dd/mm/yyyy

Sức cầu thịt lợn “nóng - lạnh” bất thường

Thị trường thịt lợn trong nước đang giảm sức cầu và có thể hứng chịu những thời điểm “nóng - lạnh” bất thường, nếu không có giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Sức cầu giảm nhẹ

Ngành chăn nuôi lợn vừa có một năm 2018 khá thuận, nhưng bước sang đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và có xu hướng lây lan rộng tại một số tỉnh, thành phố, đã phát đi những dấu hiệu đáng lo ngại về “sức khỏe” của ngành chăn nuôi. Trước những diễn biến này, ngay đầu tuần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Việc phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang đẩy ngành sản xuất thịt lợn vào thế rủi ro và ít nhiều tạo áp lực lên nguồn cung, giá cả.
Việc phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang đẩy ngành sản xuất thịt lợn vào thế rủi ro và ít nhiều tạo áp lực lên nguồn cung, giá cả.

Việc phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang đẩy ngành sản xuất thịt lợn vào thế rủi ro và ít nhiều tạo áp lực lên nguồn cung, giá cả. Trước đó, dịch lở mồm long móng ở một số tỉnh phía Bắc cũng đã khiến người nuôi lo ngại bán tháo.

Chăn nuôi quy mô nhỏ, nhưng gia đình ông Lê Văn Kế (Tiên Lữ, Hưng Yên) vừa phải tiêu hủy 30 con lợn nái bởi dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi. “Do diễn biến dịch bệnh, các hộ chăn nuôi như chúng tôi trên địa bàn phải cân nhắc kỹ việc tái đàn”, ông Kế nói.

Theo khảo sát, tại thời điểm này, trong khi sức tiêu thụ thịt tại hệ thống các siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch giá lợn chưa có biến động, thì tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn đã giảm khoảng 10 - 15%, sức mua cũng trồi sụt.

Bà Hoàng Thanh Tú, tiểu thương tại ngõ chợ 105 - phố Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, sau khi thông tin 7 tỉnh, thành phố phía Bắc xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tiêu thụ thịt nóng đã giảm khoảng 20% so với thời điểm chưa có dịch. “Tâm lý giảm tiêu dùng thịt lợn trong bữa ăn là có thật kể từ 2 tuần qua, thay vào đó là các thực phẩm như bò, gà, thủy hải sản…”, bà Tú nói.

Thịt lợn vốn chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt trong ngành chăn nuôi, là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người Việt. Bởi vậy, khi sức cầu giảm, nguồn cung thịt ra thị trường khó được hấp thụ hết sẽ càng gây khó cho các hộ chăn nuôi, giá giảm sút, kéo hiệu quả chăn nuôi đi xuống.

Không lo thiếu nguồn cung

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi lợn trong nước ở mức cao, nên không lo về nguồn cung.

Những doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất khép kín hiện đại như Masan có thể mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt sạch, an toàn, giá cả tương xứng với chất lượng. Điều này càng có ý nghĩa khi xảy ra dịch bệnh với ngành chăn nuôi.

Theo khảo sát, hiện nay, nguồn cung thịt lợn trên thị trường vẫn được đảm bảo. Giá bán thịt lợn tại hệ thống các siêu thị lớn như VinMart, BigC, chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Clever Food… vẫn được duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng do có chuỗi chăn nuôi quy mô, hiện đại.

Đơn cử, hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ của Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác với các đối tác lớn như Vissan, 3G, CP… để kiểm soát từ khâu chăn nuôi tới giết mổ, đảm bảo nguồn cung. Tất cả sản phẩm thịt tươi sống của VinMart cung cấp ra thị trường được đảm bảo là thực phẩm sạch, đa dạng, đạt tiêu chuẩn từ khâu chăn nuôi đến thành phẩm.

Một nguồn cung rất đáng kể nữa không thể không nhắc tới là thịt nhập khẩu. Năm 2018, ước tính, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt khoảng 47 triệu USD với gần 40.000 tấn các loại, nhập khẩu từ Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ…

Từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào hiệu lực, càng mở đường để thịt ngoại từ Australia, Canada, New Zealand vào Việt Nam. Thị trường mở cửa, thuế nhập khẩu giảm, thịt ngoại về Việt Nam ngày càng dễ dàng, giá cả cạnh tranh so với sản phẩm chăn nuôi trong nước, đã góp phần đảm bảo nguồn cung thịt tại thị trường nội địa.

Ngành chăn nuôi lợn có xu hướng dịch chuyển sang tập trung công nghiệp
Ước tính, năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi của cả nước đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam…, ngành chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp. Đơn cử, cuối năm 2018, tại Hà Nam, Masan đã đầu tư nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi lợn kỹ thuật cao và tổ hợp chế biến thịt đạt tiêu chuẩn châu Âu.

 

Thế Hải