dd/mm/yyyy

Quảng bá và tiêu thụ nông sản: Liên kết vẫn là mắt xích quan trọng nhất

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu - Nâng tầm nông sản”. Mục tiêu chương trình nhằm đẩy mạnh liên kết cung cầu, quảng bá nông sản địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19...

Liên kết để đảm bảo quyền lợi giữa các bên

Những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ thì ngành nông nghiệp đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, chúng ta đã xuất khẩu (XK) nhiều loại rau củ quả sang nhiều thị trường lớn; xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu, xây dựng được thương hiệu cho nhiều loại nông sản chủ lực… 

Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng khi giá trị XK đạt thấp. Nhiều ý kiến cho rằng: Sản xuất nông nghiệp cần tập trung nhiều hơn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo hộ thương hiệu quốc gia.

Quảng bá và tiêu thụ nông sản: Liên kết vẫn là mắt xích quan trọng nhất - Ảnh 1.

Bà con xã Na Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) thu hái xoài xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Nga

"Các địa phương cần liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử...".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam

Đồng ý với nhận xét này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho hay: "Thương hiệu chính là yếu tố quyết định sự sống còn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Không những thế nó còn là bộ mặt, uy tín của quốc gia; do đó vấn đề này từ lâu đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình "Thương hiệu Quốc gia" để tạo điều kiện phát triển các thương hiệu chủ lực. Theo đó, hiện có 2 hướng xây dựng thương hiệu, đó là phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia như: Gạo, cà phê, cá tra, tôm, trái cây… đây là những sản phẩm đã mang lại giá trị XK lớn đối với ngành nông nghiệp. Hướng thứ 2 là phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thông qua Chương trình OCOP mà Bộ NNPTNT đã thực hiện từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, hiện tại 70% sản phẩm XK của chúng ta mới chỉ dừng ở khâu sơ chế và giá trị XK thấp, đây chính là điểm yếu cần khắc phục thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các bên".

Về thực trạng nông dân không tiêu thụ được nông sản trong khi nhà máy vẫn thiếu nguồn nguyên liệu; rồi các tiêu chuẩn của Nhà máy đặt ra nhưng nông dân không đáp ứng được, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này chính là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi hộ nông dân, mỗi vùng nguyên liệu tự đặt ra tiêu chuẩn riêng của mình thì không một nhà máy nào có đủ dây chuyền công nghệ chế biến đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng lẻ đó.

"Do đó chúng ta phải có giải pháp tổ chức lại sản xuất, đây là vấn đề vô cùng quan trọng, trong đó phát triển kinh tế hợp tác chính là khớp nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Nông dân có thể sản xuất trên mảnh ruộng của mình nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đề ra; ngược lại khi nông dân đáp ứng được tiêu chuẩn thì doanh nghiệp phải giữ cam kết thu mua đúng giá, đúng số lượng cho nông dân. Để giúp nông dân sản xuất đúng theo yêu cầu Nhà máy thì hệ thống khuyến nông ở các địa phương luôn sẵn sàng trợ giúp nông dân mọi vấn đề kỹ thuật, công nghệ" - ông Lê Quốc Thanh khẳng định.

Cách làm của Sơn La

Chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo XK, tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, định hướng tiêu thụ thông qua XK sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Cùng với đó, tỉnh đã kết nối các hệ thống siêu thị lớn, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Theo ông Công, tỉnh cũng hướng đến sản xuất nông sản theo đơn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tính toán giãn vụ, rải vụ để giảm áp lực về thời vụ và giá cho người nông dân. Hiện, bà con đang tiếp tục và nhận được sự hỗ trợ lớn trong chuyển giao, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông sản. Để được thị trường thế giới đón nhận, điều quan trọng là khâu nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản ngay từ bước đầu phải đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn nhất định.

Chỉ ra những giải pháp quan trọng bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm: Ngành nông nghiệp đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương có sản lượng nông sản lớn để xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản, chủ động tổ chức các buổi kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các địa phương cần liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ rào cản ở các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản.

Tuệ Linh