Quảng Nam: Chọn 9 nơi trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm

28/03/2021 14:06 GMT+7
Tỉnh Quảng Nam đang triển khai trồng thí điểm cây ăn quả có mệnh danh là cây “nữ hoàng” nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì đây là loại cây ăn quả mỗi năm thu đến tiền tỷ...

Ngày 28/3, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã quyết định triển khai trồng thí điểm cây măng cụt (còn gọi là cây nữ hoàng) nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Người dân huyện Tiên Phước đi mua cây giống măng cụt về trồng - Ảnh CTV

"Cây măng cụt là loại cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao, có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Mỹ rất lớn. Trên phạm vi cả nước, măng cụt được trồng nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do tình hình xâm nhập mặn nên diện tích măng cụt ở Miền Nam bị sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn rất lớn nên là cơ hội cho các vùng khác phát triển loại cây này.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cây măng cụt đã được trồng từ lâu tại các huyện trung du của tỉnh như Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức... Thực tế cho thấy cây măng cụt thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa bàn các huyện vùng trung du…", ông Bửu nhấn mạnh.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu (bên trái) cùng ông Đinh Văn Thu (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đang trồng cây măng cụt hưởng ứng tết trồng cây

Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, để có cơ sở đánh giá và nhân rộng việc trồng cây măng cụt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai trồng thí điểm cây măng cụt tại một số địa phương như: Huyện Nông Sơn, huyện Hiệp Đức, huyện Tiên Phước (trừ phía Tây Nam), huyện Đông Giang (trừ vùng phía Bắc và các xã vùng cao); phía đông của các huyện Nam Giang, Bắc Trà My, các xã phía Tây các huyện Quế Sơn, Phú Ninh, Đại Lộc.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Phóng viên Dân Việt khảo sát các khu vườn bán cây giống măng cụt tại huyện Tiên Phước

"Đây là những địa phương có đất đai và khí hậu thích hợp, nhất là đất phù sa, sét pha cát, đất đỏ vàng, nhiều hữu cơ, thoát nước và giữ ẩm, độ pH từ 5,5 - 6,8. Tầng canh tác dày từ 100 cm trở lên.

Trước mắt, năm 2021 trên địa bàn mỗi huyện xây dựng và triển khai trồng từ 3-5 mô hình thí điểm, với quy mô mỗi mô hình có từ 5-10 hộ tham gia (mỗi hộ gia đình trồng từ 5-10 cây) để rút kinh nghiệm trồng và phát triển trong những năm đến.

Vận động nhân dân và chủ động bố trí nguồn ngân sách huyện cũng như lồng ghép các nguồn vốn khác trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân tổ chức triển khai trồng thí điểm cây măng cụt trên địa bàn; qua đó góp phần hưởng ứng thực hiện Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động…", ông Bửu nói thêm.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Nhiều nhà vườn ở huyện Tiên Phước đang phát triển bán loại cây giống măng cụt

Đặc biệt, để phát triển được cây măng cụt trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp, làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam để hỗ trợ trong quá trình trồng thí điểm; khảo sát, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và xây dựng một số mô hình áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất măng cụt, sản xuất cây giống đạt chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Quản lý chất lượng cây giống măng cụt để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sản xuất. Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện thí điểm trồng cây măng cụt trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, đánh giá và định kỳ hằng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo UBND tỉnh.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 6.

Quảng Nam: Chọn 9 địa phương để trồng cây “nữ hoàng”, loại cây cho thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 7.

Năm 2020, sản lượng thu trái măng cụt tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam) ước đạt 200 tấn, doanh thu 30 tỷ đồng - Ảnh CTV

Được biết, trong các loại cây ăn quả được trồng tại Quảng Nam, tỉnh này đặc biệt chú ý đến loại cây măng cụt, đây là loại cây được mệnh danh là cây "nữ hoàng" và nó là loại trái cây cao cấp. Hiện đang được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) đến 150ha.

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho biết: "Cây măng cụt thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng đất đai ở nhiều địa phương trong huyện. Có nhiều ưu điểm, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, hạn hán, gió bão, chu kỳ kinh doanh dài trên 100 năm, thời gian thu hoạch lệch vụ so với cây măng cụt trồng ở các địa phương khác, thường được giá, 100.000-200.000 đồng/kg…

Nhận thấy được giá trị kinh tế của loại trái cây cao cấp này, hiện nhân dân ở nhiều xã đang mở rộng diện tích trồng cây măng cụt trong vườn nhà và mở rộng lên vườn đồi. Tổng diện tích cây măng cụt trên địa bàn huyện 150ha, trong đó nhiều nhất tại xã Tiên Mỹ trên 45ha. Năm 2020, sản lượng ước đạt 200 tấn, doanh thu 30 tỷ đồng. Xã Tiên Mỹ đã xây dựng dự án phát triển cây măng cụt giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 150ha, trở thành xã trọng điểm phát triển cây măng cụt của huyện và cũng là cây chủ lực của huyện chọn để phát triển kinh tế trong nhân dân…".

Trương Hồng
Cùng chuyên mục