"Quán chay nghĩa tình 0 đồng" cho người yếu thế tại Đà Nẵng

Diệu Bình Thứ năm, ngày 20/07/2023 06:00 AM (GMT+7)
Món ăn thay đổi theo ngày, không giới hạn suất nhận, quê quán, độ tuổi... địa chỉ số 210 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã trở thành ngôi nhà chung của những người yếu thế đang sinh sống trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Lênh (62 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) bị khuyết tật cánh tay phải, ông rời quê nhà ra TP.Đà Nẵng ở trọ để hành nghề bán vé số dạo. Như thường ngày, cứ đến khoảng 11h trưa, ông sẽ cùng nhiều bạn đi bán vé số khác đến tập trung tại quán cơm nghĩa tình nằm tại số nhà 210 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng để nhận suất cơm chay "0 đồng".

Ngôi nhà của những người yếu thế

Gần 1 tháng qua, những người yếu thế tại TP.Đà Nẵng đã "quen mặt" với quán chay nghĩa tình do sư thầy Thích Pháp Minh (chùa Quán thế âm) cùng các mạnh thường quân mở bán cơm với giá 0 đồng.

Sáng sớm 19/7, không khí tại quán cơm nghĩa tình đã náo nhiệt với tiếng cười nói của hàng chục tình nguyện viên. Mỗi người mỗi việc, người rửa rau, người thái gọt củ quả, người nấu cơm, người sơ chế thực phẩm... tất cả đều chú tâm vào công việc, tay chân thoăn thoắt để nấu kịp 600 suất cơm chay trước 9h30.

Dù phải sắp xếp công việc, vất vả thay phiên nhau "thổi lửa" ở bếp cơm tình thương mỗi ngày, thế nhưng các tình nguyện viên đều rất hồ hởi, vui vẻ.

"Quán chay nghĩa tình 0 đồng" cho người yếu thế tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Quán chay nghĩa tình 0 đồng tại số nhà 210 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: D.B

"Có rất nhiều tình nguyện viên đến quán cơm để phụ giúp nấu nướng, mỗi ngày chúng tôi phục vụ hàng trăm suất ăn cho cô chú bán vé số, người lao động và đặc biệt là phục vụ các suất ăn tại khoa cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Quán mở ra đã có rất nhiều thực khách đến ăn ủng hộ, đây cũng là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động", sư thầy Thích Pháp Minh nói.

Theo sư thầy Thích Pháp Minh, từ lâu đã có rất nhiều mạnh thường quân muốn giúp đỡ người yếu thế có bữa cơm đủ no nhưng vì điều kiện thời gian không cho phép, họ đã liên hệ chùa để cũng làm việc thiện nguyện.

"Quán chay nghĩa tình 0 đồng" cho người yếu thế tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Sư thầy Thích Pháp Minh giao cơm đến cho những người yếu thế. Ảnh: D.B

"Mỗi người đến quán cơm là một cuộc đời, là một số phận khác nhau nhưng họ đều nở nụ cười, cảm thấy ấm lòng khi đón nhận sự yêu thương của những người xa lạ. Nếu sự yêu thương ngày càng lan tỏa nhiều hơn nữa thì nụ cười sẽ còn hiện hữu ở khắp nơi", sư thầy Thích Pháp Minh bộc bạch.

Tiếp sức trên con đường mưu sinh của người yếu thế 

"Mưu sinh kiếm cơm qua ngày đối với người khuyết tật chúng tôi thật rất khó khăn. Những suất cơm, phần nước uống nhận tại đây đã giải quyết rất nhiều nỗi lo cơm, gạo mà chúng tôi canh cánh trong đầu. Rất cảm ơn sư thầy Thích Pháp Minh cùng các mạnh thường quân đã giúp đỡ", ông Nguyễn Văn Lênh cười nói sau khi nhận phần cơm buổi trưa.

Cùng chồng rời khỏi quê nhà tỉnh Thanh Hóa sau nhiều biến cố trong cuộc sống, năm 2018 bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi) vào TP.Đà Nẵng để mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Mỗi ngày, vợ chồng bà Hoa phải đi bộ hơn 15km rong ruổi qua các tuyến phố để bán hàng, vất vả là thế, nhưng bệnh tật và nghèo khó vẫn cứ đeo bám 2 vợ chồng.

"Mỗi ngày đến giờ, tôi dắt chồng qua hướng quận Ngũ Hành Sơn để nhận cơm rồi lại đi bán ngược về lại xóm trọ ở quận Liên Chiểu. Cơm từ thiện đã nuôi sống vợ chồng tôi thời gian qua", bà Hoa chia sẻ.

"Quán chay nghĩa tình 0 đồng" cho người yếu thế tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

Suất cơm chay 0 đồng giúp người lao động gặp khó giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống. Ảnh: D.B

Biết đến quán cơm nghĩa tình qua mạng xã hội, em Chính Quy (26 tuổi, trú TP.Đà Nẵng) đã xin được giúp sức trao gửi yêu thương đến các cô chú bán vé số. "Thấy được những nụ cười của cô chú thì cả nhóm ai cũng rất vui, mong rằng sẽ có thật nhiều bạn trẻ cùng tham gia lan tỏa yêu thương nhiều hơn nữa", Chính Quy nói.

"Quán chay nghĩa tình 0 đồng" cho người yếu thế tại Đà Nẵng - Ảnh 4.

Các tình nguyện viên chuẩn bị cơm. Ảnh: D.B

Chia sẻ với PV Dân Việt, về dự định sắp tới, sư thầy Thích Pháp Minh cho hay, mục tiêu là các suất cơm sẽ đến tay người yếu thế hàng ngày.

"Việc làm của mình chỉ là việc làm nhỏ so với xã hội ngoài kia. Nhìn các cô, các chú đến nhận cơm mỗi ngày, được ấm bụng để tiếp tục chặng đường mưu sinh đã là việc rất hạnh phúc không chỉ đối với tôi và đối với tất cả các mạnh thường quân, tình nguyện viên tại đây", sư thầy Thích Pháp Minh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem