Rổ thực phẩm của người Việt: Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo người Việt tiêu thụ thịt lợn tăng gấp 5 lần

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 24/06/2020 09:52 AM (GMT+7)
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Quốc hội ngày 13/6 về sự bất hợp lý trong rổ thực phẩm của người Việt, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Theo ông Tuyên, người Việt đang tiêu thụ thịt lợn nhiều gấp 5 lần so với trước.
Bình luận 0
Người Việt tiêu thụ thịt lợn nhiều gấp 5 lần so với năm 1985 - Ảnh 1.

GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trên quan điểm của một chuyên gia dinh dưỡng, rổ thực phẩm của từng gia đình người Việt đã thực sự cân bằng chưa, thưa ông?

- Theo quan điểm của các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn hợp lý là bữa ăn đa dạng, có nhiều loại thực phẩm và với tỷ lệ thích hợp.

Tuy nhiên, có một xu hướng hiện nay ở các gia đình cả ở nông thôn và thành thị là đang sử dụng các loại thịt nhiều hơn cá, tôm, cua, hải sản, điều này về lâu dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010, lượng thịt tiêu thụ của người Việt đã tăng lên gấp 5 lần so với năm 1985, ngược lại mức tiêu thụ cá lại ở mức trung bình thấp, chỉ 50g/ngày. Tỷ lệ sử dụng cá trên 3 lần một tuần còn thấp. 

Nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo sự cân bằng thì có thể gây ra những tác động gì, thưa ông?

- Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư,…đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm. 

Ở Việt Nam các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất, chiếm 73% các trường hợp.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh mạn tính không lây ngày càng nhiều là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên.

Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản) và chất đạm thực vật (đậu  đỗ, vừng, lạc). 

Để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng và phòng bệnh tim mạch, bệnh mạn tính không lây, bữa ăn nên phối hợp cả hai nguồn đạm động vật và đạm thực vật, nên tăng cường sử dụng cá và thực phẩm nguồn thủy hải sản.

Người Việt tiêu thụ thịt lợn nhiều gấp 5 lần so với năm 1985 - Ảnh 2.

Theo GS. TS Lê Danh Tuyên, cần ăn đa dạng 5 - 8 nhóm thực phẩm. Ảnh: I.T

Hiện, trong bữa ăn của nhiều gia đình người Việt, thịt lợn vẫn chiếm đa số do dễ ăn, dễ chế biến. Ông có lời khuyên gì cho từng gia đình trong bối cảnh thịt lợn đang rất đắt đỏ?

- Để cung cấp đủ chất các chất dinh dưỡng cho cơ thể, bữa ăn gia đình cần có thực đơn đa dạng hợp lý, luôn thay đổi món ăn, đa dạng các thực phẩm cung cấp chất đạm (mỗi bữa ăn nên có ít nhất 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm từ các loại thịt, cá, trứng, sữa, thủy hải sản và các loại hạt).

 Thực phẩm nguồn thủy hải sản ngoài cung cấp chất đạm còn cung cấp những chất dinh dưỡng rất quý cho cơ thể: Tôm, cua, cá đồng là nguồn cung cấp canxi quan trọng cho cơ thể. Thủy hải sản có nhiều omega và một số chất dinh dưỡng quan trọng khác.

Cơ thể chúng ta hàng ngày cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. 

Do mỗi loại  thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng (ít nhất có 5 trong 8 nhóm thực phẩm, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc) và phối hợp nhiều loại thực phẩm (10-15 loại thực phẩm). 

Vậy theo ông, thế nào là một bữa ăn hợp lý?

Bữa ăn hợp lý là bữa ăn đa dạng  từ 8 nhóm thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:

Nhóm 1 - lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.

 Vitamin B1 thường nằm ở lớp vỏ ngoài của hạt gạo, nếu gạo xay sát quá kỹ sẽ làm vitamin này giảm đi đáng kể. 

 Nhóm 2 - nhóm hạt các loại: Đậu, đỗ, vừng, lạc là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể. 

 Nhóm 3 - nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi.

 Nhóm 4 - nhóm thịt các loại, cá và hải sản cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Các thực phẩm  này thường có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. 

 Nhóm 5 - nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý.

 Nhóm 7 - nhóm rau củ quả khác như su hào, củ cải cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. 

 Nhóm 6 - nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu. Các loại rau, quả có màu vàng đỏ có nhiều β-caroten (tiền vitamin A). 

Các loại rau có màu xanh đậm như  rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay có nhiều vitamin C, sắt và canxi. 

Cần lưu ý là vitamin C sẽ bị mất mát khi rau bị dập nát, vì thế, nên sử dụng rau tươi, nấu xong ăn ngay là cách tốt nhất để bảo toàn lượng vitamin C trong rau. Rau củ còn là nguồn cung cấp chất xơ quý, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch. 

 Nhóm 8 - nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Nên ăn phối hợp cả dầu và mỡ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem