dd/mm/yyyy

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới

Đi tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững, huyện miền núi Sìn Hồ (Lai Châu) đã định hướng và hỗ trợ người dân trên địa bàn sản xuất một số cây trồng mới, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan.

Sìn Hồ là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu nói riêng, của cả nước nói chung. Trên địa bàn huyện có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất của người dân lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của huyện. Đặc biệt là từ nhiều năm nay, đời sống của người dân trong huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa, cây ngô... Sản xuất của người dân lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên thu nhập bấp bênh, cái nghèo đeo bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây.

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới - Ảnh 1.

Vài năm trở lại đây, huyện Sìn Hồ đã tìm thêm được hướng giảm nghèo mới cho người dân trên địa bàn, đó là đưa một số cây trồng mới vào sản xuất.

Vượt lên những khó khăn đó, để công tác giảm nghèo của huyện vừa nhanh vừa bền vững, huyện Sìn Hồ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Thực hiện phương châm "cho cần câu chứ không cho xâu cá" trên cơ sở lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo hỗ trợ cây trồng, vật nuôi giống mới cho các hộ nghèo trên địa bàn. Qua đó, nhiều diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả đã được người dân thay thế bằng những cây trồng mới, trong đó hiệu quả nhất phải kể đến đó là cây ăn quả và cây chè.

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới - Ảnh 2.

Hiện trên địa bàn huyện Sìn Hồ có hơn 550ha cây ăn quả các loại. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sà Dề Phìn là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ. Cũng như những xã vùng cao khác của huyện Sìn Hồ, khí hậu ở Sà Dề Phìn khá mát mẻ, thuận lợi cho phát triển cây ăn quả ôn đới. Những năm qua, nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh này, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các xã vùng cao nói chung, xã Sà Dề Phìn nói riêng vận động người dân trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Hơn 20ha cây ăn quả các loại, như: Lê, mận, đào đã được trồng ở xã Sà Dề Phìn tử mấy năm nay, hiện đã cho thu hoạch. Có hộ thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả.

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới - Ảnh 3.

Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ có khoảng 10ha chè cổ thụ, được trồng cách đây hơn 100 năm.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, cho biết: "Trên cơ sở thực hiện các chương trình: 135, 30a... huyện Sìn Hồ đặc biệt quan tâm tới nội dung hỗ trợ sản xuất cho người dân, trong đó tập trung hỗ trợ cho các hộ nghèo ở các xã trong huyện phát triển các loại cây ăn quả, như: Lê, mít, xoài, bưởi da xanh. Được hỗ trợ giống và kĩ thuật thông qua các lớp tập huấn, hàng trăm hộ nghèo trong huyện tích cực chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có hơn 550ha cây ăn quả các loại. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân".

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới - Ảnh 4.

Vài năm trở lại đây, người dân các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ tích cực trồng chè Shan Tuyết.

Không chỉ dừng ở đó, huyện Sìn Hồ còn triển khai hàng loạt các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với các loại quả, như: Lê VH6 , Xoài Đài Loan tại các xã Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Hồng Thu, Ma Quai... Việc liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm không chỉ tạo đầu ra ổn định mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây ăn quả các loại, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cùng với phát triển cây ăn quả, người dân các xã trên địa bàn huyện Sìn Hồ còn mạnh dạn đăng ký trồng chè Shan Tuyết. Với nhiều người dân ở các huyện, thành phố trong tỉnh, cây chè không có gì xa lạ, nhưng đối với người dân huyện Sìn Hồ thì nó lại là cây trồng hoàn toàn mới mẻ.

Sìn Hồ mở hướng giảm nghèo từ cây trồng mới - Ảnh 5.

Toàn huyện Sìn Hồ hiện có hơn 300ha chè. Một số diện tích chè trồng từ năm 2016 đã bắt đầu cho thu hoạch. Sản phẩm chè búp tươi của người dân được Công ty Cổ phần Chè Lai Châu bao tiêu toàn bộ.

Ông Đồng Văn Liệt – Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho hay: "Dự án tiểu vùng chè "Cao nguyên Sìn Hồ" ra đời cũng xuất phát từ thực tế, cây trồng này khá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Cây chè có mặt trên đồng đất Sìn Hồ, mà cụ thể là ở xã Sà Dề Phìn chí ít cũng trăm năm nay, nhưng nó không được trồng đại trà mà rải rác ở nhiều bản. Vùng chè cổ thụ này bị "bỏ quên" và mới được phát hiện vài năm trở lại đây.  

Lúc đầu vận động người dân các xã trong huyện trồng chè Shan Tuyết gặp không ít khó khăn. Nhưng rồi, với sự vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, nhiều hộ dân đã hiểu và mạnh dạn đăng ký tham gia, tạo nên phong trào trồng chè sôi nổi, rộng khắp các bản. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 312,4 ha chè. Cây chè đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong huyện".

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải kể đến việc đưa một số cây trồng mới vào sản xuất, huyện Sìn Hồ đã "gặt hái" được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 3 – 5%/năm.

Thanh Ngân