Quảng Ngãi: Cây lạc thế chân lúa, hết cảnh đất bỏ hoang

Mạnh Hùng – Lê Quyên Thứ hai, ngày 07/09/2020 08:01 AM (GMT+7)
Vụ hè thu năm 2019 và 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình trồng lạc (đậu phộng) giống L14 trên đất trồng lúa thiếu nước tưới tại một số xã thuộc huyện Trà Bồng và huyện Nghĩa Hành. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây lạc sinh trưởng tốt, năng suất cao...
Bình luận 0

Hết cảnh bỏ ruộng hoang

Tại xã miền núi Trà Bình, huyện Trà Bồng có khoảng 150ha đất sản xuất lúa, nhưng cứ đến vụ hè thu là lại có tới gần 50ha đất không sản xuất được do thiếu nước. Trước tình trạng nhiều thửa ruộng phải bỏ không lãng phí, vụ hè thu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng triển khai mô hình trồng lạc trên chân đất lúa thiếu nước tưới, sản xuất kém hiệu quả.

Mô hình được triển khai trên quy mô 3ha tại cánh đồng Lẩm, thôn Bình Đông (1ha) và cánh đồng Xoài Chữ, thôn Bình Tân (2ha), với 34 hộ tham gia, nhằm giúp bà con thành thạo quy trình trồng lạc, khai thác tốt tiềm năng đất đai, giảm tình trạng bỏ hoang ruộng suốt mấy tháng trời. 

Theo đó, mô hình sử dụng giống lạc L14 có khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện miền núi Trà Bồng. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và vật tư.

Lạc thế chân lúa, hết cảnh đất bỏ hoang - Ảnh 1.

Tham quan, tổng kết mô hình trồng lạc L14 tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng. Ảnh: Mạnh Hùng

Ông Nguyễn Công Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng cho biết: Tại một số xã miền núi, có nhiều nơi bà con nông dân chỉ trồng được 1 vụ lúa, lợi nhuận cao nhất đạt gần 2 triệu đồng/ha. Trong khi trồng lạc lợi nhuận cao gần gấp 7 lần so với trồng lúa.

Đầu ra của hạt lạc khá ổn định, không những thế, trồng lạc còn trả lại cho đất nguồn dinh dưỡng, thân cây lạc sau khi thu hoạch được ủ để làm phân xanh rất tốt cho đất và lúa vụ sau.

Ông Nguyễn Công Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng cho biết: Vụ hè thu năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt, do vậy thời gian xuống giống phải lùi lại khoảng 20 ngày, đặc biệt là giai đoạn ra hoa đậu quả, nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới lại khan hiếm. 

Để giúp cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, cán bộ kỹ thuật cùng với UBND xã Trà Bình đã hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp như: Tưới nước luân phiên, tưới thấm nhằm tiết kiệm nước.

Nhờ vậy, năng suất cây lạc vẫn đạt bình quân 22 tạ/ha. So với ruộng trồng lúa đối chứng (giống lúa Mã Lâm), mô hình trồng lạc L14 thu lãi cao hơn trên 15,5 triệu đồng/ha.

Ông Đỗ Văn Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bình cho biết: Nếu như không có các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn hiệu quả, bà con sẽ bỏ hoang phí một diện tích đất trồng lúa khá lớn. Tới đây xã sẽ vận động bà con mở rộng diện tích trồng lạc, đồng thời đề xuất với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng và Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thêm các mô hình chuyển đổi cây trồng khác như mè, các loại cây họ đậu như đậu tương, đậu đen, đậu xanh... 

Đây đều là các loại cây trồng chịu hạn tốt, giúp cải tạo đất, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa.

Lạc thế chân lúa, hết cảnh đất bỏ hoang - Ảnh 3.

Nông dân Sơn Tịnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc đạt hiệu quả cao. Ảnh: Mạnh Hùng

Lợi nhuận cao gấp 7 lần cấy lúa

Tương tự, mô hình trồng lạc giống L14 tại xứ đồng Đồng Cây Xanh, thuộc tổ dân phố 1 và xứ đồng Đồng Đất Mạ, tổ dân phố 4, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Trên diện tích 3ha, mô hình có 22 hộ nông dân tham gia.

Thực tế sản xuất cho thấy giống lạc này chịu nắng nóng tốt, so với trồng lúa thì tiết kiệm được rất nhiều nước tưới. Bên cạnh đó, cây lạc L14 còn chống sâu bệnh tốt, năng suất bình quân đạt hơn 25 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 13 triệu đồng/ha (đã trừ 37,5 triệu đồng tiền công lao động).

Ông Nguyễn Tấn Tường - nông dân tham gia mô hình trồng lạc L14 trên xứ đồng Đồng Cây Xanh chia sẻ: "Tôi trồng 3 sào (500m2/sào) lạc, cuối vụ tôi thu hoạch lạc rồi phơi khô được 375kg. Với giá bán 27.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về trên 10 triệu đồng. So với trồng lúa thì trồng lạc cho lãi cao hơn nhiều".

Trong khi ông Nguyễn Văn Tiến - nông dân ở xứ đồng Đồng Đất Mạ thì tỏ ra thích thú với giống lạc L14. 

"Trước đây tôi cũng trồng lạc, nhưng là giống lạc sẻ của địa phương, trái thường bị lép, hạt lạc bị xốp nên thương lái thường chê, khó bán. Trong khi giống lạc này nhổ lên sai trái, hạt căng mẩy. Vụ này tôi trồng 2 sào, áp dụng bón phân chăm sóc đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, thu hoạch được hơn 2,5 tạ".

Lạc thế chân lúa, hết cảnh đất bỏ hoang - Ảnh 4.

Bà con nông dân được tham quan mô hình trình diễn trồng lạc L14 trên đất lúa kém hiệu quả.

Tại huyện Nghĩa Hành, mô hình trồng lạc được Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi triển khai trên quy mô 5ha, 64 hộ tham gia trồng tại xứ đồng thuộc thôn Phú Châu, xã Hành Đức. Thu hoạch cho thấy, mô hình đạt năng suất 26,4 tạ/ha, với giá bán 27.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí (gồm cả công lao động) còn lãi gần 16 triệu đồng/ha. 

Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ được gần 2 triệu đồng/ha.

Ông Võ Văn Vinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành cho biết: Các mô hình đều cho thấy giống lạc L14 rất hợp đất xã Hành Đức. Trồng lạc trên chân đất lúa kém hiệu quả giảm được từ 4 - 5 lần tưới tràn/vụ và lượng nước dùng tưới cho cây lạc giảm từ 50 - 60% so với lúa. Dù thiếu nước song cây vẫn vươn xanh, đẻ cành tốt, sai củ. 

Do đó Trung tâm sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình, nhất là đối với chân đất lúa thiếu nước tưới vụ hè thu nhằm đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng ở địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem