Sơn La: Mua phân bón kiểu này, cuối vụ mới phải trả tiền, nông dân yên tâm chăm cây trái

Thu Hà Thứ sáu, ngày 19/02/2021 05:18 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội ND huyện Thuận Châu (Sơn La) đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm. Nhờ đó, bà con được mua phân bón chất lượng tốt, giá phù hợp, sản xuất thuận lợi.
Bình luận 0

Hỗ trợ hội viên làm giàu

Ông Lò Văn Quý - Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Châu cho biết: Thuận Châu là huyện miền núi, địa bàn rộng, núi cao, đất canh tác bạc màu, đời sống nông dân còn gặp không ít khó khăn. Hội ND huyện có 29 cơ sở hội, 391 chi hội, 28.799 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt hội.

Để giúp nông dân phát triển kinh tế, những năm qua, Hội ND huyện đã tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân về vốn; có chính sách ưu đãi cho nông dân vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, cung ứng giống phân bón, vật tư trả chậm, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất. 

Đặc biệt, Hội ND huyện đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) triển khai chương trình cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm, góp phần giúp bà con giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập.

tannien/Phân bón trả chậm giúp cây trái bội thu - Ảnh 1.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phối hợp với Supe Lâm Thao cung ứng được 9.872 tấn phân bón Lâm Thao tới tận tay hội viên nông dân.

"Các hội viên đều phấn khởi vì không còn phải lo chạy khoản tiền phân bón khi vào vụ như trước nữa. Đặc biệt, bà con còn được hưởng mức giá phân bón rất cạnh tranh so với thị trường vì không phải qua nhiều đại lý".

Ông Lò Văn Quý -

Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Châu.

"Cụ thể là ngay từ đầu năm, Hội chủ động phối hợp với Supe Lâm Thao tổ chức hỗ trợ cho các hội viên đăng ký mua phân bón trả chậm phục vụ sản xuất năm 2021. Được công ty chở phân bón về tận nơi, đúng chủng loại với chất lượng đảm bảo, các hội viên đều phấn khởi vì không còn phải lo chạy tiền phân bón khi vào vụ như trước nữa. 

Đặc biệt, mua theo chương trình này, bà con còn được hưởng mức giá phân bón rất cạnh tranh so với thị trường vì không phải qua nhiều đại lý trung gian" - ông Quý cho hay.

Được biết, trong 5 năm qua, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phối hợp với Supe Lâm Thao cung ứng được 9.872 tấn phân bón Lâm Thao tới tận tay hội viên nông dân.

Nông dân yên tâm sản xuất

Cùng với chương cung ứng phân bón trả chậm, trong 5 năm qua, Hội ND huyện Thuận Châu còn phối hợp với Supe Lâm Thao tổ chức 233 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ứng dụng công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP cho hơn 20.270 lượt hội viên; xây dựng các mô hình điểm trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.

Là hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020, ông Phạm Văn Tiện (ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu) cho biết: Gia đình ông có 5ha trồng chanh leo, đào, bơ nên lúc nào cũng phải tính chi phí mua phân bón đầu vụ. Nhưng từ khi có Công ty Supe Lâm Thao cung ứng phân bón trả chậm, ông thấy thoải mái và yên tâm hơn hẳn.

Đầu năm ông chỉ việc đăng ký số lượng và chủng loại phân bón Lâm Thao thông qua "kênh" Hội ND. Sau đó phân bón này sẽ được công ty đưa về tận xã và chuyển tới hội viên nông dân theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng. Tiền phân bón cuối vụ mới phải trả mà giá phân bón vẫn không hề tăng. 

Ông chỉ cần đem phân bón về, tập trung chăm sóc cho chanh leo, đào, bơ sai quả. Nhờ vậy, vườn cây ăn quả của gia đình ông được chăm sóc kịp thời, cho quả sai trĩu, đạt năng suất cao, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Nhận thấy chương trình đem lại hiệu quả thiết thực, thời gian gần đây, có hàng trăm hộ nông dân ở huyện Thuận Châu đăng ký tham gia mua phân bón trả chậm qua Hội ND huyện. Theo đó, bà con sẽ được mua đúng với giá niêm yết của công ty và chỉ phải thanh toán tiền vào cuối vụ, khi nông sản đã thu hoạch.

Ghi nhận tại các xã thực hiện mô hình cung ứng phân bón trả chậm trên địa bàn Thuận Châu, các hội viên nông dân đều bày tỏ mong muốn các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện mô hình này lâu dài hơn nữa, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem