Sang tay VinMart, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu 8.500 tỷ, Masan báo lỗ

Thứ sáu, ngày 08/05/2020 10:54 AM (GMT+7)
Thu về hơn 8.500 tỷ từ thương vụ chuyển nhượng chuỗi hệ thống Vinmart, Vinmart+, doanh thu quý I/2020 của Vingroup “bốc hơi” 30%. Ngược lại, doanh thu của Masan tăng trưởng gấp đôi khi có thêm 8.700 tỷ đồng doanh thu từ VinCommerce. Tuy nhiên, VinCommerce lỗ gần 900 tỷ đồng trong quý I/2020 khiến Masan báo lỗ sau 6 năm.
Bình luận 0

Vingroup thu về 8.500 tỷ từ chuyển nhượng chuỗi siêu thị VinMart, Vinmart+

Báo cáo tài chính quý I/2020 của Vingroup cho thấy, trong quý đầu tiên không còn ghi nhận doanh thu từ bán lẻ (chủ yếu từ VinMart, VinMart+), doanh thu hợp nhất của Vingroup giảm 30%, lợi nhuận giảm một nửa.

Cụ thể, doanh thu thuần giảm 30% đạt 15.368 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 505 tỷ đồng, tương đương 1/2 lợi nhuận của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận trong 5 năm trở lại đây.

Vingroup lý giải doanh số giảm mạnh chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ (chuyển giao VinMart, VinMart+ sang cho Masan của ông Nguyễn Đăng Quang).

Trước đó, vào tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định chuyển nhượng 2 chuỗi bán lẻ lớn nhất của mình cho Công ty Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và thu về khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng hơn 8.500 tỷ đồng.

Nếu loại trừ doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong quý I/2019 để so sánh tương đương, doanh thu quý I/2020 các mảnh còn lại của Vingroup vẫn tăng trưởng 4% cùng kỳ. Trong quý I/2019 trước đó, mảng bán lẻ mang về cho Vingroup hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu cùng 1.000 tỷ đồng lãi gộp, và là mảng kinh doanh quan trọng thứ 2 của tập đoàn sau bất động sản.

Thương vụ sang tay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu 8.500 tỷ, ông Nguyễn Đăng Quang “gánh” lỗ  900 tỷ - Ảnh 1.

Doanh thu hợp nhất của Vingroup giảm 30% sau khi chuyển nhượng VinCommerce cho ông Nguyễn Đăng Quang

Thu về 8.700 tỷ doanh thu từ VinCommerce, Masan "ôm" lỗ vì VinCommerce

Nói về kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ, lần đầu tiên Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu từ mảng bán lẻ là năm 2013 với doanh số vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng. Đến năm 2014, sau khi chính thức gia nhập thị trường bán lẻ với sự xuất hiện của hai thương hiệu mới là Vinmart và Vinmart+ do tập đoàn sở hữu toàn bộ, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup tăng lên mức 423 tỷ.

Bán lẻ nhanh chóng trở thành mảng kinh doanh lớn thứ 2 tại Vingroup từ năm 2015 khi đóng góp gần 13% tổng doanh thu tập đoàn. Số thu từ mảng kinh doanh này cũng chỉ xếp sau mảng kinh doanh chính là chuyển nhượng bất động sản với tỷ trọng 62% tổng doanh thu hợp nhất.

Trong năm 2018, chuỗi Vinmart và Vinmart+ cùng với VinPro mang về cho tập đoàn này 19.333 tỷ đồng doanh thu và chính thức vượt qua 1 tỷ USD vào năm 2019 (hơn 29.700 tỷ đồng).

Điều đáng nói, dù mảng bán lẻ đang tăng trưởng tốt về doanh thu nhưng số liệu từ báo cáo tài chính Tập đoàn Vingroup cho thấy, mảng bán lẻ chưa hề có lãi kể từ thời điểm chính thức vận hành năm 2014.

Riêng năm 2018, lỗ trước thuế theo bộ phận của bán lẻ là hơn 5.000 tỷ, số lỗ trong năm 2017 cũng là gần 3.800 tỷ đồng. Số lỗ bộ phận trước thuế này 6.097 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019.  Việc thua lỗ được Vingroup giải thích là doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình đầu tư, mở rộng quy mô.

Tại thời điểm chuyển nhượng VinCommerce, đã có nhiều thông tin cho rằng, chuỗi bán lẻ này thực sự là gánh nặng đối với Vingroup trong nhiều năm qua. Masan sẽ phải gánh lỗ "nặng" cho Vingroup sau khi nhận chuyển nhượng Vincommerce từ Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trên thực tế, tại báo cáo tài chính quý I/2020 của Masan, quý đầu tiên hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Masan, VinCommerce (VCM) - công ty đang điều hành hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ tăng trưởng tới 40% doanh thu, mang về hơn 8.700 tỷ đồng trong quý I/2020 và chiếm gần 50% tổng doanh thu Masan.

Nhờ đó, doanh thu của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chốt quý Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ sau 6 năm. Trong đó, VCM lỗ gần 897 tỷ đồng trong quý vừa qua. Số lỗ này theo ông Nguyễn Đăng Quang đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Thương vụ sang tay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu 8.500 tỷ, ông Nguyễn Đăng Quang “gánh” lỗ  900 tỷ - Ảnh 3.

Báo cáo tài chính quý I của Masan

Đánh giá về kết quả này, Chủ tịch Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: "Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong quý I/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với quý I/2019. Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của Covid-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. Covid-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta".

Nếu đúng như vậy, chuỗi cửa hàng và siêu thị lớn nhất Việt Nam đã ghi nhận những bước chuyển biến tích cực sau khi đổi chủ và phần nào xóa bỏ hoài nghi về một triển vọng u ám đối với Masan sau khi Vingroup thoái vốn.

Cũng phải nói thêm rằng, theo số liệu từ báo cáo tài chính của VinCommerce, doanh nghiệp này có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8.200 tỷ và 7.600 tỷ đồng trong năm 2018. Sở dĩ có sự khác giữa lợi nhuận thực tế của Vincommerce với lợi nhuận của mảng bán lẻ trên báo cáo tài chính của Vingroup là do các giao dịch tài chính của Vincommerce như khoản thu nhập tài chính ròng (đã trừ chi phí) lên đến 12.000 tỷ đồng năm 2018 hay hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2016 đã không được tính vào kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ trên báo tài chính hợp nhất của Vingroup.

Trong năm 2019, dù trên báo cáo bộ phận của Vingroup, mảng bán lẻ lỗ tới hơn 6.000 tỷ song thực tế trong năm 2019, VinCommerce ghi nhận thêm khoản doanh thu tài chính "khủng" đến từ việc bán 51,4 triệu cổ phiếu công ty mẹ VIC cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Với mức giá bán 113.000 đồng/cp, VinCommerce có thể thu về hơn 5.800 tỷ đồng.

Có lẽ vì vậy, tại thời điểm sáp nhập, ông Nguyễn Đăng Quang đã tự tin khẳng định, VinCommerce, VinEco sẽ hết lỗ ngay năm 2020 và bắt đầu có lãi từ năm 2021?

Trong năm 2020, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đặt kỳ vọng, Vincommerce sẽ mang về 42.000 tỷ doanh thu, tăng 61,5% so với năm 2019. Trong đó 17.000 tỷ đến từ chuỗi siêu thị Vinmart và 25.000 tỷ còn lại đến từ các cửa hàng Vinmart+. Masan cũng đưa ra mục tiêu chuỗi siêu thị sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh, tiến đến lỗ 3% hoặc hòa vốn trong năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem