dd/mm/yyyy

Tân Uyên làm gì để xây dựng sản phẩm OCOP?

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của chương trình OCOP, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã và đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện với các giải pháp đồng bộ. Huyện Tân Uyên cũng đã hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021, với 7 sản phẩm được xếp hạng từ 3 – 4 sao.

Ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, cho biết: Huyện Tân Uyên vừa tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021. Đợt vừa rồi, toàn huyện có 3 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đăng ký tham gia, với 8 sản phẩm: Trà Shan tuyết Than Uyên (Công ty Cổ phần Trà Than Uyên); ổi Quang Lê, bưởi Quang Lê, nhãn Quang Lê, na Quang Lê (Hợp tác xã Phan Vinh); gạo nếp khẩu hốc, gạo nếp tan Co Giàng, gạo khẩu ký (Hợp tác xã Công nghệ và Môi trường). Đây là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế ở địa phương.

Tân Uyên làm gì để xây dựng sản phẩm OCOP? - Ảnh 1.

Cây chè là cây trồng chủ lực của huyện Tân Uyên. (Ảnh: Thanh Ngân)

Thực hiện chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), huyện Tân Uyên đã ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Hội đồng và tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP trên địa bàn huyện cũng sớm được thành lập và hoạt động có hiệu quả. "Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Tân Uyên còn tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Qua công tác tuyên truyền, nhiều tổ chức, cá nhân đã hiểu được lợi ích cũng như ý nghĩa của chương trình OCOP, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia" – ông Bình cho hay.

Tân Uyên làm gì để xây dựng sản phẩm OCOP? - Ảnh 2.

Huyện Tân Uyên vừa đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021, trong đó có sản phẩm ổi của anh Phan Thanh Quang, ở khu 6, thị trấn Tân Uyên. (Ảnh: Thanh Ngân)

Để thúc đẩy chương trình OCOP phát triển, huyện Tân Uyên cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch thực hiện đề án được huyện cụ thể tới từng năm, trong đó đề ra những giải pháp thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện xây dựng 10 sản phẩm OCOP bao gồm: Bưởi da xanh, ổi, măng tây, cà chua socola, dưa leo baby, tinh dầu quế, chè Hoàng Liên, gạo Khẩu Hốc, gạo nếp tan Co Giàng, gạo Khẩu Ký, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, xúc xích lợn, hạt mắc-ca sấy. Năm 2021, huyện Tân Uyên phấn đấu xây dựng 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt từ 3 – 4 sao.

Theo ông Bình, để đạt được mục tiêu đề ra về xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Tân Uyên đã chỉ đạo gắn thực hiện chương trình OCOP với chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Không dừng lại ở đó, các phòng, ban chuyên môn huyện còn phân công cán bộ hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán hàng trực tuyến.

Tân Uyên làm gì để xây dựng sản phẩm OCOP? - Ảnh 3.

Sản phẩm trà Shan Tuyết của Công ty CP Trà Than Uyên được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. (Ảnh: Thanh Ngân)

Anh Phan Thanh Quang, ở khu 6 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) là một trong những người mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP, với 4 sản phẩm: ổi, nhãn, bưởi da xanh, na. Anh Quang chia sẻ: "Trong 4 sản phẩm mà tôi đăng ký tham dự chương trình OCOP, có 3 sản phẩm: Ổi, nhãn, bưởi được huyện xếp hạng 3 sao.Tôi đang hoàn thiện hồ sơ gửi lên tỉnh để tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tôi trồng cây ăn quả từ nhiều năm nay. Chất lượng sản phẩm các loại cây ăn quả do gia đình tôi trồng, được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên sản phẩm của gia đình chưa được nhiều người biết đến. Sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký tham gia".

 

Thanh Ngân