Tết xứ Hàn - những chuyện mắt thấy tai nghe của cô dâu Việt

Lê Nguyễn Thứ bảy, ngày 13/02/2021 13:41 PM (GMT+7)
Cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán vào ngày 1 tháng Giêng hàng năm.
Bình luận 0

Do ảnh hưởng của Covid - 19, năm nay rất nhiều người không thể về ăn tết với bố mẹ, người thân ở quê. Thay vào đó, họ mua những set quà để tặng gia đình và vẫn nấu những món ăn truyền thống để tận hưởng không khí tết.

Quà tặng "quốc dân"

Trước tết 2 tuần, khi tôi lượn một vòng mấy siêu thị gần nhà, đã thấy trên các kệ hàng đầy ắp các set (phần) quà tặng từ dầu ăn, thịt bò, hoa quả, cá khô cho tới thịt đóng hộp Spam. Những món quà này khiến cho nhiều người nước ngoài cảm thấy rất thú vị. Thịt đóng hộp Spam được đóng gói cùng với dầu ăn hay chai dấm được khá nhiều người lựa chọn làm quà tặng. Bởi lẽ set quà tặng này có giá cả rất phải chăng và người nhận quà cũng rất thích.

Với người phương Tây, spam được coi là sản phẩm ăn liền rẻ tiền, nhưng với người Hàn Quốc đây là món ăn ưa thích. Spam có hương vị đậm đà, khi hết hợp với kim chi, hoặc mì tôm đem lại cảm giác rất ngon miệng.

Tatnien/ Tết xứ Hàn - những chuyện mắt thấy tai nghe của cô dâu Việt - Ảnh 1.

Tatnien/ Tết xứ Hàn - những chuyện mắt thấy tai nghe của cô dâu Việt - Ảnh 2.

Nghi lễ thờ cúng tổ tiên (Charye) của người Hàn Quốc. Ảnh: JOAHBOX

"Tết năm nay, mẹ chồng mình cũng đề xuất mua món ăn sẵn vì làm vất vả. Nhưng mình vẫn muốn làm, mọi người trong gia đình quây quần nấu nướng, chuyện trò mới có chút không khí tết, đỡ nhớ nhà".

Chị Lê Thị Hà

"Thịt hộp có thể bảo quản lâu dài nên khi gửi bưu điện làm quà biếu cũng không lo khâu bảo quản. Người nhận cũng có thể để trong tủ lạnh để dùng lâu dài. Nếu tính về độ thiết thực, đây đúng là món quà số một" - anh Choi Jeon Ho- người lựa chọn set quà này làm quà tặng chia sẻ.

Dầu ăn cũng là một món quà mà người Hàn Quốc rất thích được tặng cũng như đem đi làm quà cho người thân và bạn bè. Cũng giống Spam, dầu ăn có thể bảo quản được lâu và là nguyên liệu không thể thiếu của mỗi gia đình.

Ngoài các set quà bình dân, thịt bò là món quà sang được nhiều người muốn nhận nhất trong các dịp lễ tết. Thịt bò được cắt thành những miếng đẹp mắt và bày biện sang trọng trên các kệ ở các siêu thị không kém các món quà đắt tiền khác. Bởi lẽ thịt bò Hàn Quốc vốn nổi tiếng có chất lượng thịt hảo hạng và quy trình nuôi chặt chẽ.

Tưởng nhớ 4 đời tổ tiên

Tết âm lịch ở Hàn Quốc (Seol hay Seollal) là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian trên khắp đất nước.

Tương tự Việt Nam, vào ngày giáp tết, các gia đình Hàn Quốc đều tập trung dọn dẹp nhà cửa. Trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì người dân cho rằng tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Tất cả các thành viên trong gia đình đều thức trong đêm giao thừa vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Những ngày Tết cổ truyền là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ trong sự hoà thuận, yêu thương. Nhiều người Hàn mở đầu năm mới với nghi lễ thờ cúng tổ tiên theo nghi thức nho giáo có tên gọi Charye. Cả đại gia đình khoác lên mình trang phục Hanbok mới sặc sỡ (seolbim) và tụ tập ở nhà người trưởng nam, đồng thời chuẩn bị sẵn một chiếc bàn thấp, trên đó đặt tờ sớ và nhiều món ăn theo nghi lễ. Theo truyền thống, mỗi gia đình sẽ cúng bốn đời ông bà tổ tiên.

Sau khi thụ lộc và ăn cỗ, thế hệ trẻ sẽ cúi người thực hiện nghi lễ sebae đồng thời tặng quà năm mới để thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi. Những người lớn sẽ đáp lại bằng những lời răn dạy (deokdam), lời chúc năm mới thịnh vượng, như ý hoặc tiền mừng tuổi (sebaetdon) cho trẻ nhỏ.

Sau đó, cả gia đình sẽ cùng tham gia các trò chơi dân gian như yutnori, bài hoa gostop hoặc các trò chơi ngoài trời như thả diều, kéo co, bập bênh neoltwiggi, ném tên tuho, đá cầu jegichagi…

B.T

Các trang trại nuôi bò ở Hàn Quốc cũng chăn nuôi theo quy trình khép kín và áp dụng rất nhiều kỹ thuật hiện đại, thức ăn và nguồn nước phải được đảm bảo đúng tỷ lệ để có chất lượng thịt tốt nhất. Mỗi chú bò đều được gắn một mã số riêng và gắn vào tai. Mã số này sẽ được hiển thị trên bao bì đóng gói thành phẩm cùng với tên của nông trại. Người tiêu dùng khi truy cập vào trang web của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có thể dùng mã này để kiểm tra xem thịt bò mình mua có xuất xứ từ nông trại nào, quy trình giết mổ, đóng gói ra sao. Những con bò bị mất mã số thì thịt sẽ không được lưu thông ra thị trường hoặc xuất khẩu. Vì vậy người dân Hàn Quốc tin tưởng và tự hào về chất lượng thịt bò của mình. Cộng thêm dịch vụ chuyển phát ở Hàn cực kì nhanh chóng, nên những set thịt này chỉ cần gửi hôm nay thì ngày mai người nhà ở quê đã nhận được nên cực kỳ tiện lợi.

Cá đù vàng muối khô cũng là món quà rất quý trong văn hóa Hàn Quốc. Cá được đánh bắt trực tiếp từ các vùng biển Hàn Quốc, lại phải phơi nhiều lần nắng nên giá những hộp cá này đôi khi đắt hơn thịt.

Mâm cỗ toàn đồ chiên

Tôi - cũng như các cô dâu ngoại quốc lấy chồng Hàn Quốc, vào những dịp lễ, tết không khỏi ngỡ ngàng khi chuẩn bị mâm cỗ cúng. Bởi hầu hết các món trên mâm cỗ đều là món chiên rán, từ rau củ, nấm nhúng bột chiên cho tới thịt, cá, tôm mực cũng được đem chiên.

"Ngày 30 Tết, mình và mẹ chồng đều phải mất nguyên 1 ngày để chuẩn bị nguyên liệu và rán sẵn các loại rau củ, thịt, cá. Từ khoai lang, cải thảo, bí xanh, nấm, hành lá, rau củ cho đến thịt, cá, tôm, mực đều được nhúng qua một lớp bột áo và đem chiên. Cả mâm cỗ cúng có khi phải đến 20 loại món chiên khác nhau như thế. Mới đầu chiên còn thấy hào hứng, nhưng khi cúng xong các món chiên nguội đi ăn cảm giác rất ngán. Bỏ tủ lạnh cả tuần liền vẫn ăn không hết được. Nhưng là truyền thống nên năm nào cũng phải làm, giống như Tết Việt phải có bánh chưng, dưa hành vậy" - chị Lê Thị Hà, một cô dâu Việt, sống ở Seoul, chia sẻ.

Tatnien/ Tết xứ Hàn - những chuyện mắt thấy tai nghe của cô dâu Việt - Ảnh 5.

Món ăn ngày tết của người Hàn hầu hết đều là các món chiên rán. Ảnh: N.L

Theo các bậc cao niên, trước thời kì công nghiệp hoá, nguồn cung dầu ăn không dễ dàng như bây giờ nên các món chiên, rán thuộc loại thực phẩm xa xỉ. Đó là lý do tại sao, các món này chủ yếu xuất hiện tại các sự kiện lớn như ngày tết, cúng giỗ, lễ hội... Ngoài ra, bột mì cũng là nguyên liệu khá đắt tiền trong triều đại Joseon. Sau này, dù thực phẩm đã dồi dào nhưng chế biến các món chiên rán đã trở thành món ăn truyền thống trong các ngày lễ.

"Tuy là món truyền thống, nhưng không phải ai cũng thích các món này vì dầu mỡ nhiều, ăn nhanh ngấy và chuẩn bị rất vất vả, mất nhiều thời gian. Hiện nay, nhiều gia đình chọn mua sẵn các món chiên được làm sẵn ở cửa hàng và đem về chỉ cần bày biện lên mâm cỗ cúng" - chị Lê Thị Hà cho hay. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem