Sơn La đề nghị Bộ NNPTNT hướng dẫn xác nhận cây đào trồng trên vườn nhà như thế nào?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 15/01/2021 07:36 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích vườn nhà, đất nương rẫy.
Bình luận 0

Thế nào là đào trồng trên vườn nhà?

Để hỗ trợ người trồng đào khai thác cây, cành bán vào dịp Tết Nguyên đán, từ đó tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tăng cường công tác ngăn chặn, chặt phá đào rừng tự nhiên, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích vườn nhà, đất nương rẫy, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Tiếp đó, chiều 13/1, UBND tỉnh Sơn La có Văn bản số 14/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp "người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp tết", UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát cho thấy, diện tích cây đào trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện đạt 5.000ha, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn tỉnh khai thác, bán, vận chuyển cây đào dịp Tết Nguyên đán năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Sơn La tính chuyện “dán tem” cho đào  - Ảnh 1.

Du khách tạo dáng bên một vườn đào của người dân xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La). Ảnh: P.V

Diện tích cây đào trồng trên địa bàn tình Sơn La hiện đạt 5.000ha, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà.

Hình thức thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào theo các quy định tại Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa có quy định trình tự về khai thác đào

 Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, về cấm khai thác cây đào từ rừng tự nhiên được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, các văn bản thi hành Luật Lâm nghiệp và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 về cấm bán đào rừng trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Trên cơ sở các quy định của Luật Lâm nghiệp và ý kiến của Thủ tướng Chinh phủ, Sở NNPTNT Sơn La đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm ban hành Văn bản số 726/CCKL-TTPC ngày 31/12/2020 về việc nghiêm cấm việc chặt phá, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép các loài thực vật rừng như: Đào rừng, mai, đỗ quyên, ... để buôn bán, sử dụng làm cảnh trong dịp Tết nguyên đán, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài thực vật rừng trong tự nhiên, ảnh hưởng đến cân cân bằng sinh thái, phá vỡ cảnh quan tự nhiên của núi rừng Tây Bắc. 

Sơn La đề nghị Bộ NNPTNT hướng dẫn xác nhận cây đào trồng trên vườn nhà như thế nào? - Ảnh 3.

Những cây đào được trồng ngay trên đất của người dân.

Tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác, mua bán, sử dụng cây đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên theo các quy định của pháp luật.

Về khai thác cây đào trồng trên đất lâm nghiệp quy hoạch là rừng sản xuất do tổ chức, cá nhân tự trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân do chủ rừng tự quyết định việc khai thác theo quy định tại Điều 59, Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Đối việc khai thác cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả cây hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, hiện nay không có quy định về trình tự thủ tục hành chính đối với việc lập hồ sơ khai thác cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả cây hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Để đảm bảo việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các huyện trong việc hỗ trợ nhân dân trồng đào có thể khai thác tăng thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở NNPTNT Sơn La đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị với Bộ NNPTNT có hướng dẫn các địa phương thực hiện khai thác cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả cây hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Sẽ có lễ hội hoa đào

Trước đó, UBND huyện Vân Hồ (Sơn La) cũng kiến nghị UBND tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ, Bộ NNPTNT cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, làm tem nhãn cho đào trồng của Vân Hồ và tổ chức Lễ hội hoa đào 2021.

Hiện, huyện Vân Hồ có hơn 500ha trồng cây đào bán dịp tết, tất cả đều trồng tập trung trên nương, đồi của người dân sở tại.

UBND huyện Vân Hồ cũng đã thiết kế 2 mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem. Nguồn kinh phí để thực hiện in tem này được xã hội hóa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem