Quảng Ninh: Chi 13 tỷ để tăng giá trị cho vải chín sớm Phương Nam

06/05/2020 18:04 GMT+7
Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP triển khai từ năm 2018 hiện đã thực hiện xong 2 giai đoạn trên diện tích 280ha, với kinh phí thực hiện đến năm 2020 đạt 13 tỷ đồng.

Sáng 6/5, UBND TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam năm 2020.

Tại phường Phương Nam, vải chín sớm được trồng từ năm 1966. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay cây vẫn phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao trên 240 triệu đồng/ha và hiện là cây trồng chủ lực. Vải Phương Nam có ưu điểm: Quả to tròn, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, cùi dày, vị ngọt hơi chua, thơm, nhiều nước, đặc biệt chín sớm hơn các loại vải khác từ 7 đến 30 ngày.

Quảng Ninh: Chi 13 tỷ để tăng giá trị cho quả vải chín sớm - Ảnh 1.

Vải chín sớm Phương Nam luôn bán được với giá cao do quả ngon lại chín sớm hơn.

Những năm gần đây, diện tích vải chín sớm Phương Nam phát triển ổn định. Năm 2020, diện tích đạt trên 372ha, diện tích cho thu hoạch là 320ha, sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Cây vải chín sớm được trồng tập trung tại các vùng quy hoạch như: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng; được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2013.

Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP triển khai từ năm 2018 hiện đã thực hiện xong 2 giai đoạn trên diện tích 280ha, mang lại nhiều kết quả khả quan.

Quảng Ninh: Chi 13 tỷ để tăng giá trị cho quả vải chín sớm - Ảnh 2.

Thương hiệu vải chín sớm Phương Nam đã được xây dựng từ năm 2018. (Ảnh: Hồng Hoàn-Hải Ninh)

Địa phương đã chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP cho 976 hộ dân trồng vải; tổ chức tham quan học tập tại các vùng sản xuất vải tập trung cho cán bộ hội nông dân và 160 hộ trồng vải; hỗ trợ toàn bộ vật tư nông nghiệp thực hiện dự án; xây dựng hệ thống tài liệu, sổ sách ghi chép, lưu trữ hồ sơ liên quan; xây dựng mới 3 nhà sơ chế, 140 bể chứa, 7 nhà thu gom rác thải và vỏ thuốc BVTV trong vùng quy hoạch dự án; 140ha vải đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiếp tục làm thủ tục xét nghiệm mẫu quả đối với diện tích còn lại. 

Nhằm quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, Uông Bí đã tổ chức 2 hội nghị xúc tiến thương mại; thiết kế và in 50.000 nhãn, tem truy xuất nguồn gốc, 2.000 cuộn băng dính có logo tem nhãn sản phẩm... Tổng chi kinh phí thực hiện dự án đến năm 2020 đạt 13 tỷ đồng.

Ngoài kinh phí chi hỗ trợ dự án, từ năm 2017-2020, địa phương cũng chi ngân sách trên 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ phát triển và sản xuất vùng vải chín sớm.

Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí, cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương, trong năm nay TP.Uông Bí sẽ tiếp tục dành nguồn kinh phí mở rộng thêm 140ha trồng vải theo quy trình VietGAP gắn với kiểm soát tốt chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Quảng Ninh: Chi 13 tỷ để tăng giá trị cho quả vải chín sớm - Ảnh 3.

Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ vải và các HTX trồng vải trên địa bàn phường Phương Nam đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm Phương Nam năm 2020. (ảnh: Hồng Hoàn-Hải Ninh)

"Phường Phương Nam phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ vải theo đúng quy trình VietGAP; thực hiện bao gói, đóng tem nhãn đầy đủ; đảm bảo tốt ANTT để hoạt động thu mua vải diễn ra thuận lợi. Phòng kinh tế thành phố kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, đầu mối kinh doanh để tiêu thụ quả vải chín sớm Phương Nam, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao tại địa phương".

Ngay trong ngày 6/5, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ vải và các HTX trồng vải trên địa bàn phường Phương Nam đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm Phương Nam năm 2020.

Hải Long
Cùng chuyên mục