dd/mm/yyyy

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1

Từ bên ngoài nhìn vào bản tái định cư Căm Cặn (xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, Sơn La) là những ngôi nhà sàn mái tôn đỏ khang trang, kiên cố. Tuy nhiên, đằng sau sự khang trang ấy, vẫn còn đó nhiều cái thiếu mà hàng chục hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú nơi đây đang mỏi mòn chờ đợi từng ngày, từng giờ…

         Bản tái định cư "bốn thiếu"

Thiếu con đường bê tông, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà văn hóa, thiếu điểm trường mầm non là bốn thiếu đang hiện hữu hàng ngày tại bản Căm Cặn sau tái định cư. Bản có 64 hộ dân, với 288 nhân khẩu, 100% là dân tộc Khơ Mú. Tháng 4/2019, người dân bản Căm Cặn nhường nơi "chôn rau cắt rốn" cho Nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1 (Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện AnPha) để di vén lên vùng đất cao hơn định cư.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 1.

Bản tái định cư Căm Cặn - một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Bám. Nhìn từ bên ngoài bản Căm Cặn thật khang trang, nhưng bên trong vẫn còn nhiều cái thiếu... Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua về nơi ở mới nhưng đời sống của đồng bào Khơ Mú ở đây vẫn chưa ổn định. Trò chuyện với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt (PV), ông Lò Văn Món, nguyên Trưởng bản Căm Cặn, chia sẻ: Trước khi về nơi ở mới Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện AnPha (Công ty AnPha) hứa với người dân sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá, đường giao thông, trường mầm non. Nhưng đến nay bản mới được Công ty AnPha đầu tư điện và nước sinh hoạt.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 2.

Đời sống người đồng bào Khơ Mú ở bản Căm Cặn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Món cho biết: Mặc dù nước sinh hoạt đã được đầu tư, tuy nhiên do chất lượng công trình bể chứa nước tập trung không đảm bảo nên bản chỉ sử dụng được 1 tháng đầu. Hiện người dân phải tự bỏ tiền mua ống đi dẫn về sử dụng.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 3.

Mặc dù trước đó Công ty AnPha đã hứa bê tông đường giao thông nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Quàng Văn Dung (bên phải), Trưởng bản Căm Cặn, việc đường giao thông chưa được bê tông, cống, rãnh thoát nước chưa xây dựng nên mùa mưa người dân đi lại rất khó khăn. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Quàng Văn Dung, Trưởng bản Căm Cặn, than thở: Khi di chuyển lên nơi ở mới, bản được Công ty An Pha đầu tư điện, công trình nước sinh hoạt. Thấy điện, nước đầy đủ bà con yên tâm lắm. Nhưng sau một tháng sử dụng ngoài điện ổn định thì công trình nước sinh hoạt bắt đầu có vấn đề.

Nước vẫn chảy vào bể nhưng lại ngấm hết ra ngoài nên không thể dẫn về các hộ sử dụng. Bản đã đã kiến nghị lên chính quyền địa phương kết nối với Công ty AnPha sửa chữa cho người dân, đồng thời khẩn trương hoàn thành những hạ tầng còn lại nhưng bê tông đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá, trường mầm non.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 4.

Do chưa có trường học nên trẻ em người dân tộc Khơ Mú bản Căm Cặn phải học tạm trong ngôi nhà thuê lại của 1 hộ dân trong bản với mức giá 2 triệu đồng/năm.

Bản Căm Cặn có 24 trẻ em đang trong độ tuổi học mẫu giáo. Giao thông đi lại là đường đất, chưa có cống thoát nước nên mùa mưa đi lại khó khăn; mặt khác bản cách trung tâm xã gần 10km nên các cháu phải học tạm nhờ căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 20 m2 của một người dân trong bản với giá thuê 2 triệu đồng/năm.

Theo Trưởng bản Căm Cặn, hiện nay mặt bằng xây nhà văn hóa, nhà lớp học đã có. Bấy lâu nay bà con ai đi qua nơi này cũng chỉ biết nhìn đi nhìn lại nền đất đủ các loại cỏ dại đua nhau mọc um tùm ngày qua ngày.

Cấp uỷ, chính quyền xã nói gì?

Mang câu chuyện của người dân bản tái định cư Căm Cặn về UBND xã Mường Bám, ông Lò Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua tại bản Căm Cặn, người dân đã kiến nghị lên tổ công tác của xã về mong muốn Công ty AnPha đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con. Tuy nhiên thẩm quyền của xã cũng có giới hạn, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân và làm tờ trình kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 5.

