Sơn La: Trồng thứ cây cả năm chả phải chăm bón, rét tràn về cuốc 1 nhát bật lên toàn củ to, thu 60 triệu/ha

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ năm, ngày 09/12/2021 13:03 PM (GMT+7)
Những ngày này, nông dân các bản ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang tất bật thu hoạch, đào củ dong riềng bán cho thương lái. Vụ dong năm nay, được mùa, được giá nên bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Bình luận 0

Clip: Nông dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch củ dong riềng.

Không khí đào củ dong riềng ở các sườn đồi của xã Co Mạ có ngày khá đông vui, tấp nập, rộn rã tiếng nói cười.

Từng là củ cho lợn ăn

Vừa dùng đôi bàn tay nứt nẻ phủi đất khỏi những củ dong tươi để cho vào bao tải, bán cho thương lái, anh Và A Vừ, bản Co Mạ, vừa trao đổi với các phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo điện Dân Việt: Trước đây, gia đình tôi trồng cây dong riềng chỉ để cho lợn ăn. 

Năm 2017, bắt đầu có thương lái đến bản thu mua củ dong riềng nhưng giá rất thấp, chỉ dao động từ 400- 600 đồng/kg. Nhưng mấy năm gần đây, củ dong riềng được giá nên vụ năm nay gia đình tôi mở rộng diện tích lên 4.000 m2.

"Hiện, gia đình tôi đã thu được hơn 5 tấn củ dong tươi. Với giá 2.700 đồng/kg, gia đình tôi thu gần 11 triệu đồng. Dự kiến hết vụ năm gia đình sẽ thu được hơn 5 tấn nữa. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ trồng thêm khoảng 5.000 m2 nữa", anh Vừ phấn khởi.

Sơn La: Dong riềng được giá, nông dân vùng cao phấn khởi - Ảnh 2.

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch dong riềng. Ảnh: Mùa Xuân.

Bản Láo Hả, xã Co Mạ có 58 hộ dân, với hơn 300 nhân khẩu. Thấy ở một số bản khác trồng dong riềng được giá, năm 2019, bà con trong bản xuống huyện Sông Mã mua giống dong riềng lai về trồng. Đến nay cả bản có hơn 10 ha, chủ yếu là dong riềng lai, năng suất đạt trên 20 tấn/ha.

Ông Vừ Xuân Trịa, Bí thư Chi bộ bản Láo Hả, nói: Năm nay là vụ thứ 2 người dân Láo Hả trồng cây dong riềng. Năng suất cây này cao hơn so với trồng ngô, lúa. Nếu được giá như bây giờ, bà con ai cũng phấn khởi và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.

Theo người dân trồng dong riềng trên địa bàn xã Co Mạ, cây dong riềng bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 12 thì bắt đầu cho thu hoạch đến trước Tết Nguyên đán.

Sơn La: Dong riềng được giá, nông dân vùng cao phấn khởi - Ảnh 3.

Theo chị Thào Thị Ly, người dân bản Co Mạ, trồng dong riềng không vất vả như trồng ngô mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Củ dong riềng thường nằm cách mặt đất khoảng 10 -15 cm nên người nông dân chỉ cần dùng cuốc hất nhẹ là có thể đưa lên. Sau đó, dùng dao, liềm cắt bỏ phần rễ, phủi hết lớp đất bám ở củ rồi cho vào bao tải đóng để bán cho thương lái.

Đặc thù là một trong những xã vùng núi cao, khí hậu mát lạnh quanh năm, đất ẩm, vì vậy, cây dong riềng trồng ở xã Co Mạ cho năng suất cao.

Trồng dong riềng không tốn công chăm, không tốn phân bón

Trung bình sau hơn 9 tháng xuống giống, 1 ha trồng dong riềng sẽ cho thu hơn 20 tấn củ tươi. Với giá bán như hiện tại nông dân sẽ thu về gần 60 triệu đồng/ha. Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc; không tốn chi phí mua phân bón, giống có sẵn của các năm trước để lại.

Sơn La: Dong riềng được giá, nông dân vùng cao phấn khởi - Ảnh 4.

Củ dong giềng được người dân phủi đất, cắt bỏ rễ trước khi cho vào bao tải bán thương lái. Ảnh: Tuệ Linh.

Là thương lái chuyên thu mua củ dong riềng về bán cho các cơ sở chế biến miến dong ở tỉnh Điện Biên được 2 năm nay, anh Và Phỏng Vừ chia sẻ: Củ dong riềng có 2 loại, một loại giống bản địa truyền thống, một loại là giống lai. Hiện, tôi đang thu giá củ dong riềng lai với giá 1.900 đồng/kg. So với giống lai thì giống dong riềng bản địa có giá cao hơn gấp 1,4 lần.

Cũng theo anh Vừ, giá củ dong riềng bản địa cao hơn là do lượng tinh bột của loại cây này nhiều hơn, chất lượng cũng tốt hơn. Đây là một tín hiệu vui cho bà con để tiếp tục duy trì bảo tồn, nhân rộng loại giống này.

Sau khi thấy nhiều hộ dân trên địa bàn xã Co Mạ trồng dong riềng được các thương lái đến thu mua với giá cao hơn so với cây lúa, ngô, nên bà con đã bắt đầu chuyển đổi dần sang trồng cây dong riềng.

Sơn La: Dong riềng được giá, nông dân vùng cao phấn khởi - Ảnh 5.

Người dân trên địa bàn xã Co Mạ đang mở rộng diện tích trồng rong diềng. Ảnh: Tuệ Linh.

Đến nay, toàn xã Co Mạ có hơn 30 ha trồng cây dong riềng. Dong riềng trồng tập trung ở các bản Co Mạ, Láo Hả, Pha Khuông, Co Nghề A, B… 

Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dong riềng giảm nhẹ so với năm trước nhưng các hộ trồng dong riềng đều khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các diện tích hiện có và mở rộng thêm diện tích để nâng cao thu nhập.

Thông tin với về việc phát triển trồng cây dong riềng trên địa bàn xã, ông Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho hay: Mấy năm gần đây, cây dong riềng mới bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn xã. 

Nhiều người dân đã chuyển sang trồng cây dong riềng thay thế những cây ngô, lúa. Tuy nhiên, việc trồng dong riềng hiện nay vẫn là tự phát, bởi vậy, xã đang tích cực tuyên truyền người dân cần thận trọng trước khi đưa cây dong riềng vào trồng đại trà.

Đánh giá về cây dong riềng, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết thêm: Cây dong riềng dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, không phải bón phân, lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Theo ông Sềnh, để phát triển cây dong riềng theo hướng bền vững, người dân rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc kết nối giúp ổn định đầu ra cho củ dong riềng. Nếu làm được điều này, chắc chắn cây dong riềng sẽ trở thành cây có tiềm năng, thế mạnh, giúp người dân xã Co Mạ từng bước xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem