dd/mm/yyyy

Săn ong rừng miền biên viễn

Khi những cánh rừng cao su ở các huyện biên giới Bình Phước bắt đầu trổ hoa trắng xóa, cũng là lúc từng đàn ong rừng ở khắp nơi đổ về làm tổ…

Khi những cánh rừng cao su ở các huyện biên giới Bình Phước bắt đầu trổ hoa trắng xóa, cũng là lúc từng đàn ong rừng ở khắp nơi đổ về làm tổ…

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 1.

Tổ ong nằm cheo leo trên ngọn cây. Ảnh: Trần Trung.

Miễn dịch với nọc độc

“Dị nhân” bắt ong rừng Phùng Minh Tuấn nhà ở ở thôn 3, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước.

Có tên gọi đó, bởi lẽ, anh Tuấn vừa có khả năng đọc được đường đi và vị trí ong rừng làm tổ, vừa có khả năng miễn dịch khá cao với nọc đọc của ong.

Để được mục sở thị cách bắt ong, sau nhiều ngày tiếp cận, cuối cùng, chúng tôi mới được anh Tuấn đồng ý dẫn vào rừng cao su để lấy mật.

Gần 12h trưa nhưng trong rừng cao su thời tiết khá mát mẻ. Sau khi đã hoàn tất mọi công việc cạo mủ, trút mủ giao về nông trường cũng là lúc anh Tuấn chuẩn bị hành trang đi săn mật ong.

Theo quan sát của chúng tôi, khác với việc bắt ong trong các khu rừng rậm, việc bắt ong trong rừng cao su có vẻ dễ dàng hơn nên công cụ bắt ong cũng khá đơn giản, chưa tới 10 phút chuẩn bị với các dụng cụ như 1 thùng chứa mật, 1 lưỡi liềm, 1 cái nón bảo hộ tự chế là chúng tôi có thể lên đường.

Hai chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe máy chạy men theo con đường mòn đất đỏ gập ghềnh giữa những hàng cao su thẳng tắp, khoảng chừng 10km chúng tôi đến địa điểm lấy mật.

Trong lúc tôi chưa biết tổ ong nằm ở phía nào, anh Tuấn đảo mắt vài cái đã chỉ tay về hướng một cây cao su cao chót vót nằm ngay bìa rừng. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy một tổ ong có đường kính khoảng 20cm lấp ló dưới tán lá, treo lơ lửng trên cành cao su.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 2.

Anh Tuấn chuẩn bị dụng cụ để bắt ong. Ảnh: Trần Trung.

Vừa thu gom các cành củi khô và những cành cây tươi để chuẩn bị đuốc tạo khói bắt ong, anh Tuấn cho biết, anh gắn bó rừng cây cao su và vùng đất biên giới Bù Đốp từ những ngày còn nhỏ nên khu vực nào ong mật hay về làm tổ anh đều thuộc như lòng bàn tay.

Theo anh Tuấn, muốn biết khu vực nào có ong mật chỉ cần tìm đến những nơi có nước như khe suối, bưng, bàu. Bởi ở đó, ong thường đến chấm nước (uống nước) rồi bay về hướng tổ. Do vậy, ta chỉ cần nhìn theo hướng ong bay là có thể tìm đến tổ của chúng.

“Song, trên thực tế cách làm trên chỉ là kinh nghiệm, có ong hay không còn phải trông mong vào vận may bởi không phải khu vực nào có nước cũng có ong”, anh Tuấn nói.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 3.

Nón bảo hộ tự chế và áo khoác là 2 công cụ buộc phải trang bị khi bắt ong rừng. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, với đôi tay trần, nhanh như sóc anh Tuấn đã trèo lên tới ổ ong cách mặt đất chừng 6m.

Trước khi lấy mật anh Tuấn không quên dặn dò: “Ong này thuộc loại ong khoái, một trong những loại ong có nọc độc rất mạnh, người không quen chỉ cần bị đốt vài phát có thể bất tỉnh, dẫn đến tử vong. Khi tôi đưa đuốc vào, khói từ ngọn đuốc sẽ khiến ong bị ngạt khói và tỏa ra nên mọi người phải cẩn thận”.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 4.

Mọi công tác chuẩn bị hoàn tất. Ảnh: Trần Trung.

Ngay sau đó, một tay bám thân cây, tay còn lại anh Tuấn cầm lưỡi liềm nhẹ nhàng cắt phần sáp chứa mật cho vào xô.

Bị tác động, theo phản xạ tự nhiên, đàn ong đen kịt bám quanh người anh Tuấn để tấn công hòng tranh lại phần mật, thế nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo nên anh Tuấn không hề hấn gì, mọi việc diễn ra rất nhanh gọn.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 5.

Leo cây là việc nguy hiểm nhất. Ảnh: Trần Trung.

Nghề săn ong rừng tuy là việc làm mang tính thời vụ nhưng với những người công nhân cạo mủ nơi biên giới thì nó là “cứu cánh” để họ lo cho miếng cơm manh áo hàng ngày, nhất là hiện nay giá mủ cao su xuống thấp kéo theo lương công nhân cũng sụt giảm rất nhiều.

Anh Tuấn cho biết thêm, khi mới bước chân vào nghề cũng như bao người khác anh đối mặt rất nhiều hiểm nguy, bị ong đốt như ăn cơm bữa.

Có lẽ vì bị đốt thường xuyên nên cơ thể anh đã miễn dịch với nọc độc.

“Trước đây chỉ cần bị ong đốt một mũi là cả cơ thể sưng phù, thế nhưng bị đốt riết quen, giờ chúng có đốt 10 mũi thì người tôi vẫn không bị gì.

Tuy vậy mình cũng không thể chủ quan, như tổ ong vừa rồi chỉ cao 6m, nhiều ổ nằm trên ngọn cây cả 30m, nếu chủ quan để ong đốt quá nhiều lỡ buông tay thì mất mạng…”, anh Tuấn thổ lộ.

Nghề tay trái

Theo người dân địa phương, mặc dù săn bắt lấy mật ong rừng cho thu nhập khá cao, nhưng đây chỉ là nghề tay trái bởi thông thường vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, khi tiết trời khô ráo ong mới về  đây làm tổ.

Đến mùa mưa, đàn ong sẽ bay đi tìm nơi khác để trú ngụ và cũng là lúc thợ săn ong cất giữ đồ đạc, tập trung vào công việc thường nhật.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 6.

Ong bay loạn xạ khi anh Tuấn tiếp cận và hun khói. Ảnh: Trần Trung.

Cầm xô chứa sáp ong óng ánh mật ngọt trong tay, anh Tuấn cho biết, gia đình anh thuộc hộ cận nghèo của thôn, một mình anh lao động chính nuôi 4 miệng ăn. D

o không có đất sản xuất nên ngoài thời gian đi làm công nhân cạo mủ cao su cho nông trường thì việc đi bắt ong được anh và khá nhiều công nhân ở đây lựa chọn.

Với tổ ong vừa bắt được cho tầm 2 lít mật, anh đã kiếm thêm được không dưới 1 triệu đồng, đủ gia đình xoay sở trong nửa tháng.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 7.

Thành quả gần 2 lít mật thu được với giá bán trên 1 triệu đồng. Ảnh: Trần Trung.

Cũng là một trong những thợ chuyên săn mật ong rừng, anh Nguyễn Văn Thủy (gần nhà anh Tuấn) cho biết, nghề bắt ong tuy không ổn định nhưng công việc lại nhàn và có thể làm vào bất cứ thời gian nào mà không áp lực.

Thông thường vào mùa ong cũng là lúc cao su thay lá nên công việc ít, từ đó lương công nhân cũng không cao, mỗi tuần chỉ cần bắt được một tổ ong rừng có thể thu nhập bằng cả tháng lương, đến khi hết mùa mật là vào mùa cạo anh Thủy lại tập trung vào công việc làm công nhân cạo mủ.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 8.

Sáp ong. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết, Thiện Hưng là xã thuần nông với dân số trên 13 ngàn người.

Ngoài những gia đình có đất canh tác, đa phần là công nhân cạo mủ cho các nông trường cao su. Vào những tháng giao mùa công nhân được nghỉ khai thác mủ để vườn cây phục hồi, chúng tôi cũng khuyến khích công nhân tìm công việc làm thêm để cải thiện thu nhập.

Trong đó, một bộ phận anh em công nhân chọn việc săn bắt mật ong để mưu sinh. Bên cạnh giám sát công tác lấy mật đảm bảo nguyên tắc phòng cháy chữa cháy, khi mùa khai thác mủ bắt đầu, chúng tôi cũng yêu cầu công nhân quay lại làm việc để đảm bảo sản xuất cho đơn vị và ổn định đời sống công nhân.

Săn ong rừng miền biên viễn - Ảnh 9.

Chiếc nón bảo hộ găm đầy vết ong đốt khiến ai nhìn thấy cũng lạnh người. Ảnh: Trần Trung.

Trần Trung