Rơi vào cảnh trắng tay, suy sụp vì mang trọng bệnh

Nguyễn Duyên (Dòng đời) Thứ tư, ngày 12/11/2014 07:00 AM (GMT+7)
Bị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn đang giằng xé từng ngày, từng giờ, thể trạng ngày càng héo hắt. Những vật dụng có giá trị trong nhà lần lượt ra đi nhưng bệnh tình của chị vẫn ngày càng nặng. Rồi đây gia đình chị không biết còn có thể bán được cái gì để chị tiếp tục chữa bệnh khi căn nhà đã trống huơ trống hoác. 
Bình luận 0
Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình anh Trần Trọng Dần sinh năm 1962 xóm Bình Hưng, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 11.2013 vợ anh là chị Phạm Thị Hường (SN 1973) thấy đau nhức khắp người sau khi uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ chị đi khám tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thì được bác sỹ chuẩn đoán bị ung thư vú. Sau đó chị ra Hà Nội khám bác sỹ kết luận chị bị ung thư vú giai đoạn cuối. 
img Vợ chồng anh Dần trong căn lều trống trải. (Ảnh: Nguyễn Duyên)
Từ khi chị phát hiện bệnh, gia cảnh anh chị vốn đã khốn khó lại càng lâm vào cảnh bần hàn hơn. Mọi thứ có giá trị trong gia đình cứ lần lượt đội nón ra đi.  Để có tiền cho vợ đi chữa trị bệnh, căn nhà gỗ vừa dựng lên chưa được bao lâu anh đành phải bán với giá 22 triệu đồng, tiền bán nhà cũng hết, đến lượt con trâu cày duy nhất của gia đình cũng phải bán với giá 35 triệu đồng để chị có tiền đi bệnh viện, rồi tiền thuốc men. Mỗi đợt điều trị khoảng 20 ngày và mỗi ngày phải nộp 2 triệu đồng chưa kể tiền ăn, người đi cùng phục vụ. Khi không còn gì để bán gia đình đã phải vay 30 triệu từ Ngân hàng chính sách huyện Hương Khê đó là chưa kể số tiền vay của anh em làng xóm…
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về  địa chỉ nhà anh Dần  hoặc Báo Nông thôn Ngày nay, 13 Thuỵ Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117 Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp& phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội.
Thế nhưng bệnh tình chị Hường ngày càng nặng, cả gia đình 5 người giờ tá túc trong căn lều lợp bằng Broximang, những cây cột nhà cũng xiêu vẹo, nền đất nhấp nhô, vật dụng trong nhà không có thứ gì đáng giá ngay cả tấm rèm che sương che gió cũng không có. Với anh chị tài sản duy nhất là 3 đứa con khi chúng đều chăm ngoan học giỏi”. 

Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nhưng cũng bấp bênh phụ thuộc vào thời tiết. Những lúc nông nhàn anh tranh thủ đi làm thợ phụ hồ kể kiếm tiền cho các con đóng tiền học. Từ khi vợ đổ bệnh phải đi hết bênh viện Hà Nội rồi bệnh viện Trung ương Huế việc ruộng đồng bỏ bê. Ngày chị đổ bệnh người con trai  không may cũng bị ngã gãy tay. Gia đình anh chị càng khó khăn hơn khi đầu năm 2014 anh lại bị thoát vị đĩa đệm và vôi hóa đốt sống cổ. Từ một trụ cột, là lao động chính của gia đình nhưng giờ anh không thể làm được những việc nặng nhọc, cuộc sống khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Chị Hường giờ chỉ nằm một chỗ một tay bị teo dần còn một tay lại bị sưng nề và đau nhức suốt ngày đêm. Giờ đây mỗi bữa chị cũng chỉ ăn được một thìa cháo. Còn anh Dần khi phát hiện bệnh nhưng không có tiền đi viện nên đành ở nhà chịu đựng nỗi đau. Gần một năm chị bị đau những chỗ có thể vay được anh đã vay, anh chị em ai cũng khó khăn không giúp đỡ được là bao. Rồi đây anh chưa biết xoay xở ở đâu để có tiền cho vợ đi điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế.

Chị Trần Thị Hợi - trưởng thôn Bình Hưng cho biết: Hoàn cảnh gia đình anh Dần chị Hường rất đáng thương. Vợ bệnh tật nguy nan bao nhiêu tài sản có giá trị đều đã bán sạch nhưng sự sống cũng chẳng biết còn kéo dài được bao lâu còn anh Dần giờ đau ốm nhưng đành ở nhà. Bà con chòm xóm, các đoàn thể ở địa phương cũng đã đến thăm hỏi, động viên giúp đỡ anh chị nhưng chủ yếu cũng chỉ là tinh thần còn vật chất cũng chẳng được là bao.Thông qua báo Dòng Đời, rất mong các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình anh Dần vượt qua khó khăn, vơi bớt nỗi đau bệnh tật, để 3 người con của họ vẫn được cắp sách đến trường.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem