Sóc Trăng: Vì sao ông nông dân này "nhốt" táo hồng trong nhà lưới mà thương lái vẫn đòi vô mua?

Trường Thạnh - Chúc Ly Thứ ba, ngày 18/08/2020 13:04 PM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Út, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) làm nhà lưới "nhốt" hết vườn táo hồng vào trong đó. Đây là bí quyết để ông Út hái táo đến đâu thương lái nhanh nhau mua tới đó...
Bình luận 0

Hiện nay, mô hình trồng táo hồng của nông dân ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đang rất thành công nhờ năng suất, hiệu quả và đầu ra ổn định. Ông Phạm Văn Út (ấp Trà Canh B) là người đi đầu trong việc trồng táo hồng theo hướng sạch trong nhà lưới.

Cây táo hồng là loại cây thuộc dạng "khó tính", đòi hỏi thời tiết thuận lợi và khâu chăm sóc rất tỉ mỉ. Bình quân người trồng chỉ thu hoạch được khoảng 50% trái, phần còn lại bị nhiễm sâu bệnh, nhất là sâu đục trái nên giá bán thấp, hiệu quả không cao.

Sợ sâu hại, lão nông đem táo hồng vào nhà lưới trồng, thương lái tranh mua - Ảnh 1.

Sợ sâu hại, lão nông Phạm Văn Út, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đem táo hồng vào nhà lưới trồng mà thành công bất ngờ. Ảnh: Trường Thạnh.

Theo người dân địa phương, mặc dù, đây là loại cây đã gắn bó với người dân nơi đây gần 20 năm, giúp cho nhiều người vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thời tiết, nhất là xâm nhập mặn làm nhiều diện tích táo của người dân bị chết khô, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.

Sau nhiều lần nghiên cứu, tham quan các mô hình nông nghiệp sạch tại các địa phương, cùng sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp trong huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, tháng 3/2018, ông Út quyết định đầu tư nhà lưới cho vườn táo 60 gốc của gia đình. Theo ông Út, chi phí đầu tư nhà lưới từ 45 - 47 triệu đồng/1.000 m2; thời gian sử dụng khoảng 3 - 4 năm.

Sợ sâu hại, lão nông đem táo hồng vào nhà lưới trồng, thương lái tranh mua - Ảnh 2.

Sợ sâu hại, lão nông đem táo hồng vào nhà lưới trồng, thương lái tranh mua - Ảnh 3.

Vườn táo hồng của ông Út, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho trái to, đẹp sau khi trồng trong nhà lưới. Ảnh: CTV.

Ông Út cho biết: "Ở mùa vụ năm 2018, vườn táo trồng trong nhà lưới cho năng suất thấp, hiệu quả mang lại không cao. Lí do là vào thời điểm làm nhà lưới thì táo mới chuẩn bị ra hoa, nên khi có nhà lưới thì thiếu các loại côn trùng có lợi thụ phấn, dẫn đến tỷ lệ đậu trái không cao. Quyết tâm thực hiện thành công mô hình, sang vụ thứ hai, để tăng khả năng thụ phấn cho vườn táo, tôi áp dụng kỹ thuật thụ phấn bằng đàn ong và quạt gió trong nhà lưới kín. Nhờ vậy, cây đã đậu trái như mong đợi".

Táo trồng trong nhà lưới không bị sâu đục trái, do đó, ông Út thu hoạch sản lượng bao nhiêu đều có thương lái đến mua hết. Từ khi trồng trong nhà lưới, tuy sản lượng táo không tăng nhưng 100% trái không bị sâu bệnh. 

Với diện tích táo trồng bên trong nhà lưới 800m2, ông Út dự kiến thu hoạch đến cuối vụ ước được 1 tấn trái. Nếu giá bán ổn định từ 28.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 70%.

Sợ sâu hại, lão nông đem táo hồng vào nhà lưới trồng, thương lái tranh mua - Ảnh 4.

Theo ông Út, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, độ lớn của trái táo trồng trong nhà lưới lớn gấp đôi so với những trái táo trồng bên ngoài. Ảnh: CTV.

Theo ông Út, độ lớn của trái táo trồng trong nhà lưới lớn gấp đôi so với những trái táo trồng bên ngoài. Bề mặt trái bóng đẹp, chín vàng đồng đều. Khi thưởng thức, táo chắc thịt, giòn, mùi thơm man mát và có thể ăn ngay lúc hái vì không phải lo có thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình canh tác, ông Út chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Với đặc điểm của loại táo này là giòn, ngọt và ngon hơn so với một số loại táo khác; lại có khả năng vận chuyển đi xa nên thương lái rất ưa chuộng... Ngoài thương lái đến tận vườn thu mua, năm nay ông Út còn cung cấp cho cửa hàng nông sản sạch huyện Châu Thành nên giá táo cao hơn so với các hộ trồng táo thông thường. 

Trong tương lai, ông Út dự định tiếp tục đầu tư nhà lưới và áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi lấy ngắn nuôi dài.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ngoài các loại nông sản được trồng trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao, thì việc trồng táo trong nhà lưới được xem là bước "đột phá" trước tình hình sâu hại tấn công. Với đầu ra ổn định sẽ là cơ hội để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, liên kết để cung ứng số lượng lớn, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem