dd/mm/yyyy

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập

Sáng 19/1, Sở GDĐT tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh”.

Tham dự Hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La" có đại diện Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc; đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT các huyện, thành phố; nhà đầu tư, Hiệu trưởng các trường mầm non ngoài công lập...

Sơn La có 15 trường mầm non ngoài công lập

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, thúc đẩy sự phát triển tình cảm cũng như các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và thể chất của trẻ. Những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua các chương trình chăm sóc, giáo dục sẽ là nền tảng cho hoạt động học tập sau này của trẻ.

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập - Ảnh 1.

Có gần 200 người Tham dự Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La, thông tin: Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, của Đảng, Nhà nước ra đời đã làm thay đổi diện mạo GDMN, trong đó có GDMN ngoài công lập. Sở GDĐT tỉnh Sơn La đã tham mưu cho tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo. Gần đây nhất là Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NG-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019 – 2025. Trong kế hoạch đã chỉ rõ mục tiêu đối với GDMN. Đó là phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở GDMN ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 7%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 3,5%; đến năm 2025, số cơ sở GDMN ngoài công lập đạt 15,5%, với số trẻ theo học đạt 8,1%.

Theo đó, đến nay GDMN nói chung và GDMN ngoài công lập nói riêng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả đáng kể, quy mô mạng lưới trường lớp, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh Sơn La có 230 trường mầm non, trong đó: 215 trường mầm non công lập và 15 trường mầm non ngoài công lập với 3.933 nhóm, lớp mầm non với 96.261 trẻ em được huy động đến lớp. Trong số 3.933 nhóm, lớp thì có 28 lớp mẫu giáo trong các trường mầm non ngoài công lập và 66 nhóm trẻ độc lập tư thục với 3.237 trẻ, đạt 3,36%.

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập - Ảnh 2.

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Phát triển GDMN ngoài công lập còn nhiều khó khăn

Bà Dân nhận định: Bên cạnh những ưu điểm, giáo dục mầm non của tỉnh Sơn La còn nhiều hạn chế, tồn tại, như: Tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp; số trường mầm non tư thục ít; phòng học thiếu cục bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và quy mô trường lớp hiện có; cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu và chưa đồng bộ…Trước thực trạng của GDMN nói chung và GDMN ngoài công lập nói riêng, đặc biết là tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ thấp, đồng thời thực hiện xã hội hóa giáo dục thì việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất cần thiết.

Để đánh giá đúng thực trạng GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La và có những giải pháp cụ thể để phát triển GDMN ngoài công lập giai đoạn 2020 – 20205, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung nghiên cứu và có ý kiến phát biểu đề cập đến các nội dung, như: Những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch đất đai để phát triển trường, khó khăn trong việc tuyển sinh, thu hút giáo viên. Đặc biệt, đề xuất những giải pháp để phát triển các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn các huyện, thành phố. Những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành trường mầm non ngoài công lập…

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La, cho biết: Sở GDĐT tỉnh Sơn La mong muốn được lắng nghe các ý kiến thảo luận của lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các; các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các đơn vị GDMN ngoài công lập, dể Sở có tham mưu sát thực cho tỉnh Sơn La ban hành các cơ chế, chính sách giúp phát triển GDMN ngoài công lập. Đồng thời, mong muốn thông qua buổi Hội thảo này, các đại biểu hiểu rõ hơn về chủ trương xã hội hóa giáo dục. Bởi đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Mỗi đại biểu dự Hội thảo hôm nay chính là một tuyên truyền viên để người dân, xã hội hiểu rõ, đúng các cơ chế, chính sách của công tác xã hội hóa giáo dục. Từ đó, có cách làm đúng quy định của pháp luật, tránh mắc lỗi, khuyết điểm...

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La” phát biểu thảo luận.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận xung quanh các vấn đề, như: Công tác phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và xu hướng phát triển trường mầm non ngoài công lập trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá, cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý đội ngũ giáo viên; thực trạng công tác tuyển sinh, huy động trẻ ra lớp; Những khó khăn, bất cập trong việc chỉ đạo phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn; Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động chuyên môn, hoạt động đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN ngoài công lập; Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở GDMN ngoài công lập; Làm thế nào để giữ chân được giáo viên tại các cơ sở GDMN ngoài công lập...

Sơn La: Bàn giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập - Ảnh 5.

Ông Vương Văn Học, Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Mộc Châu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Một số giải pháp giúp GDMN ngoài công lập phát triển

Ông Vương Văn Học, Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Mộc Châu cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quỹ đất, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, có cơ chế đặc thù cho GDMN ngoài công lập. Các địa phương, đơn vị phải khảo sát nhu cầu thực tế, như: Nhu cầu của cha mẹ học sinh, nhu cầu các cháu chưa học tại trường công lập, nhu cầu các nhà đầu tư trên địa bàn... Sau khi khảo sát nhu cầu, các địa phương cần phải tổ chức Hội nghị để cho các bên liên quan (doanh nghiệp, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn) cùng ngồi lại, trao đổi với nhau và huyện đứng ra chủ trì Hội nghị này. Ngoài ra, tăng cường các Hội nghị trao đổi về kinh nghiệm cho các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, mới tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc phát triển GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để phát triển GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh, các huyện, thành phố có cơ chế cho các trường tư thục được giao hoặc cho thuê đất, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; Tỉnh Sơn La có cơ chế hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các trường mầm non ngoài công lập; Nhà nước, các trường mầm non tư thục có chế độ, chính sách tốt để thu hút giáo viên.

Tăng cường công tác truyền thông để người dân thấy được sự cần thiết muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng chăm sóc giáo dục cho con em họ thì không thể dựa vào sự bao cấp của Nhà nước; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ chi phí tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên mầm non ngoài công lập; Thực hiện các biện pháp thanh, kiểm tra nhằm giúp các cơ sở GDMN ngoài công lập phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế...

Tuệ Linh