Quảng Ninh không cho phép tách thửa dưới 45m2

17/08/2021 18:47 GMT+7
Quảng Ninh sẽ không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp là đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm... mà diện tích các thửa đất sau khi tách nhỏ hơn 45m2 từ ngày 15/8/2021.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định 39/2021/QĐ-UBND quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở. Trong đó, quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định vừa được phê duyệt, từ ngày 15/8/2021, Quảng Ninh sẽ không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp là đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất có nhà ở; đất trồng cây phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở và tiếp giáp với thửa đất có đất ở hoặc nhà ở đủ điều kiện công nhận đất ở mà diện tích các thửa đất sau khi tách thửa nhỏ hơn 45m2, chiều rộng và chiều sâu nhỏ hơn 4,5 m (không kể diện tích lối đi và phần đất dành cho hạ tầng kỹ thuật…)

Quảng Ninh không cho phép tách thửa dưới 45m2 - Ảnh 1.

Quảng Ninh cấm tách thửa dưới 45m2. (ảnh M.K)

Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (45m2), đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với hợp thửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, quyết định này cũng quy định cụ thể diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp khu vực nhà nước chưa có quy hoạch hoặc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là đất nông nghiệp.

Theo đó, với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, diện tích các thửa đất sau khi tách thửa không nhỏ hơn 500m2; đất nuôi trồng thủy sản không nhỏ hơn 1000m2; đất trồng cây lâu năm không nhỏ hơn 1000m2; đất rừng sản xuất không nhỏ hơn 3000m2.

Theo quyết định trên, Quảng Ninh sẽ không phê duyệt tách thửa đất đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất nông nghiệp trong các trường hợp: Thửa đất đề nghị tách thửa thuộc diện nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm cả trường hợp chưa và đã có thông báo thu hồi đất.

Tuy nhiên, với các thửa đất thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị, các dự án phát triển ở nhà, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở… đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng), việc tách, hợp thửa tuân theo quy hoạch điều chỉnh.

Trước đó, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đề nghị tạm dừng một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai tại 11 xã, phường. Cụ thể, các thủ tục tạm dừng bao gồm: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; tách thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất (đất trồng lúa; trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp khác trừ trường hợp đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở được quy định tại mục điều kiện tách thửa…

Liên quan tới tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, đầu năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về tình trạng phân lô, bán nền tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hòa Bình… Hiện, nhiều địa phương cũng đã thực hiện "lệnh" cấm dồn ô, tách thửa.

Điển hình là tỉnh Bắc Giang - nơi đã từng ghi nhận mức tăng giá kỷ lục về đất đai đã yêu cầu tạm dừng thực hiện việc cho phép chuyển mục đích sử dụng phần đất nông nghiệp trong thửa đất đơn lẻ sang đất ở.

Tiếp đến, tỉnh Lâm Đồng cũng tạm dừng tiếp nhận các hồ sơ tách thửa phát sinh cho đến khi có quyết định điều chỉnh và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở. Luật Đất đai 2013 chỉ quy định tách thửa đất ở tại nông thôn và tách thửa đất ở tại đô thị. Nhưng, tại Nghị định 43 lại quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Quy định này đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… từ đó có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp "bất lương" lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Chính vì vậy HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này vì không phù hợp với pháp luật đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.

Minh Khôi
Cùng chuyên mục