Sơn La: Từ phận làm thuê ông nông dân đổi đời thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả đặc sản

Tuệ Linh Thứ ba, ngày 10/08/2021 13:05 PM (GMT+7)
Đổi đời từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - đó ông nông dân Trần Như Kiên, hội viên chi hội nông dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). Ông là 1 trong 63 nông dân của cả nước được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".
Bình luận 0

Clip: Mô hình sản xuất nông nghiệp gồm chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả đặc sản của nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của ông Trần Như Kiên ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. 

Từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn

Ông Trần Như Kiên sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 16 tuổi, ông Kiên bỏ lại sau lưng bố mẹ, anh chị em, chân ướt chân ráo lên vùng đất chảo lửa Yên Châu, Sơn La lập nghiệp.

Tại đây, ông Kiên cùng bạn bè rong ruổi khắp các bản, làng trên địa bàn huyện Yên Châu nhận thuê làm mộc, dựng nhà cho người dân. 

Năm 1999, trong một lần đi dựng nhà thuê cho đồng bào ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, chàng thanh niên Kiên 22 tuổi khi ấy bị "say nắng" bởi vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của cô gái người Xinh Mun Vì Thị Hồng. Không lâu sau, hai anh chị kết duyên thành vợ chồng.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 2.

Ông Trần Như Kiên (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La)) đang phun nước để vệ sinh chuồng trại cho đàn lợn. Ảnh: Tuệ Linh.

Sau khi lập gia đình, ông Kiên trăn trở nếu cứ phận đi làm thuê mãi thế này thì không ổn. Dùng số vốn tích góp được sau mấy năm làm thuê, ông Kiên mua được một ít đất của người dân để hai vợ chồng trồng ngô, khoai, sắn.

Trong vài năm canh tác, ông Kiên nhận thấy làm ngô, khoai, sắn vừa vất vả mà hiệu quả kinh tế đem lại chẳng được bao nhiêu. Đến năm 2006, nghe người ta nói muốn giàu thì nuôi lợn nái, ông Kiên về quê Hà Nam mua 2 con lợn nái cao sản lên nuôi.

"Sau vài tháng nuôi, 2 con lợn nái đẻ hơn 20 con lợn con. Nhưng do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn cứ chết dần, chết mòn. Không nản chí, tôi tiếp tục tìm mua lợn của người dân địa phương về nuôi, nhưng cũng chỉ được một thời gian, đàn lợn lại lăn ra chết. Tôi trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất", ông Kiên kể lại.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 3.

Khu nuôi lợn của ông Kiên rộng khoảng 5.000m2. Hiện, tổng đàn có hơn 1.000 con, trong đó có hơn 100 con lợn nái. Ảnh: Tuệ Linh.

Qua tìm hiểu, ông Kiên nhận ra nguyên nhân thất bại trong nuôi lợn là do chưa học đã hành. Nghĩa là chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi lợn mà vẫn lao đầu vào nuôi lợn. Để có kiến thức và kinh nghiệm, ông Kiên quay về Hà Nam học hỏi kỹ thuật làm chuồng trại, phòng bệnh, cách thức cho ăn cho đàn lợn tại một số trang trại lớn.

"Tôi đi học mất đúng một tháng. Trong thời gian học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi lợn, tôi quên hết cả bố mẹ, người thân. Mang tiếng trở về quê nhưng trong suốt thời gian đó tôi ăn, ngủ, nghỉ, chơi với anh em ở các trại lợn. Bố mẹ, vợ con bực bội và bảo đi đâu suốt cả tháng trời mà không liên lạc. Nhưng họ có hiểu được mình đang nghĩ gì đâu", ông Kiên thổ lộ.

Ông Kiên cho biết: Năm 2008, sau khi trau dồi được kiến thức, kinh nghiệm, tôi tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Yên Châu vay 300 triệu đồng. Thời điểm đó, vay 300 triệu là cả một vấn đề. Tôi như ngồi trên đống lửa vì sợ lại thất bại một lần nữa. Tuy nhiên, với kiến thức có được đã củng cố thêm niềm tin cho tôi.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 4.

Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đàn lợn của ông Kiên luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Kiên đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mua 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt về nuôi. Nhờ được chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, đàn lợn của vợ chồng ông Kiên luôn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tin vui là khi 10 con lợn nái đẻ lứa đầu tiên cũng là lúc ông Kiên xuất bán lứa lợn thịt ra thị trường. Năm 2009, sau khi trừ chi phí, ông Kiên lãi gần 700 triệu đồng.

Tiếp đà thắng lợi, ông Kiên dùng số tiền lãi tái đầu tư để tăng đàn lợn nái lên 40 con và lợn thịt lên 500 con. Năm 2010, ông Kiên lãi 1,5 tỷ đồng. Năm 2013, ông Kiên có 150 con lợn nái và trên 1000 con lợn thịt.

Thông tin quyết định sự thành trong sản xuất, kinh doanh

Tiếp tục câu chuyện nuôi lợn với chúng tôi, ông Kiên chia sẻ: Sáng ngày 17/1/2019 (âm lịch), ông xem trên ti vi và đọc tin tức thấy nói về việc nhà chức trách Đài Loan phát hiện chiếc bánh mì của một hành khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh dương tính với dịch tả lợn châu Phi. 

"Linh cảm mách bảo tôi không được rồi và nhiều ngày sau Việt Nam đã công bố dịch. Sau đó, giá lợn hơi chắc chắn sẽ giảm...", ông Kiên nhớ lại.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 5.

Ông Kiên tạo việc làm cố định cho 7 nhân công là người địa phương với mức lương ổn định 4,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tuệ Linh.

Từ thông tin nắm được, ông Kiên đã xuất bán toàn bộ đàn lợn có trọng lượng 70kg trở lên, khoảng 60 tấn ra thị trường. 

Với giá bán lợn hơi 52.000 – 53.000 đồng/kg, ông Kiên thu trên 3 tỷ đồng. Đối với đàn lợn bé, ông Kiên giữ lại nuôi, khi nào đạt 70kg trở lên lại tiếp tục xuất bán đợt sau để giảm đàn.

"Lý do tôi thắng lớn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi là vì sớm nắm bắt được thông tin thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm nông nghiệp, tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Bởi, thông tin báo chí cung cấp quyết định đến sự thành bại trong nuôi lợn. Nếu ngày hôm đó không có thông tin trên ti vi thì giờ đây tôi đã lỗ nặng rồi", ông Kiên bảo vậy.

Theo ông Kiên, sau cơn mưa trời lại nắng. Khi giá lợn giảm kỷ lục, các hộ dân không còn điều kiện nuôi và chuẩn bị bỏ đàn nữa thì ông Kiên lại đi thu mua lại của bà con. Từ con to đến bé, con gầy trơ xương, ông Kiên đều mua hết. Nhiều người bảo ông gàn dở mới làm vậy.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 6.

Nhờ nuôi lợn và trồng cây ăn quả, ông Kiên xây dựng được ngôi nhà tiền tỷ. Ảnh: Tuệ Linh.

"Thời điểm đó, tôi mua với giá 18.000 – 19.000 đồng/kg. Một con lợn nái to giá gần 1 triệu đồng. Tôi mua 90 con lợn nái chỉ mất gần 100 triệu. Đến lúc mua kín hết chuồng, tôi lại đi thuê chuồng của bà con để thả lợn. Sau dịch tả lợn châu Phi, cuối năm 2019 đến hết năm 2020, giá lợn tăng lên nên tôi lãi được gần 20 tỷ.  Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá lợn bắt đầu có hiện tượng giảm giá nên tôi tôi bán bớt đi và không tăng đàn nữa", ông Kiên nói.

Muốn người dân Việt Nam được dùng hàng xuất khẩu

Để nâng cao thu nhập cho gia đình, ngoài nuôi lợn, ông Kiên còn trồng 7ha nhãn chín muộn Miền Thiết và hơn 1ha xoài tượng da xanh theo hướng hữu cơ. Theo ông Kiên, mặc dù nói nhiều đến việc sản xuất hữu cơ nhưng rất nhiều hộ nông dân và kể cả người đi bán phân bón vẫn không trả lời được hữu cơ là gì?

Ông Kiên cho biết thêm: Hữu cơ hiểu đơn giản đó là dùng hạt ngô, hạt đỗ tương, lõi ngô nghiền và sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón cho cây trồng. Lưu ý, phân chuồng phải ủ thấp nhất là 60 ngày trở ra mới sử dụng được.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 7.

