dd/mm/yyyy

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh về diện tích mặt hồ sông Đà, những năm qua huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã có nhiều chính sách thúc đẩy nuôi cá lồng lòng hồ sông Đà. Huyện đã có nhiều giải pháp tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập ổn định.

Với hơn 10.000 ha mặt nước hồ, trong những năm qua các cấp, các ngành huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch lòng hồ. Trong đó có giải pháp khai thác, sử dụng mặt nước lòng hồ để nuôi thuỷ sản nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân, nhất là người dân tái định cư công trình thuỷ điện Sơn La.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đang trở thành phao cứu sinh giúp nhiều nông dân có nguồn thu nhập cao.

Khởi nghiệp từ 2 lồng cá từ 2012 đến nay, ông Lềm Văn Kiểm, bản Bung (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã có 20 lồng cá và có cuộc sống khấm khá. Ông Kiểm cho biết: "Lúc đầu mới chuyển sang nuôi cá lồng, tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, nên cá phát triển chậm, thường xảy ra dịch bệnh. Sau đó, rất may mắn tôi được tham gia các lớp tập huấn của phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng. Nhờ vậy mà tôi đã nắm được kiến thức và các bước chăm sóc cá. Từ đó cá lồng của gia đình tôi lớn nhanh và khỏe mạnh, ít khi bị dịch bệnh như trước đây.

Để mở rộng mô hình và tăng cao nguồn thu nhập cho gia đình, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 80 triệu đồng mua cá giống, thức ăn, xây dựng lồng bè. Hiện nay gia đình tôi đã có 20 lồng cá với đủ các loại như: Cá lăng, rô phi, nheo, trắm cỏ... ngoài thức ăn hỗ hợp cho cá lúc mới thả, các hộ gia đình có thể cho cá ăn bằng cỏ voi, thân chuối, rau xanh, tôm tép trên sông. Tôi nuôi theo phương pháp gối nên lúc nào cũng có cá bán, mỗi vụ xuất bán cá tôi thu nhập gần 200 triệu đồng".

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 2.

Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có gần 7.000 lồng nuôi cá.

Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, nhiều năm qua các cấp lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vay vốn ngân hàng chính sách. Huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức và công nghệ nuôi cá lồng cho các nông hộ. Đồng thời phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua sản phẩm cho người dân với giá cả hợp lý và ổn định. Đồng thời huyện Quỳnh Nhai còn tập trung xây dựng và quảng bá cá sông Đà ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng khuyến khích bà con nuôi và thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, thả cùng lúc để luôn đảm bảo cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 3.

Theo người dân sinh sống ven lòng hồ sông Đà, huyện Quỳnh Nhai cho biết, nghề nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn so với làm nương rẫy.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho hay: Để phát huy nhưng lợi thế, thể mạnh về diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cơ cấu con giống hợp lý, đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản. Ngoài các con giống bản địa, truyền thống, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tham mưu và đưa các giống mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao năng suất sản lượng và giá trị sản phẩm. Tiếp tục mở rộng vùng nuôi tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, thực phẩm. Song song với đó, huyện chú trọng chứng nhận lồng nuôi cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Qua đó giúp người nông dân yên tâm, gắn bó với nông nghiệp và nghề nuôi cá lồng, góp phần giảm nghèo và tăng nguồn thu nhập cho bà con.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 4.

Nhiều năm qua huyện Quỳnh nhai luôn tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập ổn định.

Theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh Sơn La thông qua đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu phát triển kinh tế vùng hồ các thủy điện, trọng tâm hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết, đồng bộ, với các vùng kinh tế trong tỉnh. Khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ. Để thực hiện đề án này, Ban Thường vụ tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về khai thác tiềm năng các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh (Ban Chỉ đạo 63) với nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết sách các chính sách liên quan đến lòng hồ.

Sau hơn 4 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo 63 tỉnh Sơn La đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, các huyện trong vùng lòng hồ, trong đó có huyện Quỳnh Nhai bám sát nội dung, từng bước hoàn thành các nhiệm vụ của đề án. Đến nay, việc nuôi cá lồng và khai thác thủy sản trên lòng hồ được chú trọng, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai thực hiện các mô hình phát triển cá lồng và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 5.

Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai chủ yếu nuôi các loại cá như: Diêu hồng, rô phi, chép, trắm cỏ, lăng...

Tận dụng lợi thế hơn 10.000 ha lòng hồ sông Đà, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ nguồn vốn của chương trình 30a để phát triển nuôi cá lồng tại địa bàn 8 xã: Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng... Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ việc nuôi cá lồng. Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng đang là pháo cứu sinh trong công cuộc giảm nghèo ở các xã vùng cao huyện Quỳnh Nhai. Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến hết 2020 sản lượng thủy sản đạt khoảng 2.500 tấn.

Anh Lò Văn Sơn, bản Đồng Tâm (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai) thu nhập gần 350 triệu đồng/năm từ việc nuôi cá lăng trên lồng bè. Anh Sơn cho biết: Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của huyện, tôi được tham gia nhiều lớp tuấn kỹ thuật chăm sóc cá lồng. Sau đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lăng trên 30 lồng, tôi nuôi theo kiểu gối nên lúc nào cũng có bán. Tôi thấy nuôi cá nhàn hơn với các nghề chăn nuôi khác, chi phí chăn nuôi rẻ, mà thu nhập lại cao. Từ khi nuôi cá lăng đến nay, tôi đã có cuộc sống khấm khá và ổn định hơn so với thời gian làm nương ngô.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với gần 7.000 lồng cá, 11 hợp tác xã trồng trọt, 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Ngoài ra, huyện Quỳnh Nhai còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La đầu tư phát triển hạ tầng du lịch lòng hồ sông Đà; Công ty cổ phần dệt may Sơn La đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong huyện. Đồng thời, huyện Quỳnh Nhai còn hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện địa phương, như xoài, nhãn, bưởi Da Xanh.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 6.

Huyện Quỳnh Nhai phấn đấu đến hết năm 2020, sản lượng cá đạt khoảng 2.500 tấn.

Để cụ thể hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đối với nghề nuôi cá lồng lòng hồ, những năm qua huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Việc tổ chức các hoạt đồng này đã thu hút đông đảo bà con nông dân, hợp tác xã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân. Để phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa và có chiều sâu, UBND huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp với các khối đoàn thể tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, mạnh dạn đưa cây con giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào canh tác.

Quỳnh Nhai: Phát huy tiềm năng thế mạnh lòng hồ sông Đà - Ảnh 7.

Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai luôn quan tâm và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Trong đó, có phát huy tiềm năng thế mạnh nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai được biết, để phong trào thi đua phát triển kinh tế có sức lan tỏa, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ hộ gia đình, HTX phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với với điều kiện đất đai. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con nhân dân.

Huyện tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia xây dựng HTX, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm. Tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho các người dân. Khuyến khích động viên và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới, mô hình làm ăn mới hiệu quả, đem lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo tại các cơ sở.

Hà Hoàng