dd/mm/yyyy

Sau “cơn sốt", giá đất khu vực ven sông Hồng giờ ra sao?

Khó có thể tin rằng, mới 2-3 tháng trước còn “sốt” cao, giờ đây, những “điểm nóng” bất động sản ven đô của Hà Nội như: Đông Anh, Gia Lâm… lại “đóng băng”.
Sau “cơn sốt", giá đất khu vực ven sông Hồng giờ ra sao? - Ảnh 1.

Lô đất tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, được rao bán nhưng thị trường nơi đây đang gần như "đóng băng"


"Xuống giá hay không thì... chưa biết"

Cách đây vài tháng, khi có thông tin Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ công bố vào tháng 6, tại Hà Nội, giới đầu tư nhắc đến Đông Anh như một "điểm nóng" của thị trường bất động sản theo kiểu "không mua nhanh, mai chưa chắc còn". 

Tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, một môi giới từng nói với chúng tôi rằng, trước khi có quy hoạch, mảnh đất ở đường ngõ rộng 3m chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 nhưng đã tăng gần gấp đôi chỉ sau ít ngày, dao động 34-37 triệu đồng/m2. Cầm trên tay tấm bản đồ khu vực, "cò đất" không ngừng phân tích: "Lấy mốc là UBND xã Xuân Canh, bên trái sau này sẽ là khu đô thị sinh thái Vinhomes Cổ Loa, bên phải là phân khu đô thị sông Hồng. Mai kia nơi đây sẽ giống thành phố hai bên sông Hàn (Đà Nẵng), dự là sẽ rất đắc địa"...

Thế nhưng, hiện tại, thị trường bất động sản tại Đông Anh gần như "đóng băng", không có khách hàng, văn phòng môi giới đóng cửa... Chị Lan, một nhân viên môi giới bất động sản trên địa bàn huyện Đông Anh, cho hay: "Giá đất Đông Anh giờ bị chững lại. Thông tin sốt đất khoảng 2-3 tháng trước chủ yếu là do môi giới thổi lên chứ thực tế người giao dịch thật không có mấy". Báo cáo thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam quý I/2021 cũng từng ghi nhận, thời điểm "sốt" đất, giao dịch thực tế của khu vực Đông Anh rất thấp.

Khảo sát thông tin mua bán trên batdongsan.com.vn và một số website về nhà đất uy tín cho thấy, với đất thổ cư tại Đông Anh, vào thời điểm "sốt", đất được giao với giá 40 triệu – 150 triệu đồng/m2 (các khu vực như Xuân Nộn, Kim Chung, Nguyên Khê). Còn ở thời điểm hiện tại, đất được rao bán ở mức 25 triệu-100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi như mặt đường Ấp Tó, xã Uy Nỗ và khu vực mặt hồ Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, đất thổ cư được rao bán với giá 40-140 triệu đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, tại thời điểm này, "cơn sốt" đã được kiềm chế, còn thị trường xuống giá hay chưa thì chưa thể đánh giá được vì không ghi nhận giao dịch.

Tương tự Đông Anh, tại phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội), khu vực nằm trong vùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các môi giới bất động sản tại khu vực này cho hay, tháng 3 vừa qua, lượng khách hàng đổ về đông nhưng giao dịch thực tế thấp. Hiện tại, gần như thị trường vắng bóng giao dịch.

"Bẻ lái" sang xây nhà để bán

Cơn "sốt" đi qua, giá nhà đất ven Hà Nội cũng đã chững lại. Trước tình thế này, nhiều nhà đầu tư đã bẻ lái, chuyển sang hướng xây nhà để bán. Bà Thuỷ (53 tuổi, thường trú tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019, bà có đầu tư một mảnh đất 75m2 ở huyện Đông Anh. Mảnh đất nằm ở mặt đường rộng 5m, có giá 35 triệu đồng/m2. Bà đã rao bán từ năm 2020 mà đến nay vẫn chưa thể bán được. Đợt "sốt" đất vừa qua, bà Thuỷ đã kỳ vọng mảnh đất sẽ tìm được chủ mới nhưng chỉ thấy môi giới dắt hết đợt khách này đến đợt khách khác đến xem đất mà chưa chốt được. "Thay vì bán đất, tôi dự định cuối năm nay sẽ đầu tư để xây nhà trên mảnh đất ấy rồi bán. Như vậy mới sớm hoàn vốn và sinh lời", bà Thuỷ chia sẻ về dự định của mình.

Theo giới kinh doanh bất động sản, việc tách đất thổ cư thành các lô, xây sẵn căn nhà 3-5 tầng bán có thể sớm hoàn vốn và có tỷ suất sinh lời hơn khi giá đất đang chững. Bà Vân, một môi giới nhà đất, phân tích: "Tâm lý của nhiều người vẫn là "ăn chắc, mặc bền" nên chuộng mua nhà đất. Nếu so sánh với một căn chung cư có giá 1,5 tỷ đồng thì nhiều người vẫn chọn cách đổ tiền vào nhà đất, vừa để ở, vừa có giá trị sinh lời".

Luật gia Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, việc mua bán bất động sản là giao dịch dân sự, giá bán dựa trên thỏa thuận của 2 bên nên cơ quan Nhà nước rất khó có thể can thiệp. "Hạ tầng phát triển, giá bất động sản tăng, đó là một điều tích cực nhưng những khu vực chưa hoàn thiện hạ tầng mà giá đất đã tăng chóng mặt sẽ gây ra hệ lụy cho quá trình phát triển kinh tế tại địa phương đó. Vì thế, cơ quan quản lý ở mỗi địa phương cần nắm rõ những biến động về giao dịch bất động sản để kiểm soát, hạn chế tình trạng lừa đảo, mua bán nhà đất không đúng quy định của pháp luật, hay việc lợi dụng thông tin để thổi giá đất làm lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường".

Hiện tại, Quy hoạch Phân khu sông Hồng vẫn chưa được công bố. Nguyên nhân của sự chậm trễ là do vướng vấn đề thoát lũ, đê điều. Mới đây, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, vấn đề này liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ. Thời gian tới, UBND thành phố xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án Quy hoạch Phân khu sông Hồng sẽ được duyệt.
Vũ Vũ