dd/mm/yyyy

Tân Uyên đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp

Để giúp người nông dân yên tâm sản xuất và đảm bảo đầu ra ổn định, những năm qua, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Doãn Ngọ Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên cho biết: Hiện nay, huyện Tân Uyên đã hình thành các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Séng Cù, Khẩu Ký, Nếp Cò Giàng... với diện tích 690 ha tập trung ở xã: Mường Khoa, Pắc Ta, Thân Thuộc và Thị trấn Tân Uyên.

 Tân Uyên hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa.

Vùng chè nguyên liệu tại các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta, Hố Mít, và Thị trấn Tân Uyên với diện tích 2.855 ha. Vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, bơ) với diện tích 150 ha, tập trung tại các xã: Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên. Vùng trồng quế, sơn tra với diện tích 2.843 ha tại các xã: Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít, Mường Khoa.

Với việc hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện, theo ông Bình, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) trong thực hiện các chương trình, dự án, mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, để khai thác và phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của huyện như phát triển cây chè, quế, sơn tra, lúa...

 Nhờ liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân trồng chè ở Tân Uyên đã có cuộc sống ấm no.

Thông qua mối liên kết “4 nhà”, Nhà nước sẽ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật; tập huấn, chuyển giao cho nông dân quy trình kỹ thuật tiên tiến, phù hợp. Người nông dân sẽ góp đất, sức lao động và tuân thủ quy trình kỹ thuật, để cùng triển khai thực hiện.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ giữ vị trí then chốt trong việc liên kết “4 nhà” trong việc tìm kiếm thị trường mới có tiềm năng, chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ nông dân; ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng cho nông dân...

Hiện trên địa bàn huyện Tân Uyên, HTX Tân Tiến (Phúc Khoa – Tân Uyên, Công ty Cổ phần Than Uyên (thị trấn Tân Uyên) đã thực hiện ký hợp đồng, liên kết với người nông dân trồng chè trong việc bao tiêu, chế biến chè; người nông dân phải đảm bảo chăm sóc chè và thu hái theo quy trình kỹ thuật mà công ty và HTX quy định. Việc thực hiện hợp đồng giữa người dân với công ty, HTX được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên và có xác nhận, giám sát của chính quyền địa phương trong thực hiện hợp đồng.

 Ngoài sản phẩm chè, Tân Uyên cũng hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa.

Chia sẻ với phóng viên, lão nông Hoàng Văn Phúc (Trung Đồng – Tân Uyên) bảo: Hiện nay, gia đình tôi đang trồng khoảng 5 ha chè. Sau khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần trà Than Uyên, tôi được cán bộ của Công ty trực tiếp tập huấn quy trình sản xuất an toàn, thu hái, hỗ trợ giống, phân bón trong quá trình sản xuất.

“Có Công ty bao tiêu đầu ra, gia đình rất yên tâm sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô. Mỗi năm gia đình tôi bán khoảng 85 tấn chè búp tươi cho Công ty, sau khi trừ chi phí, tôi “bỏ túi” 300 triệu đồng” – ông Phúc phấn khởi.

 Tân Uyên chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất lúa hàng hóa.

Đến nay, huyện Tân Uyên đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Tân Uyên và gạo Khẩu Ký. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân.

Trong thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ; mở rộng diện tích sản xuất lương thực hàng hóa, đưa diện lúa đặc sản lên 690 ha. Thực hiện trồng mới chè, quế, mắc ca để nâng diện tích chè toàn huyện lên 3.000 ha, quế 3000 ha, mắc ca 500 ha, cây ăn quả 150 ha, gồm: Bơ, nhãn...

 

Tuệ Linh - Văn Chiến