Sinh kế bền vững của người Mông ở Vân Hồ: Trồng rau VietGAP

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 27/04/2019 06:10 AM (GMT+7)
Sau hai năm áp dụng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân ở Vân Hồ đã tạo được việc làm bền vững, thu nhập cũng nhờ vậy tăng gấp 4-5 lần trước đó.
Bình luận 0

Chật vật chuyển đổi tư duy

Trong 2 năm, dự án trồng rau VietGAP được Trung tâm Úc về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR) đưa về để hỗ trợ, giúp bà con nông dân ở Vân Hồ (Sơn La) thích ứng với cách sản xuất, canh tác mới. Sau một thời gian triển khai, dự án không chỉ đem lại thay đổi về mặt kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà giúp nông dân làm quen với một lối canh tác mới khoa học hơn.

Nhờ những thành công bước đầu ấy mà tới nay có nhiều nông dân trên địa bàn xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) đang muốn được tham gia vào tổ hợp tác trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

img

Anh Sa bên sản phẩm rau an toàn. Ảnh: N.T

"Hiện nay tổ hợp tác xã Bó Nhàng 2 và Hợp tác xã Vân Hồ đang gieo trồng gần 10 loại rau an toàn. Cụ thể có: Cà chua, rau cải, bắp cải, bí đỏ, bí ngồi, súp lơ, dưa mèo, su su, cà rốt,... Các sản phẩm này có giá dao động từ 4.000- 9.000 đồng/kg”.

Ông Bùi Văn Tùng

Là người tiên phong trong việc trồng rau an toàn, năm 2015 sau khi được tiếp cận với các mô hình trồng rau an toàn ở Mộc Châu và Hà Nội, bà Đinh Thị Xoa (61 tuổi) đã thành lập tổ hợp tác trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ việc trồng lúa 1 vụ cho năng suất thấp, bà đã vận động nhiều chị em, họ hàng chuyển đổi sang trồng rau. “Ngày đầu công việc vất vả, rau sản xuất ra xấu và hư hỏng nhiều nên không tiêu thụ được. Bà con lúc đó nản lắm, nhiều người bỏ luôn không trồng nữa nhưng giờ thì mọi thứ đã tốt đẹp hơn nhiều rồi” – bà Xoa cho biết.

Sau một thời gian phát triển, năm 2016, cô Xoa quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng rau an toàn Vân Hồ thay cho tổ hợp tác xã trồng rau. Nhờ những nỗ lực trong việc sản xuất, cuối năm 2016 HTX rau Vân Hồ đã được chứng nhận rau an toàn về chất lượng do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản Sơn La cấp.

Ông Bùi Văn Tùng - Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Tây Bắc (Cán bộ Dự án của ACIAR) – người trực tiếp hỗ trợ nông dân ở Vân Hồ trồng rau, kết nối tiêu thụ nông sản nhớ lại: “Thời gian đầu vất vả nhất là lúc vận động người dân thay đổi tập quán canh tác. Trước nay, bà con canh tác theo kiểu cũ đơn giản, cả tháng mới ra đồng 1 lần, giờ trồng rau ngày nào cũng phải ra ruộng rưới nước, bón phân, rồi ghi nhật ký. Thêm vào đó còn có đoàn giám sát, nếu làm không đúng là không tiêu thụ rau được. Ban đầu rau rất xấu, hư hỏng nhiều không bán được, nhiều người mất niềm tin nên bỏ cuộc”.

Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững

Sau khi biết được hiệu quả của những mô hình trồng rau sạch ở Vân Hồ, nhiều người đã quyết tâm tìm hiểu làm theo. Vàng A Sa (35 tuổi) ở thôn Bó Nhàng 2 (xã Vân Hồ) cũng là một người thành công nhờ biết tận dụng kinh nghiệm trong trồng rau sạch.

Sau khi học tập mô hình trồng rau sạch ở HTX Vân Hồ, anh Sa đã về nhà cùng vận động 2 hộ nữa trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, những sản phẩm rau an toàn của anh được HTX Vân Hồ tiêu thụ giúp, sau đó anh đã chủ động thành lập tổ hợp tác, tự tiêu thụ rau.

Hiện tại, Vàng A Sa là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bó Nhàng 2, đồng thời cũng là người bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bó Nhàng 2 từ chỗ chỉ có 3 thành viên tới nay đã có 12 thành viên, tới đây dự kiến sẽ kết nạp thêm 3 thành viên nữa.

“Trước đây, nếu trồng lúa cả năm mới được 1 vụ, thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng thì từ khi trồng rau, thu nhập của gia đình đã tăng  nhiều lần. Mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi để dư được 60-70 triệu đồng” – anh Sa nói.

Hiện giờ, anh Sa và một thành viên nữa trong tổ hợp tác đã chung tiền mua ô tô tải để vận chuyển rau cung cấp cho siêu thị BigC (Hà Nội) và một số các cửa hàng thực phẩm sạch ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...

Anh Sa cho biết, sau khi được cán bộ trung tâm ACIAR kết nối tiêu thụ nông sản, anh và thành viên đã chủ động sản xuất, thực hiện cung ứng. Ngoài rau củ, tới đây tổ hợp tác của anh Sa còn hướng tới gieo trồng và cung ứng sản phẩm quả đặc trưng của vùng như: đào, mận cơm, mận tam hoa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem