dd/mm/yyyy

Quảng Ninh: Thuận vợ thuận chồng, ông Thuận trồng cây, quả sạch thu nhập cao

Sở hữu vùng đất màu mỡ, vợ chồng ông bà Phạm Văn Thuận, Phạm Thị Huệ (thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng theo hướng nông nghiệp sạch, cho năng suất cao.

Vốn là nghệ nhân trồng cây cảnh lâu năm, năm 2020, vợ chồng ông bà Phạm Văn Thuận, Phạm Thị Huệ quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua cây giống, trồng 250 gốc mai giảo Thủ Đức, 200 cây mãng cầu Thái cùng các loại cây ăn quả khác, như: mít Thái, bưởi da xanh…

Khi “mầm xanh” đã bắt đầu bén rễ, cây cao gần vai người và “giấc mơ” về vườn cây ăn trái kết hợp du lịch kiểu miệt vườn Nam bộ đang dần thành hình hài thì đợt lũ tháng 10 năm 2020 đã cuốn đi của ông bà gần như tất cả. Hơn 2/3 số cây trong vườn bị vùi trong lũ dữ, bật trơ gốc.

Gượng dậy sau trận lũ dữ, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông bà bắt tay dựng lại những gốc cây còn sót lại và chọn trồng mướp đắng xen vụ.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Huệ chia sẻ: "Mướp đắng là loại cây dễ trồng lại có sức sống khá dẻo dai, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, vừa không yêu cầu nhiều về công chăm sóc. Hạt giống sau khi được ủ, ươm hom sẽ được đóng bầu, đợi khi cây đã phát triển, cao tầm 10cm thì đem ra trồng. Sau khoảng thời gian từ 3-4 tháng, cây sẽ cho thu hoạch".

Quảng Ninh: Thuận vợ thuận chồng, ông Thuận trồng cây, quả sạch thu nhập cao - Ảnh 1.

Mô hình trồng mướp đắng sạch của gia đình bà Phạm Thị Huệ (thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, vườn mướp đắng của gia đình bà Phạm Thị Huệ được trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và được bón hoàn toàn bằng phân chuồng.

Để phòng ngừa bệnh cho cây trồng, vợ chồng bà Huệ đã xử lý vôi bón trong đất, thực hiện phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học, như: gừng, tỏi, ớt..., nên mướp đắng vừa có độ giòn ngon, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Cũng theo bà Huệ, mướp đắng muốn sinh trưởng, phát triển tốt cần phải giữ được độ ẩm thường xuyên. Chính vì vậy, vợ chồng bà đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel và tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương, như: tre, nứa, để làm giàn và hệ thống lưới che.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên mướp đắng tại vườn của gia đình bà Phạm Thị Huệ quả to đều và được các thương lái ưu tiên lựa chọn thu mua. Thời kỳ cao điểm, bà nhập cho thương lái 1,5 tạ/ngày với mức giá từ 20.000 đến 25.000/kg.

Nhận biết được mướp đắng rất tốt cho sức khỏe, giúp thanh lọc cơ thể, mát gan, giải độc và phòng chống ung thư, bệnh tiểu đường, cao huyết áp…, bên cạnh các sản phẩm tươi, hiện gia đình bà Phạm Thị Huệ đã mạnh dạn thử nghiệm sấy khô, chế biến sản phẩm thành trà mướp đắng với giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với mướp đắng tươi thông thường.

Cũng theo bà Huệ, mướp đắng sấy khô dạng trà bảo quản được lâu, dễ sử dụng nên được rất nhiều người tiêu dùng yêu thích, đặt hàng.

Hiện trên diện tích vườn 1,4ha, ngoài 6.000m2 dành riêng trồng cây mướp đắng, vợ chồng bà Huệ còn trồng thêm khoai lang tím giống Nhật, mướp ngọt, bầu, bí đao và một số loại cây ăn trái, như: xoài Thái, mít Thái theo hướng nông nghiệp sạch, hứa hẹn cho năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, xã Võ Ninh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 100ha diện tích đất lầy thụt, trồng lúa năng suất thấp sang phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, điển hình như mô hình nông nghiệp sạch của vợ chồng bà Phạm Thị Huệ. Các mô hình chuyển đổi đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét về năng suất, giá trị kinh tế và từng bước giúp Võ Ninh hình thành các vùng sản xuất có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân".

“Từ hiệu quả bước đầu đáng phấn khởi, chúng tôi dự định sẽ trồng thêm mướp đắng vụ hè-thu để có thể thu hoạch trái, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường quanh năm. Về lâu dài, dự định của gia đình vẫn sẽ là phát triển thêm diện tích cây ăn quả để người già, trẻ em trong thôn, xóm có chỗ đi bộ, nghỉ ngơi và thưởng thức cây trái sạch ngay tại vườn”, bà Phạm Thị Huệ chân tình chia sẻ thêm.


Th. Hải