Tết Kỷ Hợi đi săn "Tù bua" ngon miễn chê nơi miền cao núi nhọn

Tuấn Ngọc Thứ tư, ngày 06/02/2019 14:00 PM (GMT+7)
Nhà tôi nằm ở ngõ nhỏ bên bờ sông Hồng. Những ngày cuối năm, gió từ sông thổi lên cuốn lá bàng rơi đỏ ối mặt đường. Mấy bác hàng xóm pha ấm chè đặc, gọi tôi ra ngồi nhâm nhi, bàn chuyện đón Tết. Chủ đề được mọi người quan tâm là ăn gì, uống gì, tổ chức bữa cơm tất niên của xóm ra sao cho thật vui.
Bình luận 0

Ông Hùng, cán bộ nhiều năm công tác ở vùng cao nay đã về hưu, giọng hào hứng: Nói gì thì nói, liên hoan xóm trong dịp Tết phải mổ lợn mới vui. Chú nào lái xe cừ thì mai đi với anh một chuyến lên vùng cao Mường Khương “săn” con lợn thật ngon. Cái giống lợn đen Mường Khương (Lào Cai) nổi tiếng cả nước đấy, thịt vừa nạc vừa thơm ngon, không chê vào đâu được.

img

Lên vùng cao Mường Khương vào những ngày cận Tết, không khó để bắt gặp những cảnh như thế này...

Lên vùng cao “săn” lợn Tết

Ở thành phố Lào Cai nắng là vậy, nhưng khi chúng tôi vượt qua những con dốc dài lên đến La Pan Tẩn - một trong những xã có địa hình cao nhất Mường Khương - thì rét tê đầu gối, sương mù kín lối. Nhờ sự giới thiệu của anh Giàng Chúng Dế, Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn, chúng tôi tìm vào thôn Tỉn Thàng, nơi có giống lợn đen ngon nhất vùng này. Trên đường vào thôn, thi thoảng chúng tôi lại gặp một đàn lợn đen chạy nhanh như lợn rừng, thấy người lạ, thoắt cái đã rúc vào bụi rậm.

Chỉ tay vào đàn lợn trong hai ngăn chuồng xây, anh Tráng A Giả, người chuyên đi “săn” lợn đen để bán cho biết, lợn đen Mường Khương giờ đã thành đặc sản nên càng gần tết, lượng tiêu thụ càng cao, nhiều thương lái lên đây săn lùng ráo riết lắm. Theo kinh nghiệm của anh Giả, lợn đen bản địa Mường Khương thường có lông đen và thưa, có con điểm lông trắng ở trán, chót đuôi hay gần móng chân; lợn có mõm dài thẳng, trán nhăn, tai nhỏ, hơi cúp rũ xuống phía trước. Những con lợn nuôi lâu năm và thả rông thì lông dài, lợn to nhưng lép người, nặng hơn 1 tạ, trông hoang dã như lợn rừng.

Thật may cho chúng tôi khi đến vùng cao La Pan Tẩn đúng hôm trong thôn có một đám cưới của đồng bào Mông. Trong khi các cô gái Mông xúng xính váy xòe hoa rực rỡ đi dự đám cưới thì bên gốc đào già cổ thụ, mấy thanh niên lực lưỡng hò nhau bắt con lợn đen ngon nhất mà chủ nhà nuôi hơn một năm nay để dành làm cỗ cưới cho con. Nồi nước to sôi ùng ục, tiếng lợn vừa kêu eng éc, chẳng mấy chốc thịt lợn đã bày ra trên phản lá chuối xanh mướt. Đúng là lợn ngon, vì nhìn dưới lớp bì dày nửa đốt ngon tay là lớp mỡ trắng bóc và thớ thịt nạc đỏ sẫm. Túm tụm xem người lớn mổ lợn, mấy đứa trẻ con thích chí khi được cho cái đuôi lợn cầm chạy khắp xóm.

Nhộn nhịp chợ “Tù bua” ngày cuối năm

Sau chuyến lên La Pan Tẩn “săn” lợn Tết, chưa thỏa những thông tin về giống lợn đen đặc sản quý giá của mảnh đất miền cao núi nhọn này, tôi trở lại Mường Khương vào một ngày Chủ nhật. Lý do là vừa muốn trải nghiệm phiên chợ Tết vùng cao đông vui, vừa khám phá góc chợ lợn Mường Khương mà bà con người Mông vẫn gọi là chợ “Tù bua”.

img

Nhộn nhịp chợ "Tù bua" Mường Khương ngày cuối năm.

8 giờ sáng, sương trên đỉnh núi còn chưa tan, khu vực ngã tư trung tâm vào chợ phiên Mường Khương đã chật kín người và xe. Góc chợ lợn Mường Khương tuy không rộng, nhưng là nơi “hội tụ” của lợn khắp nơi mang về. Người Mông trên Tả Thàng, La Pan Tẩn, Cao Sơn mang lợn xuống; người Nùng từ Nấm Lư, thị trấn Mường Khương mang ra; người Thu Lao, Phù Lá từ trên Pha Long, Tả Gia Khâu mang về… Thậm chí có cả lợn đen ở một số xã vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai mang đến bán.

Lợn được bán ở đây chủ yếu là lợn đen, có một vài con lông vàng như lông bò, điểm thêm những khoang đen. Chị Vàng Thị Dơn, người Nùng từ thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư xuống tươi cười bảo: “Năm mới là năm con lợn, anh mua một con lợn Mường Khương về nuôi hoặc để mổ ăn Tết cho thêm may mắn. Nhà tôi có đàn lợn đen hơn chục con, giờ mang bán để lấy tiền mua cái ti vi mới, sắm sửa quần áo cho các con đi chơi Tết. Ở nhà tôi vẫn còn một con lợn gần 1 tạ để dành Tết mổ mời anh em, họ hàng đến liên hoan cho vui, phần còn lại thì treo lên gác bếp làm thịt sấy, mỡ lợn rán cho vào lọ ăn được cả nửa năm”.

Chợ “Tù bua” càng về trưa càng nhộn nhịp, không chỉ có loại lợn “cắp nách”, mà còn có những con nặng khoảng 40 - 50 kg, thậm chí gần 1 tạ cũng được mang xuống chợ bán. Giá lợn hơi loại “cắp nách” từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg, còn lợn to bình thường 60.000 - 70.000 đồng/kg, lúc nào cũng cao hơn hẳn giá lợn trắng. Tại khu vực bán thịt lợn, người đi chợ xúm đông quanh những hàng thịt lợn đen, giá thịt cao ngất mà mọi người vẫn tranh nhau mua, loáng cái đã hết veo.

Giữ nguồn gen quý lợn đen Mường Khương

Giống lợn đen bản địa Mường Khương có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nên những năm gần đây được huyện Mường Khương bảo tồn nguồn gen. Tại xã Lùng Khấu Nhin, chị Nùng Thiên Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Từ năm 2011 đến nay, đàn lợn đen đã trở thành “chìa khóa” giúp chị em trong xã giảm nghèo. Nhờ dự án do tổ chức Oxfam (Anh) tài trợ, xã đã thành lập 8 tổ “Phụ nữ cùng sở thích chăn nuôi lợn đen” với 192 hộ tham gia tại 5 thôn, bản; cấp 150 con lợn giống cho bà con.

img

Người dân Mường Khương chăm sóc, gìn giữ nguồn gen quý lợn đen.

Sau 3 năm hoàn thành dự án, xã tiếp tục nhân rộng thêm 4 tổ phụ nữ cùng sở thích chăn nuôi gồm 120 hộ tham gia. Đến nay, đàn lợn đã sinh sản được 800 con và được luân chuyển cho gần 60 hộ khác chăn nuôi. Nhờ đó, hàng chục phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhớ lại chuyến đi đến xã La Pan Tẩn, anh Giàng Chúng Dế, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Địa hình La Pan Tẩn nhiều đá tai mèo, vừa thiếu nước, vừa lạnh nên nuôi con gì, trồng cây gì cũng khó, chỉ có phát triển đàn lợn đen là phù hợp nhất. Năm nay, xã chọn lợn đen là sản phẩm đặc trưng và khuyến khích người dân xây chuồng kiên cố, mở rộng chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Ngoài lợn thịt, La Pan Tẩn có hơn 230 con lợn nái đen thuần chủng được giữ lại để nhân giống. Biết trên La Pan Tẩn sản xuất được giống lợn đen chuẩn nên không chỉ người dân Mường Khương mà ở các huyện vùng cao khác cũng lên đây tìm mua lợn giống. Vì thế, bà con không đủ lợn đen để cung cấp cho thị trường.

Trước yêu cầu về bảo tồn và phát triển giống lợn quý Mường Khương, ngay từ năm 2008, Viện Chăn nuôi quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện Mường Khương đã phối hợp tổ chức thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng phục tráng và phát triển giống lợn Mường Khương”.

Đề tài được thực hiện tại xã Nấm Lư và xã Bản Xen với 110 hộ tham gia nuôi 180 con lợn nái Mường Khương và một số lợn đực, giống ngoại, giống nội. Kết quả là phục tráng được giống lợn đen phù hợp với điều kiện chăn nuôi nghèo dinh dưỡng của đồng bào vùng cao, mắn đẻ, chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao hơn so với loại lợn lai. Năm 2015 và năm 2016, huyện Mường Khương cũng hỗ trợ lợn giống cho 350 hộ ở các xã khó khăn để xóa đói, giảm nghèo.

Trước thềm năm mới 2019, trò chuyện về triển vọng phát triển đàn lợn đen Mường Khương, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đàn lợn đen Mường Khương phát triển rất nhanh với số lượng gần 15.000 con, chiếm 53% tổng đàn lợn của toàn huyện, trong đó nhiều nhất là ở các xã: Bản Xen, Lùng Vai, Bản Lầu, La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngài Chồ…

Từ phương thức chăn nuôi cũ, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi lợn bản địa theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế của vật nuôi. Mỗi năm, Mường Khương cung cấp ra thị trường gần 2.000 tấn thịt lợn đen. Cùng với các đặc sản như gạo Séng cù, tương ớt, lạp xường, thịt lợn đen Mường Khương đã có mặt trên các bàn tiệc sang trọng ở thủ đô, đem lại hương vị đặc biệt nơi miền cao núi nhọn cho mâm cơm ngày Tết của thực khách bốn phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem