dd/mm/yyyy

Rừng Lai Châu thêm xanh từ một chính sách

Với tính nhân văn sâu sắc, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân tỉnh Lai Châu. Nhờ chính sách nhân văn đó mà những cánh rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển xanh tốt.

Thực hiện tốt chính sách

Ông Nguyễn Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Lai Châu, cho biết: Năm 2012, Quỹ BVPTR tỉnh Lai Châu được thành lập và đi vào hoạt động. Để chính sách chi trả DVMTR sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao, Quỹ BVPTR đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Song song với thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Quỹ BVPTR Lai Châu chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tập trung xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR hằng năm, đảm bảo sát với thực tế.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 1.

Công tác giữ rừng, bảo vệ rừng ở Lai Châu đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.

"Để có tiền chi trả kịp thời cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng, hàng năm, Quỹ BVPTR Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tiếp nhận tiền ủy thác chi trả DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh. Còn đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh, thì ngoài việc đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, Quỹ BVPTR Lai Châu thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị kê khai và nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR, đảm bảo đúng thời gian quy định. Đến nay, Quỹ BVPTR Lai Châu đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 24 đơn vị (các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh và công ty cổ phần nước sạch Lai Châu) sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh" – ông Lịch thông tin.

Căn cứ số tiền DVMTR thực thu và kết quả xác định diện tích cung ứng DVMTR hằng năm, Quỹ BVPTR Lai Châu tập trung xác định và thông báo chi tiết số tiền chi trả DVMTR đến từng chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và UBND các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR Lai Châu còn cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc các Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thiện hồ sơ chi trả gửi về đơn vị. Chỉ tính riêng năm 2019, Quỹ BVPTR Lai Châu đã chi trả gần 542 tỷ đồng tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR theo đúng quy định.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 2.

Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng.

"Việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác bảo vệ phát triển rừng đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng và nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tổng số hộ tham gia nhận hợp đồng bảo vệ rừng là 78.754 hộ. Thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/hộ là nguồn thu nhập đáng kể để người dân hăng hái tham gia bảo vệ rừng. Qua đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh" – ông Lịch nhấn mạnh thêm.

Nhân lên màu xanh của rừng

Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm giữ rừng, phát triển rừng của người dân các xã, bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu được nâng lên rõ rệt. Người dân trong tỉnh không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có mà còn tích cực khoanh nuôi và trồng mới rừng.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 3.

Những cánh rừng ở tỉnh Lai Châu ngày càng xanh tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Tống Văn Hoàn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè (Lai Châu), cho biết: Mường Tè là huyện đứng đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng. Trước đây, phần vì chưa hiểu rõ giá trị của rừng, phần vì quen với lối sống du canh, du cư cộng với đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều hộ dân ở các xã trong huyện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thường phá rừng làm nương rãy. Tình trạng người dân đốt nương rẫy làm cháy lan vào rừng cũng diễn ra khá phổ biến... khiến những cánh rừng trên địa bàn huyện thường xuyên "rỉ máu".

"Kể từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, ý thức giữ rừng, phát triển rừng của người dân các xã, bản trong huyện đã được nâng lên rất nhiều. Tình trạng chặt phá rừng làm nương rãy hay khai thác gỗ trái phép đã giảm hẳn. Vài năm gần đây, trên địa bàn huyện hầu như không có vụ cháy rừng nào xảy ra.  Được chăm sóc, bảo vê, những cánh rừng trong huyện ngày càng phát triển xanh tốt" – ông Hoàn nhấn mạnh.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 4.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu ngày càng tăng lên, đến nay đạt trên 50,16%

Cũng giống như ở huyện Mường Tè, diện tích rừng ở các huyện, thành phố khác của tỉnh Lai Châu cũng được chăm sóc, bảo vệ tốt. Hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu đều tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tới cộng đồng các bản, tổ dân phố. Các bản, khu phố trong tỉnh không chỉ thành lập tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, mà còn đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước.

Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, màu xanh trên những cánh rừng của tỉnh Lai Châu ngày càng nhân lên. Số vụ phá rừng, cháy rừng, vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng đã giảm mạnh. Trên địa bàn tỉnh không còn tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2011, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh chỉ đạt 41,6%, thì đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 50,16%. 

Thanh Ngân