Sạt lở đèo Bảo Lộc: Thảm thực bì ở vườn sầu riêng mỏng nên không còn giá trị của rừng

K.Nguyên Thứ tư, ngày 02/08/2023 15:20 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) vùi lấp Trạm cảnh sát giao thông Madagui (thuộc CSGT Công an Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai) khiến 4 người tử vong, qua quan sát thì phía trên vị trí sạt lở có trồng sầu riêng. Chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, việc trồng sầu riêng có thể khiến chức năng của rừng giảm.
Bình luận 0

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và PTNT diễn ra tại Hà Nội chiều 1/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) vùi lấp Trạm cảnh sát giao thông Madagui (thuộc CSGT Công an Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai) khiến 4 người tử vong, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, hiện tỉnh đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân.

"Qua thông tin trên báo chí thì phía trên vị trí sạt lở có trồng sầu riêng. Do mưa kéo dài, thế đất cao, vườn sầu riêng mới trồng năm 2019 nên thảm thực bì không thể tăng cường độ che phủ", ông Lực thông tin.

Cũng theo ông Lực, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 156 hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó có quy định về quy chế quản lý và sử dụng tài nguyên rừng, cụ thể với từng loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Thảm thực bì ở vườn sầu riêng mỏng nên không còn giá trị của rừng - Ảnh 1.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin về hiện trạng đất rừng tại vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng.

"Chúng tôi cho rằng đây là rừng phòng hộ, mà rừng phòng hộ trên cạn thì theo quy định phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Quản lý, sử dụng đất rừng, trồng rừng phải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Bộ Nông nghiệp PTNT đã ban hành hướng dẫn theo đúng quy định của Nghị định 156. Chuyện này chắc chắn có trách nhiệm của địa phương trong thực hiện quy hoạch", ông Lực nói.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, chức năng chính của rừng phòng hộ là phải đảm bảo phòng hộ với những tính chất chống được xói mòn, sạt lở, hạn hán, cháy rừng.

"Thực tế, trong rừng phòng hộ vẫn có thể áp dụng các mô hình nông - lâm kết hợp nhưng phải đảm bảo các quy định của Luật Lâm nghiệp và không được làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng", ông Lung nói. 

Theo ông Lung, các mô hình trồng sầu riêng thường trồng với mật độ thưa để đảm bảo cho cây ra quả, thảm thực bì mỏng nên không còn giá trị của rừng nữa. "Có thể khu vực trên vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc đã được trồng sầu riêng làm mất đi tính chất của đất rừng, mưa lớn làm bão hòa nước gây ra sạt lở", ông Lung nhấn mạnh. 

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Thảm thực bì ở vườn sầu riêng mỏng nên không còn giá trị của rừng - Ảnh 2.

Những cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi được trồng phía trên vị trí sạt lở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh: V.L

Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều những vụ sạt lở, ông Lung cho rằng, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để có những ứng phó kịp thời. Trên thế giới có 6 nước chịu tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Để giảm thiểu các vụ sạt lở, lũ ống lũ quét thì việc bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên là vô cùng quan trọng. 

"1m3 gỗ có tác dụng bằng 10m3 lá, cành, ngọn, rễ. Phải khẳng định, rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống lũ quét, sạt lở. Do vậy, hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải là rừng tự nhiên.

 Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng vì, nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét", chuyên gia lâm nghiệp lấy ví dụ. 

Cũng theo ông Lung, nếu Việt Nam giữ được độ che phủ rừng lớn, chất lượng rừng ngày càng được cải thiện, rừng giàu lên thì không chỉ góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn có thể thu được nguồn ngoại tệ lớn nhờ bán tín chỉ carbon khi thị trường giao dịch carbon được dự báo sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.

Tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ như sau:

Không thực hiện sản xuất lâm, nông ngư nghiệp kết hợp ở rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ; vùng bờ biển bị xói lở thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

Sử dụng hiệu quả không gian, môi trường rừng để thực hiện sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp;

Hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng tham gia hoạt động lâm nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem