dd/mm/yyyy

Sơn La: Tiêu hủy 64 con bò bị bệnh viêm da nổi cục

Những ngày gần đây trên địa bàn xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở bò. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức đã tổ chức tiêu hủy 64 con bò tại 2 bản Nà Chá và Páng. Đồng thời đề ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ở những xã xuất hiện dịch bệnh.

10 ngày qua, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện và lan ra 5 bản của xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ làm 64 con bò của hàng chục hộ dân bị nhiễm bệnh. Đây là bệnh mới ở gia súc, nguy cơ lây nhiễm cao, diễn biến nhanh. Chính vì vậy công tác phòng, chống dịch đang được các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương triển khai.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Mạnh Thắng, Bí thư xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) xác nhận: Trên địa bàn xã phát hiện 1 số đàn bò có dấu hiệu bị bệnh từ hôm 26/11, sau đó xã đã báo cáo lên huyện. Đến ngày 27/11 thì gửi mẫu lên Chi Cục thú y tỉnh. Rồi Chi Cục thú y tỉnh tiếp tục gửi mẫu xuống trung ương xét nghiệm, kết quả là dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Hiện tại bệnh này xuất hiện ở 5 bản như: Nà Chá, Chiềng Lè, Páng... và chỉ xuất trên bò, chưa có dấu hiệu lây ra các đàn gia súc khác. Tính đến thời điểm này đã có hơn 60 con bò bị tiêu hủy.

Sơn La: Tiêu hủy khoảng 64 con bò bị bệnh viêm da nổi cục  - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Vân Hồ đã tổ chức tiêu hủy 64 con bò tại xã Chiềng Khoa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, huyện Vân Hồ khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh. UBND huyện đã tổ chức hội nghị và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quán triệt công tác phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Thông tin, tuyên truyền tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng bệnh, triển khai các biện pháp cách ly giữa gia súc bị bệnh và chưa mắc bệnh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tiêu hủy và giết mổ gia súc bị bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ đạo các xã có dịch, khẩn trương cách ly toàn bộ đàn gia súc chưa bị nhiễm bệnh. Tổ chức tiêu hủy 64 con bò, tương đương hơn 10 tấn bò bị bệnh viêm da nổi cục, lập danh sách hỗ trợ cho các hộ có bò bị tiêu hủy do dịch bệnh theo quy định của nhà nước.

Chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và tiêu diệt côn trùng hút máu vệ sinh môi trường trong và ngoài trại, hộ bị bệnh. Tiến hành xử lý đối với chất thải của bò, thức ăn hoặc chất độn chuồng bị nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe cộ và các thiết bị liên quan ra vào trại cần phải được tiến hành khử trùng theo quy định.

Sơn La: Tiêu hủy khoảng 64 con bò bị bệnh viêm da nổi cục  - Ảnh 2.

Bò bị bệnh viêm da nổi cục có da sần, nổi lên từng cục, từng đốm.

"Chúng tôi chỉ đạo các xã tuyên truyền đến người dân phát quang bụi rậm, tổng vệ sinh, trực tiếp phun thuốc sát trùng, quyết định công bố xã có dịch. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch và lập chốt tạm thời, để kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra vào các xã có dịch. Huyện đã lập 4 chốt kiểm dịch động vật ở các đường nhánh vào xã để kiểm soát việc vận chuyển gia súc. Cấp phát hơn 200 kg vôi bột, hơn 100 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng những khu vực có bò bị mắc bệnh.Tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại các xã có dịch, kiên quyết không để tình trạng bán trâu bò bị nhiễm bệnh sang các địa phương khác. Có thể nói đến nay, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục đã được khống chế và kiểm soát", ông ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ thông tin thêm.

Sơn La: Tiêu hủy khoảng 64 con bò bị bệnh viêm da nổi cục  - Ảnh 3.

Bệnh viêm da nổi cục còn lây truyền qua côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve) nên rất khó kiểm soát, dịch có thể lây lan rất nhanh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Trâu, bò mắc bệnh sẽ hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, có thể bị vô sinh vĩnh viễn, sảy thai, giảm lượng sữa...

Được biết, bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Bệnh không lây sang người và virus này có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 - 3 tháng. Bệnh lây truyền qua nhiều nguồn, như: Tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, phối giống…

Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Hà Hoàng