Ngôi nhà 24 trẻ em bản Căm Cặn học mẫu giáo. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Chính, trước khi di vén để nhường đất cho Thuỷ điện Nậm Hoá 1, lãnh đạo Công ty AnPha đã hứa với đoàn công tác của tỉnh, huyện rằng sau khi người dân di dời về nơi ở mới sẽ xây dựng nhà văn hoá, nhà lớp học và đường bê tông từ bản Pá Sàng đến bản Căm Cặn. Bên cạnh đó là bê tông hoá đường nội bản và xây dựng hệ thống cống, rãnh để thoát nước mùa mưa lũ. Nhưng đến giờ Công ty vẫn chưa làm.

Thông tin thêm với PV, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Bám, tại cuộc làm việc vào sáng ngày 5/5/2021, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện AnPha Nguyễn Văn Huyên đã hứa với đoàn công tác của tỉnh, huyện rằng nhà văn hoá sẽ xây xong trước ngày 20/5/2021; nước sinh hoạt xong trước ngày 10/5; tuyến đường bê tông hoàn thành trước tết Nguyên đán.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 6.

Nền nhà văn hoá đã chuẩn bị từ lâu nhưng chưa xây dựng nên cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lò Tiến Văn, Chủ tịch UBND xã Mường Bám, cho biết thêm: Trước đây, khi bà con di dời lên nơi ở mới, Công ty AnPha đã hứa với người dân sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đầy đủ và có biên bản ghi nhớ về việc này. Còn công trình nước sinh hoạt do Công ty AnPha làm cho người dân không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, những phản ánh của người dân bản Căm Cặn là hợp lý. Xã mong Công ty AnPha sớm hoàn thiện hạ tầng đã hứa để người dân ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Công ty AnPha nói có hứa nhưng doanh nghiệp đang khó khăn

Để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ với lãnh đạo Công ty AnPha về những phản ánh của người dân bản Căm Cặn.

Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện AnPha, cho biết: Toàn bộ hạ tầng của tái định cư cấp thiết thì Công ty AnPha đã thực hiện đầu tư xong, gồm: Điện, nước, nền đường nội bộ. Hiện tại, do phân kỳ đầu tư bên Công ty AnPha đã cam kết với huyện Thuận Châu phần mặt đường và nhà văn hóa sẽ đầu tư sau. Vì doanh nghiệp hiện đang khó khăn nên sau khi có doanh thu sẽ đầu tư cho địa phương.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 7.

Công trình bể chứa nước tập trung xây dựng năm 2019 nhưng đến nay đã xuống cấp. Ảnh: Mùa Xuân.

Đối với công trình nước sạch, theo ông Dương, công trình đã nghiệm thu xong và bàn giao địa phương quản lý. Trước đợt bầu cử, sau khi huyện Thuận Châu có ý kiến, Công ty AnPha đã sửa chữa lại, tuy nhiên nhiều hộ lên mó dẫn nước riêng về dùng nên không đủ nước vào bể.

"Khi xây dựng và nghiệm thu, những phòng, ban liên quan của huyện Thuận Châu cùng Công ty AnPha bàn giao lại cho bản, xã. Việc này có văn bản bàn giao đưa vào sử dụng và biên bản bàn giao cho từng hộ gia đình", ông Dương nói.

Sơn La: Cần sớm ổn định đời sống người Khơ Mú sau tái định cư Thuỷ điện Nậm Hoá 1 - Ảnh 8.

Người dân bản Căm Cặn mỏi mòn chờ con đường bê tông 3 km từ bản Pá Sàng vào Căm Cặn để thuận tiện cho việc chở nông sản đi bán và đi lại. Ảnh: Tuệ Linh.

Đối với nhà văn hoá, ông Dương cho rằng trước đây lãnh đạo Công ty Công ty AnPha có hứa nhưng do đang vào mùa mưa nên chưa thực hiện được. Hiện Công ty AnPha đang nợ nhà văn hoá.

Trả lời về việc hứa xây dựng hạ tầng với người dân bản Căm Cặn bằng những mốc thời gian do Bí thư Đảng uỷ xã Mường Bám đã nêu trên, ông Dương cho biết: Hôm cam kết với người dân do Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện AnPha Nguyễn Văn Huyên làm việc, tôi không ở đó nên không nhớ rõ ngày tháng cụ thể. Nhưng đại khái việc này là có.

Thiết nghĩ, đồng bào Khơ Mú bản tái định cư Căm Cặn đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhường đất ở, đất sản xuất cho Công ty AnPha xây dựng Thuỷ điện Nậm Hoá 1; thì đáp lại điều này, Công ty AnPha cần sớm hoàn thành những hạ tầng đã hứa trên giấy cho người dân.


PV Tây Bắc