi cá lồng từ tỉnh Hòa Bình, tôi đã mạnh dạn nuôi cá lồng. Tôi nuôi chủ yếu cá trắm đen, rô phi, lăng...". 

Do toàn nuôi cá đặc sản nên anh Sang tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao. "Mỗi lồng cá, tôi thả 300 con - 400 con, chủ yếu là cá trắm đen, cá lăng. Thường thì cá đạt trọng lượng từ 7-10kg tôi mới bán. Cá lăng thì giá 150.000 -170.000/kg, trắm đen 200.000 đồng/kg. Bình quân 1 năm tôi lãi gần 500.000 triệu đồng, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn dư giả" - anh Sang chia sẻ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản vùng các tỉnh phía Bắc còn rất lớn khoảng 330.000ha, trong đó có 89,4% diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, khoảng 11,6% nuôi nước mặn, lợ. 

Ngoài ra, các tỉnh phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Ước tính thực hiện năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt hơn 194.000ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 902.000 tấn.

Gắn sao OCOP cho sản phẩm cá  nuôi lồng bè - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan lồng bè nuôi cá và quy trình sản xuất để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của Công ty Cường Thịnh (Hòa Bình). Ảnh: T.L

"Để phát triển nuôi cá lồng trong giai đoạn tới, chúng tôi đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi để hình thành HTX, tổ hợp tác gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ; mở rộng quy mô nuôi lồng bè trên các thủy vực, lựa chọn và phát triển các đối tượng nuôi phù hợp theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản".

Ông Vương Đắc Hùng –

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình

Riêng tỉnh Hòa Bình, nơi đây có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản rất lớn nhờ có hồ Hòa Bình với diện tích lên tới hơn 10.450ha, thuộc địa phận TP.Hòa Bình và các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, với chiều dài 80km, nguồn thủy sản trong lòng hồ phong phú. 

Vùng nước giàu dinh dưỡng nên rất thuận lợi để nuôi các loại thủy sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, cá chiên, cá bỗng, cá trắm...

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay toàn tỉnh có 2.700ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó để phát huy tiềm năng mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình, người nuôi đã có nhiều cải tiến về công nghệ, thay thế lồng nuôi cũ bằng tre, gỗ bằng lồng khung sắt, hướng đến phát triển nuôi cá lồng an toàn thực phẩm với khoảng 4.600 lồng nuôi cá trên hồ. Sản lượng cá ước tính 7.700 tấn; trong đó khai thác 1.400 tấn, nuôi trồng 5.300 tấn.

Với những thuận lợi đó, tỉnh Hòa Bình cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khác đã coi việc nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa là một trong những ngành mũi nhọn, đưa vào chiến lược phát triển sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). 

Có thể kể đến một số sản phẩm thủy sản đã đạt chứng nhận OCOP như: Cá rô phi phi lê và cá lăng đen phi lê của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh, đạt danh hiệu OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình; Sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ (hộ kinh doanh Nguyễn Văn Mạnh) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Tuyên Quang.

Sở NNPTNT Tuyên Quang đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá 3 sản phẩm cá sạch Na Hang (cá phi lê, chả cắt khúc, cá nguyên con) của Công ty TNHH MTV Thủy sản Đức Nguyên và đang hoàn thiện hồ sơ 3 sản phẩm cá (cá lăng phi lê, chả cá lăng, ruốc cá lăng) của Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang để đề nghị chứng nhận sản phẩm OCOP. 

Hay như sản phẩm "Cá hồ Thác Bà" của tỉnh Yên Bái cũng đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận và tỉnh có kế hoạch đưa sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh…

Đa dạng mô hình nuôi cá lồng gắn với OCOP

Phát biểu tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt, Bộ NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè, nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP, nuôi ghép các đối tượng cá truyền thống, nuôi cá trên ruộng lúa...

Thả cá đặc sản trên hồ Hoà Bình, bắt lên toàn con to, gắn "sao" OCOP lại càng được giá - Ảnh 4.

Cá tầm được nuôi lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sống khỏe ở vùng nước biến động, sạch, có cân nặng khi trưởng thành khoảng trên dưới 30 kg và có giá bán 1,5 triệu đồng/kg. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo kết quả tại các dự án, hầu hết các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các dự án nuôi thủy sản tại các tỉnh miền Bắc đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hạn chế phá rừng, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Đỗ Đức Trường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có 33 HTX nuôi trồng thủy sản, 4 doanh nghiệp nuôi cá lồng bè với quy mô trên 100 lồng, 20 cơ sở nuôi cá lồng bè có quy mô trên 20 lồng/cơ sở. 

Trong giai đoạn 2015 – 2020, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Xây dựng các mô hình nuôi cá trong lồng (cá tấm, cá diêu hồng, cá lăng, cá ngạnh, cá trắm đen), nuôi cá trắm cỏ thâm canh năng suất cao trong ao, hồ chứa... Từ những mô hình thành công, đã có hàng trăm hộ dân nuôi theo và cho thu nhập ổn định.

Tại diễn đàn, các chuyên gia thủy sản đã tiến hành phân tích mẫu vật cá bệnh do chính nông dân mang đến, từ đó hướng dẫn bà con nhận biết bệnh và cách xử lý khi cá nuôi bị bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các hộ dân cũng được tiếp cận với những thông tin về chính sách và các bước thực hiện để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, những biện pháp kỹ thuật nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao, phòng và trị bệnh cho cá nuôi… 

Tại Hòa Bình, mới đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc", thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân.

Thiên Ngân - Mạnh Hùng