dd/mm/yyyy

Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nhà nông giảm chi phí, tăng thu nhập

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hay nói rộng ra là sức khỏe cây trồng hoặc quản lý cây trồng tổng hợp là vô cùng quan trọng. Việc đẩy mạnh áp dụng IPM sẽ là chìa khóa để mở rộng và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu khó tính.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NNPTNT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết khóa đào tạo giảng viên IPM (TOT) trên cây lúa vụ mùa năm 2020 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc để góp phần đẩy mạnh chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại các địa phương.

Lần đầu đào tạo giảng viên quốc gia IPM

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): “Chìa khóa” nâng chất nông sản Việt - Ảnh 1.

Trải qua khóa học kéo dài 105 ngày, các học viên được trao giấy chứng nhận và trở thành giảng viên quốc gia đào tạo về IPM tại các địa phương. Ảnh: K.L

"Các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất, từ các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản... đều phải có trách nhiệm gắn kết, có cơ chế dành nguồn lực và phối hợp triển khai áp dụng chương trình IPM".

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Trong năm 2020, Cục BVTV tiến hành tổ chức 2 khóa TOT tại phía Nam và phía Bắc với tổng số 60 học viên, mỗi khóa 105 ngày. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ trở thành giảng viên quốc gia đào tạo về IPM tại các địa phương. 

Với phương pháp TOT – Training of trainers (đào tạo giảng viên), 30 học viên đến từ 12 tỉnh, thành phố phía Bắc là những người có chuyên môn, được các chi cục BVTV, địa phương lựa chọn kỹ để học và về truyền đạt lại cho cấp cơ sở.

Khóa học đã trang bị cho học viên các nội dung chuyên môn sâu về nghiên cứu đồng ruộng, hệ sinh thái, sinh lý cây lúa các giai đoạn, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, sinh vật có ích và biện pháp quản lý, nuôi côn trùng, vòng đời và mạng lưới thức ăn, thuốc BVTV... 

Từ đó, các học viên nắm bắt được quy trình quản lý tổng hợp các loại dịch hại trên cây lúa như: Quản lý sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột hại...; công tác BVTV trong tình hình mới; tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp...

Bà Dương Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết, học viên lớp TOT đã được làm bài kiểm tra đầu khóa với hình thức trắc nghiệm và bằng mẫu vật. "Trải qua 105 ngày đào tạo, các học viên nhìn chung đã tiếp thu được kiến thức, trao đổi, thảo luận và trực tiếp thực hành ngoài đồng ruộng. Đến nay, 100% học viên đã đạt kết quả tốt tại bài kiểm tra cuối khóa" - bà Ngà nói.

Áp dụng IPM theo hướng "sức khỏe cây trồng"

Ông Hoàng Minh Tú - đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng trên thị trường thế giới, ngoài vấn đề về sản lượng, chúng ta phải tích hợp 3 hệ giá trị về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội. IPM là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng để tích hợp các hệ giá trị về chất lượng và môi trường. IPM đã có 30 năm áp dụng ở Việt Nam, thành công của nó đã được chứng minh rồi.

Tuy nhiên, để phát huy được việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong nước và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới thì Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn nữa cho các thị trường khó tính, IPM cần được phát huy và nâng tầm hơn nữa theo hướng sức khỏe cây trồng.

Cùng với lớp đào tạo TOT, Trung tâm BVTV phía Bắc cũng đã phối hợp với UBND 5 xã/thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tổ chức 5 lớp huấn luyện nông dân (FFS), với tổng số 150 nông dân tham gia trên cây lúa vụ mùa năm 2020. Đây cũng chính là nơi để các học viên trực tiếp triển khai tập huấn cho nông dân từ các kiến thức đã học trong khóa đào tạo.

Giảm đầu vào, tăng thu nhập

Học viên Phạm Thị Thanh Tú, công tác tại Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội cho biết, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM giúp nông dân giảm được 40% giống, giảm 1 lần phun thuốc BVTV, giảm lượng phân bón hóa học, tăng năng suất 7,5 tạ/ha (khoảng 12%) và tăng hiệu quả kinh tế trên 13 triệu đồng so với sản xuất theo tập quán địa phương.

Theo chị Tú, đối với nông dân, nhiều khi không kiểm tra đầu ruộng, cứ thấy hàng xóm đi phun thuốc BVTV là cũng phun, hoặc phun theo định kỳ. Còn nếu tuân thủ các nguyên tắc trong chương trình IPM, thì thăm đồng thường xuyên và bảo vệ nguồn thiên địch là chủ yếu.

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): “Chìa khóa” nâng chất nông sản Việt - Ảnh 4.

Việc sử dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae không chỉ giúp giảm chi phí mà còn bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng. Ảnh: K.L

Kết quả tại các điểm thí nghiệm áp dụng chương trình IPM trên lúa vụ mùa 2020 cho thấy, khi áp dụng quản lý hệ sinh thái theo IPM (phun thuốc khi cần thiết), bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng ka-li), lịch bón phân phù hợp..., giúp cây lúa sinh trưởng tốt, trỗ bông đều, năng suất cao hơn phương pháp thông thường mà nông dân áp dụng, đồng thời giảm được chi phí sản xuất...

Đặc biệt, thí nghiệm sử dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae cho thấy, nấm Metarhizium anisopliae có khả năng khống chế được mật độ rầy trên đồng ruộng khi thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn, bảo đảm an toàn hệ sinh thái ruộng lúa.

"Chi phí bỏ ra để mua nấm xanh Metarhizium anisopliae chỉ có 270.000 đồng, còn nếu phun thuốc BVTV thì chi phí hết 800.000 đồng mà hệ sinh thái ruộng lúa lại bị ảnh hưởng" - chị Tú nói.

Xã hội hóa để lan tỏa nhanh

Phát biểu tại lễ tổng kết khóa đào tạo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, chúng ta học làm IPM đầu tiên vào năm 1992.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chúng ta đã tạo ra được một phong trào áp dụng IPM trên đồng ruộng.

Đến năm 2010, có khoảng 1 triệu nông dân được tập huấn về IPM và áp dụng IPM trên diện tích 1 triệu ha lúa. Tuy nhiên những năm gần đây, việc áp dụng IPM trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có sản xuất lúa lại có xu hướng chững lại do nhiều nguyên nhân.

Ông Doanh cho rằng, nông nghiệp bây giờ không chỉ là giá trị về kinh tế mà còn có 2 nhiệm vụ rất quan trọng, đó là môi trường và xã hội. Hiện nay, không chỉ người dân trong nước đòi hỏi cao về chất lượng nông sản mà các nước nhập khẩu đều đưa ra yêu cầu cao, khắt khe hơn.

Vì thế, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nói rộng ra là sức khỏe cây trồng, hay quản lý cây trồng tổng hợp là vô cùng quan trọng. Việc đẩy mạnh áp dụng chương trình IPM sẽ là chìa khóa để mở rộng và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu nông sản.

Thông qua 2 lớp đào tạo giảng viên IPM, ông Doanh mong muốn đây sẽ là lực lượng hạt nhân để lan tỏa ra việc áp dụng IPM tại các địa phương, không chỉ trên cây lúa mà với nhiều loại cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp, rau...

Trong thời gian tới, Thứ trưởng giao Cục BVTV tiếp tục mở thêm các khóa đào tạo giảng viên IPM tại Tây Nguyên - thủ phủ của cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng thời, phải triển khai áp dụng IPM một cách căn cơ, bài bản, bền vững và hiệu quả. Muốn vậy, chúng ta phải nâng cao nhận thức về IPM cho tất cả các đối tác trong từng chuỗi sản phẩm. 


Khương Lực