Theo ông Kiên, nhãn Miền Thiết trồng ở Pha Cúng chín muộn hơn từ 20 đến 30 ngày so với nhãn trồng tại huyện Sông Mã. Vì vậy, giá năm nào cũng cao gấp đôi nhãn Sông Mã. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo chân ông Kiên thăm vườn nhãn chín muộn Miền Thiết chúng tôi nhận thấy những gốc nhãn phủ đầy lá cây, không sạch như nhiều nhà vườn khác.

Lý giải điều này, ông Kiên bảo: Lá khô giữ độ ẩm rất tốt cho cây. Mặt khác, năm tháng qua đi, lá phân huỷ tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây. Những năm đầu do không biết lợi ích lá cây khô, tôi cho nhân công dọn sạch lá dưới gốc cây và mang đi đốt. Nhìn vườn sạch ai chẳng thích.

Thời gian rảnh rỗi, ông Kiên cùng mấy anh em chơi thân thường tụ tập để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Thỉnh thoảng, họ rủ nhau vào rừng và tự đặt ra câu hỏi tại sao cây rừng có độ ẩm cao thế. Lá cây rụng cả năm không có người dọn, đốt, chẳng ai cho phân mà cây vẫn phát triển tốt.

Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, tìm tòi mới vỡ lẽ ra cây rừng phát triển tốt là vì  có độ ẩm bởi lá khô. Qua thời gian, lá cây khô phân huỷ thành phân hữu cơ lại cho cây. "Nhà báo nhìn xem, vườn nhãn nhà tôi gốc nào cũng đầy lá. Nhưng những vườn cây ăn quả ở nơi khác thì hoàn toàn sạch lá".

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 8.

Vụ nhãn năm nay, ông Kiên dự kiến thu khoảng 40 tấn quả. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Kiên chia sẻ thêm: Nếu không biết tận dụng những thứ có sẵn thì chi phí đội lên rất lớn. Ví dụ, ra ngoài mua 1kg phân hết 10.000, nhưng mình sản xuất ra chỉ hết 3.000. Trong khi đó nguồn nguyên liệu ở địa phương như lõi ngô, mùn ngô bà con đổ đầy ra đường không biết sử dụng, rất lãng phí. Phân gia súc đầy, công việc của mình chỉ cần mua một ít men vi sinh về ủ là có phân hữu cơ sử dụng.

Cũng theo ông Kiên, ăn cơm phải có rau, thịt. Nếu chỉ ăn rau không thì người sẽ yếu và không đảm bảo sức khoẻ. Thế nên trong cây trồng cũng vậy, phải biết thời điểm nào dùng phân hữu cơ, thời điểm nào vẫn dùng phân hoá học.

Ông Kiên tiết lộ: Sau khi thu xong quả, nhân công sẽ bón phân đạm, lân, kali để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển và hồi sức. 

Khi cây chuẩn bị ra trái, tiến hành bón phân hữu cơ lần vào những thời điểm sau: Tháng 11, 12; tháng 2 và tháng 4, 5 dương lịch. Cách bón, cuốc đất quanh gốc cây rồi cho phân xuống và lấp đất lên, bởi phân hữu cơ cực kỳ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

"Hoá kiếp" từ phận làm thuê thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, trồng cây ăn quả - Ảnh 9.

Nhờ chăm sóc theo hướng hữu cơ, nhãn của ông Kiên cho quả sai trĩu cành. Ảnh: Tuệ Linh.

"Mấy anh em trồng nhãn, trồng xoài chúng tôi luôn bảo ban nhau phải áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ để người dân Sơn La nói riêng và người dân Việt Nam nói chung được sử dụng trái cây tương đương với hàng xuất khẩu", ông Kiên tâm niệm.

Năm 2020, số tiền lãi từ chăn nuôi lợn và vườn cây ăn quả của ông Kiên đạt trên 12 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ông Kiên thu được 2,5 tỷ đồng từ bán lợn và hơn 100 triệu đồng từ bán xoài. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Kiên còn giúp đỡ các hộ khó khăn là hội viên Hội Nông dân trong bản, xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, ông Kiên còn tạo việc làm cố định cho 7 lao động địa phương với mức lương từ 4,5 triệu/tháng.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của mình trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Kiên được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ hội viên nông dân xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem