Quảng Nam: Nông thôn đổi thay, đời sống nông dân miền núi Hiệp Đức khấm khá nhờ kinh tế vườn rừng

Đoàn Hồng - Trần Hậu Thứ ba, ngày 14/09/2021 14:40 PM (GMT+7)
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp cho diện mạo nông thôn của huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam có những đổi thay rõ rệt. Từ cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể
Bình luận 0

Làng quê miền núi thay "áo mới"

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho biết, Hiệp Đức triển khai chương trình xây dựng NTM từ năm 2011, lúc đó điểm xuất phát khá thấp, xã đạt cao nhất mới chỉ đạt 2 tiêu chí nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận chung sức, chung lòng của người dân, qua 10 năm xây dựng, giờ đây diện mạo NTM huyện Hiệp Đức đã có những chuyển biến rõ nét.

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, giúp huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam thay đổi diện mạo. Ảnh: Đ.H.

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị được củng cố; bình quân toàn huyện đạt 14,8 tiêu chí/xã, không có xã nào dưới 9 tiêu chí, có 4 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Sau 10 năm xây dựng huyện Hiệp Đức có 6 xã về đích NTM gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Thuận, Hiệp Hòa, Bình Sơn, Quế Bình (hiện nay đã sát nhập thành thị trấn Tân Bình). Giai đoạn 2021-2025 huyện Hiệp Đức phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm Quế Lưu, Thăng Phước và Sông Trà (lũy kế đến năm 2025 là 8 xã).

Phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân; tập trung đầu tư hạ tầng cơ bản đồng bộ, khang trang các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, các thiết chế văn hóa. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM trong 10 năm qua là 110 tỷ đồng (Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh là 96,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 8,3 tỷ đồng; ngân sách các xã và nhân dân đối ứng 5,4 tỷ đồng).

Thời gian qua, huyện đã bê tông hóa được 50km đường; kiên cố hóa gần 20km kênh và 7 đập; sửa chữa, xây mới 3 cầu, 72 cống; xây mới 7 nhà văn hóa xã, 40 nhà văn hóa thôn, 48 khu thể thao xã, thôn; xây dựng 33 phòng học cùng hệ thống tường rào, cổng ngõ...

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Giao thông thuận lợi là"đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế huyện Hiệp Đức phát triển. Ảnh: T.H.

Bên cạnh việc xây dựng NTM thì những năm qua, huyện Hiệp Đức đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhờ vậy đã có nhiều khởi sắc trên lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, mô hình nông nghiệp trọng điểm tạo sức lan tỏa lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có thể nhân rộng.

Về chăn nuôi, huyện Hiệp Đức chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại.

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Huyện Hiệp Đức đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: T.H

Nhiều mô hình kinh tế thu nhập cao

Ông Nghiệp cho biết, điểm sáng trong phát triển kinh tế huyện Hiệp Đức thời gian qua là các mô hình kinh tế vườn, rừng. Về kinh tế vườn, kinh tế trang trại, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại để đầu tư xây dựng mô hình vườn điểm, vườn mẫu.

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Kinh tế vườn rừng là điểm sáng trong phát triển kinh tế huyện Hiệp Đức. Ảnh: T.H.

Xây dựng được 313 vườn mới (bao gồm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh…) với tổng kinh phí hỗ trợ 2,6 tỷ đồng. Hỗ trợ khuyến khích cho 4 gia trại/200 triệu đồng.

Triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, gỗ chứng nhận FSC. Hiện nay đã trồng 1.820 ha, đã cấp chứng chỉ rừng FSC 821 ha. Mỗi năm trồng mới và tái canh rừng trên 2.500 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 1.200 ha/năm, đến nay toàn huyện trồng được 19.001 ha keo nguyên liệu giấy, duy trì 820 ha cao su tiểu điền và 1.955 ha cao su đại điền.

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi heo rừng lai của anh Trần Văn Công ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.H.

Tập trung kêu gọi thu hút 5 doanh nghiệp khảo sát, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Trong đó, có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang trong quá trình hoàn thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức, Công ty An Việt Phát.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Hiệp Đức đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao gồm: tinh bột nghệ núi Hiệp Đức; kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức; nấm bào ngư sấy tẩm gia vị, bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt Hằng Moon; mầm đậu nành nguyên xơ.

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã giải quyết được lao động, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn huyện Hiệp Đức. Ảnh: Phương Đan.

Ông Nghiệp cho biết thêm, để đạt được kết quả trên huyện Hiệp Đức đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thời gian qua, huyện cũng đã kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của các phòng, ban, ngành cấp huyện và các hội, đoàn thể cấp xã về chu trình OCOP thường niên; kỹ năng tuyên truyền - hỗ trợ - tư vấn trực tiếp cho các tổ chức kinh tế tham gia chương trình xung quanh khâu hoàn thiện sản phẩm, lập hồ sơ OCOP; công tác quản lý, triển khai chương trình; cách đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm...

Quảng Nam: Hiệp Đức chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Đánh giá về kết quả Chương trình OCOP, ông Nghiệp cho hay, qua 3 năm triển khai Chương trình OCOP của huyện Hiệp Đức đã nhận được sự quan tâm theo dõi, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện tạo cơ hội cho các chủ thể tham gia thực hiện chương trình có điều kiện trao đổi, giao lưu, học hỏi để hoàn thiện sản phẩm; qua đó, nâng tầm giá trị sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP.

Sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP chủ yếu từ nguồn nguyên liệu địa phương do đó đảm bảo được chất lượng cũng như nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, các sản phẩm được sản xuất từ những nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân nên đảm bảo được lượng tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đồng thời cơ hội được tham gia triển lãm tại các hội chợ, khu thương mại trong và ngoài tỉnh từ đó phát triển thương hiệu của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2021, huyện Hiệp Đức tập trung đầu tư hỗ trợ để xây dựng 5 sản phẩm OCOP mới gồm: thanh cơm gạo lứt Bh.nong, trà Linh Chi túi lọc, nấm rơm sấy khô Bắc An Sơn, chả heo Tân Hiệp, trà thảo mộc Hằng Moon.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem