dd/mm/yyyy

Sơn La: Trồng nhãn ở huyện biên giới, nông dân có cuộc sống sung túc

Những năm qua, cây nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông hộ ở huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) thoát nghèo. Nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, sắm ô tô từ việc trồng nhãn.

Cuộc sống đổi thay từ trồng nhãn

Vùng đất hai bên bờ dòng Sông Mã, huyện Sông Mã (Sơn La) đoạn từ xã Chiềng Khương đến xã Chiềng Sơ trước đây còn hoang sơ, được bà con trồng ngô, sắn là chủ yếu. Nhiều năm trở lại đây, người dân chuyển đổi sang trồng nhãn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông hộ có cuộc sống khấm khá và dư giả từ việc trồng nhãn.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 1.

Anh Bùi Sơn Hậu, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương phấn khởi khi thấy 3 ha nhãn Miền Thiết của gia đình cho quả xum xuê, sắp sửa bước vào mùa thu hoạch.

Gặp anh Bùi Sơn Hậu, bản Tân Lập (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), qua trò chuyện được biết, hiện gia đình anh có 3ha nhãn Miền Thiết. Đa số đều ghép trên cây nhãn địa phương, sau khi ghép khoảng 2 năm, cây cho quả bói. "Tôi ghép nhãn Miền Thiết lên cây nhãn địa phương từ năm 2010, tôi lấy mắt ghép từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong quá trình chăm sóc được sự quan tâm, hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vườn nhãn của gia đình tôi đã xanh tươi tốt và cho quả to đều mỗi năm. Từ lúc ghép nhãn Miền Thiết đến nay, thu nhập của gia đình tôi ngày càng tăng cao", anh Bùi Sơn Hậu chia sẻ.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 2.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển nhãn đi tiêu thụ, anh Hậu đổ bê tông làm đường lên vườn.

Theo lời kể của anh Bùi Sơn Hậu, gia đình anh trồng nhãn theo quy trình VietGAP, tất cả khâu chăm sóc, bón phân đều có nhật ký ghi chép lại đầy đủ. Nhờ chăm sóc tốt, vườn nhãn cho quả to đều và mọng nước, mỗi năm anh Hậu thu hoạch được hơn 45 tấn nhãn tươi, giá cả bán ra tuỳ theo thị trường. Những năm trước, anh bán với giá hơn 20.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, giá nhãn xuống thấp, tuy nhiên so với các loại cây trồng khác, cây nhãn vẫn mang lại cho gia đình anh thu nhập cao hơn. Riêng năm 2020, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hậu đã thu được 600 triệu đồng. Ngoài ra, anh Hậu còn tạo việc làm đều đặn cho 2 công nhân, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 3.

Hiện nay, nhiều người dân đã ghép nhãn Miền Thiết lên cây nhãn địa phương, mang lại năng suất và thu nhập cao.

Cây nhãn đã gắn bó với người dân Sông Mã hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, đến năm 2009, người trồng nhãn nơi đây đã có bước ngoặt mới với việc triển khai nhân rộng mô hình nhãn ghép. Thời gian trước, việc sản xuất của các hộ nông dân huyện Sông Mã phần lớn là tự phát, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn không thuận lợi.

Để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tuyên truyền, vận động bà con trồng cây nhãn trên đất dốc. Xác định cây nhãn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 5.

Đến huyện biên giới Sông Mã không khó để nhìn thấy những vườn nhãn phủ xanh các triền đồi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Để giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện đã tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về các chương trình nông nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện và hỗ trợ cho bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Có thể thấy, mấy năm trở lại đây nhiều hộ gia đình có thu nhập cao hơn, cuộc sống dư giả hơn từ trồng nhãn, đây là 1 niềm vui lớn đối với huyện.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 6.

Nhãn Sông Mã từ lâu đã nổi tiếng với vị thơm ngon, cùi dày và được nhiều thị trường đón nhận.

Cây nhãn giúp người dân huyện biên giới xoá nghèo

Ông Trần Văn Chiến, bản Tiên Sơn (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Trước đây tôi chỉ trồng cây ngô, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Qua tìm hiểu cách làm ăn ở các nơi, tôi nhận thấy phát triển kinh tế vườn với cây nhãn Miền Thiết cho thu nhập khá cao, thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. Tôi đã chuyển toàn bộ diện tích hơn 3ha đất của gia đình sang trồng nhãn, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo, có việc làm ổn định, thu nhập khá. Mỗi năm vườn nhãn cho thu hơn 40 tấn quả tươi, tuy là thu nhập cao hơn nhưng phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 7.

Đến mùa thu hoạch nhãn, nhiều thương lái tìm đến tận vườn người dân thu mua.

Thấy mô hình trồng nhãn Miền Thiết cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con dân tộc ở các bản, các xã trên địa bàn huyện biên giới Sông Mã đã chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng nhãn. Đến nay, nhiều diện tích nương rẫy bỏ hoang đã được phủ xanh bởi các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: nhãn, xoài...

Ông Lò Văn Dinh, bản Là (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) kể: Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, tôi không nghĩ sau này có cơ ngơi khấm khá như hôm nay. Có được thành quả như hiện tại, tất cả là nhờ vào trồng nhãn. Bên cạnh đó, cũng nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho chúng tôi. Tuy thời gian gần đây, giá nhãn không bán được cao như những năm trước, nhưng so với các loại cây trồng khác, cây nhãn vẫn mang lại thu nhập khá hơn.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 8.

Theo chia sẻ của các nhà vườn trồng nhãn ở huyện Sông Mã, tuy giá nhãn thấp so với các năm trước nhưng vẫn mang lại thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã cho biết: Để tạo môi trường và thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi cho bà con, những năm qua chúng tôi luôn tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội chợ, ngày hội nông sản do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nhiều hộ dân trồng cây ăn quả trong huyện có thu nhập khá, đời sống của bà con các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn và tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho nông dân, qua đó giúp bà con vươn lên làm giàu và yên tâm gắn bó với nông nghiệp.

Trồng nhãn ở huyện biên giới: Nông dân có cuộc sống sung túc - Ảnh 9.

Nhãn Miền Thiết được người dân trồng trên nương rẫy tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, hiện huyện có 7.114ha nhãn. Bà con ở đây đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, đầu tư cho cây nhãn. Năm nay, các vườn nhãn ở huyện Sông Mã cho quả xum xuê, đang sắp bước vào mùa thu hoạch. Hứa hẹn sẽ là 1 mùa bội thu với bà con các dân tộc huyện vùng cao biên giới nơi đây.

 

Hà Hoàng