Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bài học "7 dám" với cán bộ, đảng viên

Lương Kết (ghi) Thứ bảy, ngày 05/06/2021 06:58 AM (GMT+7)
“Có thể khẳng định rằng cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cách đây tròn 110 năm chứa đựng lòng yêu nước, hoài bão cứu nước, cứu dân, bản lĩnh, tinh thần độc lập tự chủ và cả sự mẫn cảm nhất định về chính trị”, PGS –TS Bùi Đình Phong nói với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Đến tận "sào huyệt" của thực dân xâm lược

PGS-TS Bùi Đình Phong (giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Năm nay chúng ta kỷ niệm 110 năm ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 -5/6/2021), có thể nói đây là sự kiện liên quan đến toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng và phát triển của đất nước ta.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bài học "7 dám" với cán bộ, đảng viên - Ảnh 1.

Trên con tàu L’Admiral Latouche Tresvill , người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 (ảnh tư liệu).

Sự kiện ngày 5/6/1911, khi Người ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó có nhiều phong trào cứu nước theo các khuynh hướng khác nhau. Nổi bật là khuynh hướng phong kiến cuối thế kỷ XIX, tiêu biểu là phong trào Cần Vương, đầu thế kỷ XX là khuynh hướng tư sản, với những nhân vật nổi bật là cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng các khuynh hướng này đều thất bại.

Một câu hỏi lớn cho dân tộc chúng ta là phải giành độc lập dân tộc chưa có câu trả lời.

Ở buổi thiếu niên độ 15 tuổi, rất yêu nước, có hoài bão cứu nước, cứu dân, đồng thời có sự nhạy cảm, mẫn cảm về chính trị, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục lòng yêu nước, chí căm thù giặc và khát vọng độc lập của những tiền bối đi trước, nhưng đã sớm phát hiện ra những nguyên thất bại của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám.

Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước với tính chủ động, bản lĩnh, sáng tạo. Mặc dù khâm phục các bậc sĩ phu nhưng Người không đi theo con đường của các cụ, không "Đông du", mặc dù Phan Bội Châu trong một lần trao đổi với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Nguyễn Tất Thành) có nói muốn đưa một số thanh niên ưu tú, trong đó có Nguyễn Tất Thành sang Nhật Bản (Đông du). Tuy nhiên Nguyễn Tất Thành đã quyết định "Tây du". Có lần, vào năm 1923, trong cuộc trò chuyện với Ôxíp Manđenxtam - nhà báo Nga - Nguyễn Tất Thành nói rằng "lúc trạc 13 tuổi, lần đầu tiên nghe đến ba chữ Pháp: Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn đằng sau các từ đó". Người còn nói, tôi phải sang tận nơi xem cho rõ. Sau khi xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào ta.

Sang nước Pháp là đến nước đang có bọn thực dân xâm lược nước ta. Người quyết định sang tận ngọn nguồn của sự xâm lược để tìm hiểu các nền "văn minh", tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các chữ Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Bởi vì, trên thực tế nước ta lúc đó không hề có tự do, bình đẳng, bác ái, chỉ thấy áp bức, bóc lột, bất công. Nguyễn Tất Thanh đã hoài nghi những chữ đó.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bài học "7 dám" với cán bộ, đảng viên - Ảnh 2.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920 (ảnh tư liệu).

Hướng đi là "Tây du", còn phương tiện đi là tàu thủy. Đây là cách lựa chọn thông minh, bởi bằng tàu biển sẽ có điều kiện đến được nhiều nước, cả những nước tư bản và các nước thuộc địa. Người chọn cách làm để mưu sinh cũng rất thông minh đó là lao động chân tay, để hòa nhập vào đời sống của những người lao động, công nhân, những người cần lao trên thế giới. Chuyến đi của Người từ năm 1911 trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin (1920), đã qua được nhiều nước, biết được cuộc sống ở những nước tư bản cũng có người giàu có, sống phè phỡn nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người nghèo khổ. Điều này đã được thể hiện trên nhiều bài viết của Người tại thời kỳ đó. Người có một kết luận rất quan trọng, trên đời này chỉ có 2 hạng người, hạng người áp bức và hạng người bị áp bức. Những người bị áp bức dù màu da, tiếng nói, dân tộc, chủng tộc, văn hóa có khác nhau nhưng vẫn có thể coi nhau như anh em một nhà, đoàn kết với nhau để chống áp bức.

Những bài học quý nguyên giá trị

Năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã tham gia Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ ở Pháp lúc bấy giờ. Khi tham gia Người chưa hiểu biết nhiều về chính trị nhưng điều quan trọng nhất là khát vọng độc lập cho dân tộc mình đồng thời cũng muốn các dân tộc khác giành độc lập. Trong các cuộc sinh hoạt của Đảng Xã hội Pháp thường xảy ra các cuộc tranh luận là Đảng tham gia Quốc tế III (tức là Quốc tế Cộng sản của Lê Nin) hay ở lại Quốc tế II hay thành lập một Quốc tế hai rưỡi?

Nguyễn Tất Thành lúc đó chưa hiểu nhiều về chính trị nhưng điều mà Người nung nấu nhất là ai giúp dân tộc tôi, ai giúp các dân tộc thuộc địa giải phóng, Người đã nêu câu hỏi đó ra và người trả lời đó là Quốc tế III. Tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, Người đã đứng về phía đa số bỏ phiếu tán thành ra nhập Quốc tế III.

Lúc này người thư ký của Đại hội tưởng Nguyễn Tất Thành bỏ phiếu như vậy đã hiểu mọi thứ về chính trị. Nhưng Người nói một cách đơn giản: Tôi chưa hiểu gì hết. Tôi chỉ biết Quốc tế Cộng sản bênh vực các dân tộc thuộc địa giải phóng. Sau này Người nói lại cảm tưởng khi đọc bài báo của Lê Nin về Vấn đề dân tộc và thuộc địa rằng "tôi vui mừng cảm động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng nhưng như nói trước quần chúng đông đảo, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta".

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bài học "7 dám" với cán bộ, đảng viên - Ảnh 3.

Nguyễn Ái Quốc (ngồi) và các bạn Pháp năm 1921 (ảnh tư liệu).

Như vậy chặng đường 10 năm (1911-1920), Nguyễn Tất Thành đã tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Bắt đầu từ đó trở đi, Người hướng theo con đường cách mạng vô sản, ủng hộ Lê Nin, ủng hộ Quốc tế III.

Từ năm 1921 trở đi, trong rất nhiều hoạt động thì hoạt động có ý nghĩa nhất là đưa chủ nghĩa Mác –Lê Nin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến cuối năm 1929 đầu năm 1930, ở Việt Nam hình thành các tổ chức cộng sản như Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Thái Lan về Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc và hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là thống nhất các tổ chức đảng thành một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bắt đầu từ đó trở đi, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Đến nay đất nước chúng ta đã qua 35 năm đổi mới, như Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tất cả những thành tựu từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại đều bắt đầu từ sự kiện ngày 5/6/1911, cách đây tròn 110 năm.

Giá trị và ý nghĩa của sự kiện này không chỉ đối với dân tộc, với thời đại mà điều rất quan trọng những bài học kinh nghiệm rất lớn cho chúng ta, đặc biệt với cán bộ, đảng viên.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bài học "7 dám" với cán bộ, đảng viên - Ảnh 5.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Thứ nhất trong hoạt động cách mạng, hành động cách mạng, chúng ta phải luôn luôn có tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo. Chúng ta học kinh nghiệm các nước nhưng đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, bởi vì thực tiễn chúng ta là nước thuộc địa nên khác và ngày nay đổi mới của chúng ta cũng khác không giống như các nước. Chúng ta phải bằng trí tuệ sáng tạo của mình để tìm ra quy luật của đổi mới Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam.

Thứ hai, Bác là lãnh tụ kiên trì, kiên định và trung thành với chủ nghĩa Mác –Lê Nin. Vì vậy, trong đổi mới hiện nay chúng ta phải kiên định 4 vấn đề lớn như Đại hội XIII đã nhấn mạnh. Kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác –Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự nghiệp đổi mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Bài học thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên ngoài thực hiện "4 kiên định", cần thực hiện "7 dám". Đó là "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân". Có thể nói bài học lớn từ sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa với cán bộ, đảng viên của chúng ta ngày nay như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem