Sơn La: Nước sông Đà đột ngột rút nhanh, nông dân nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên

PV Tây Bắc Chủ nhật, ngày 16/05/2021 20:00 PM (GMT+7)
Mực nước sông Đà thuộc địa phận xã Tường Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang đột ngột rút nhanh khiến nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng ở đây đứng ngồi không yên.
Bình luận 0

Theo phản ánh của nhiều hộ dân nuôi cá lồng ở xã Tường Phong, mấy ngày gần đây, nước sông Đà đột ngột rút nhanh khiến bà con đứng ngồi không yên vì lo sợ nếu xảy ra mưa lớn cá sẽ bị chết.

Sơn La: Nước sông Đà rút nhanh, người nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên - Ảnh 1.

Mực nước sông Đà rút nhanh khiến người dân nuôi cá lồng ở xã Tường Phong đứng ngồi không yên vì lo sợ cá bị chết do thiếu oxy hoặc xảy ra mưa lũ thì bị sặc bùn. (Ảnh: Bang Va)

Chia sẻ với DANVIET.VN, anh Cầm Văn Bằng, bản Hạ Lương, xã Tường Phong cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi nhiều nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng mực nước sông Đà rút, lo sợ cá bị chết dẫn đến thua lỗ nên hiện chỉ duy trì 3 lồng nuôi. Gia đình tôi chủ yếu nuôi cá lăng, trắm, rô, sản lượng khai thác khoảng 2 tấn. Khoảng 3 - 4 tuần nay, mực nước sông Đà giảm đột ngột làm tăng nguy cơ cá chết. 

Theo anh Bằng, bình thường thì nước rất trong và sạch nên nuôi cá lồng phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khi mực nước rút đột ngột nếu không phát hiện kịp thời sẽ khiến cá bị sặc bùn và chết. Năm 2020, 3 tạ cá của gia đình bị chết do sặc bùn. 

Sơn La: Nước sông Đà rút nhanh, người nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên - Ảnh 2.

Sông Đà mùa nước cạn gây nhiều khó khăn cho các hộ dân nuôi cá lồng. (Ảnh: Bang Va)

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay gia đình anh Bằng chủ động theo dõi tình hình vận hành hồ chứa của Thuỷ điện Hoà Bình. Khi nào có dấu hiệu mực nước giảm, anh Bằng tiến hành di chuyển ngay lồng bè xuống ngay chỗ mực nước sâu nên đàn cá vẫn an toàn.

Bên cạnh đó, khi mực nước xuống thấp người nông dân nuôi cá lồng tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc đàn cá, như: Khoảng cách đi lại xa, cho cá ăn vất vả. Ngoài ra, gia đình anh Bằng phải đầu tư thêm máy móc để bơm oxy cho cá. 

Sơn La: Nước sông Đà rút nhanh, người nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên - Ảnh 3.

Để tiện chăm sóc cho đàn cá khi đã di chuyển lồng bè ra xa, người nông dân phải mở đường mới đi theo ven sông. (Ảnh: Bang Va)

"Hơn tuần nay, tôi chưa được giấc ngủ nào. Bởi, mực nước xuống thấp nên phải thức cả đêm để sục khí oxy và bơm nước thường xuyên cho đàn cá. Nếu không sẽ mất trắng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, cứu vãn được ngày nào hay ngày đó", anh Bằng than thở. 

Chị Lường Thị Thơ (vợ anh Bằng) lo lắng: Hiện, vẫn chưa có cá chết nhưng với tình hình nước rút mạnh như hiện tại thì không biết sẽ kéo dài được bao lâu nữa. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay nên các hộ dân tại đây chỉ có thể duy trì từ 3 - 4 lồng, không dám mở rộng quy mô sản xuất vì sợ thua lỗ.  

Sơn La: Nước sông Đà rút nhanh, người nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên - Ảnh 4.

Trong thời tiết nắng nóng như chảo lửa ở vùng sông nước, anh Bằng đang phải chạy khắp nơi với mong muốn bán nhanh được một nửa số cá lăng của gia đình, nhằm tránh được thiệt hại nếu có trường hợp xấu xảy ra. (Ảnh: Bang Va)

Thời điểm này, vợ chồng anh Băng như ngồi trên đóng lửa, bởi nếu chẳng may xảy ra mưa lớn thì lũ quét từ các ngả suối sẽ cuốn theo bùn đất gây sặc bùn cho đàn cá.

Theo chị Thơ, so với các loại cá khác nếu có xảy ra mưa lũ thì cá lăng bị chết nhiều nhất. Vì vậy, gia đình đang bán bớt đi đàn cá lăng, được đồng nào hay đồng đấy. "Vợ chồng tôi đăng thông tin lên Facebook để bán. Mặt khác, gọi điện cho người thân, bạn bè nhờ mua giúp. Tuy nhiên, thịt cá lăng ít người ăn, không phổ thông như cá trắm, chép, rô nên mỗi ngày chỉ bán được khoảng vài chục kg", chị Thơ chia sẻ.

Sơn La: Nước sông Đà rút nhanh, người nuôi cá lồng ăn không ngon, ngủ không yên - Ảnh 5.

Năm 2020, đàn cá lăng của anh Bằng bị chết do sặc bùn. (Ảnh: Bang Va)

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh Bằng, hiện gia đình chị Hà Thị Khuyên, bản Hạ Lương cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì mực nước sông Đà đang rút nhanh.

Chị Khuyên cho biết: Gia đình tôi có 4 lồng nuôi cá. Hiện, 2 vợ chồng đang "cầu trời khấn phật" mong không xảy ra trận mưa nào trong thời điểm này. Nếu xảy ra mưa lớn thì lũ từ các ngả suối sẽ đổ xuống thành ao khiến lượng bùn quấy lên cá sẽ sặc bùn và chết.  

"Gia đình tôi nuôi chủ yếu cá lăng, trắm, rô, mè. Năm ngoái, bị sặc bùn, cá chết nhiều nên trắng tay. Năm nay mới thả được một tý giống vào 4 lồng. Nếu lượng nước không rút thì lượng cá sẽ đảm bảo đủ số tháng tuổi để xuất bán cho một số nhà hàng với mức giá khá cao và không tốn nhiều công sức chăm sóc. Với tình hình hiện tại mặc dù cá chưa kịp lớn nhưng mấy ngày nữa cũng phải bán tháo đi để gỡ gạc ít vốn liếng", chị Khuyên nói với giọng buồn rầu.

Để đảm bảo an toàn cho 4 lồng cá của gia đình, hiện vợ chồng chị Khuyên đã tháo hết các máy trên thuyền mang ra lồng đề bơm sục khí oxy cho đàn cá. "Bây giờ, người dân ai cũng chẳng muốn nuôi vì chưa kịp lớn thì đã phải bán tháo rồi. Mực nước phụ thuộc vào việc xả của Thuỷ điện Hoà Bình nên chẳng biết kêu ai", chị Khuyên tâm sự.

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Vi Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Tường Phong thông tin: Xã Tường Phong có 123 lồng cá, tập trung chủ yếu tại bản Hạ Lương, bản Bèo. Hiện tại mực nước sông Đà đang rút mạnh nên ảnh hưởng khá lớn đến các hộ nông dân nuôi cá. Trước tình hình đó, để hạn chế thiệt hại về kinh tế cho bà con, xã đã tuyên truyền, vận động người dân đưa lồng bè đến địa đểm an toàn ở khu vực nước sâu. Ngoài ra, khuyến cao người dân không để lồng bè gần các ngả suối để tránh việc cá chết do sặc bùn nếu xảy ra mưa lớn.

Người nông dân nuôi cá lồng xã Tường Phong kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm làm việc với Thuỷ điện Hoà Bình nhằm có giải pháp điều tiết mực nước sông Đà sao hợp lý để bà con yên tâm mở rộng quy mô sản xuất và ổn định đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem