TTVH Online

Một tỉnh châu thổ sông Mê Công được cam kết đầu tư trên 94.500 tỷ đồng

Phong Cầm 28/09/2017 14:15 GMT+7

Các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Hậu Giang với tổng giá trị nguồn vốn trên 94.500 tỷ đồng.

Sáng nay (28.9), tỉnh Hậu Giang – một tỉnh nằm trong trung tâm châu thổ sông Mê Công đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề “Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Đến dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Lễ ký kết giữa tỉnh Hậu Giang với các doanh nghiệp, địa phương trong vùng ĐBSCL

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay tỉnh này có gần 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước (vốn đăng ký khoảng 45.000 tỷ đồng). Tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 488 dự án, (với tổng vốn 123.000 tỷ đồng). Trong đó, 29 dự án FDI (với tổng vốn đăng ký đầu tư 808 triệu USD).

Hội nghị lần này nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tìm kiếm thêm nguồn lực cho tỉnh nhà. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị,  trước chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, tỉnh Hậu Giang và các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị nguồn vốn đầu tư trên 94.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, hội nghị còn có lễ ký kết “Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”, lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với Hiệp hội Doanh nghiệp Úc, Hiệp hội Doanh nghiệp Lào và lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, quy mô đầu tư các dự án ở Hậu Giang còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là chưa khai thác có hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp còn thấp.

 Để thu hút đầu tư trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hậu Giang phát triển nền kinh tế theo hướng “xanh - sạch”, có cơ chế, giải pháp hiệu quả để khai thác lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt, quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường, đời sống, việc làm của người dân nông thôn.

“Lãnh đạo tỉnh phải phát huy tính tiên phong, năng động trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi  khi quyết định đầu tư, các doanh nghiệp rất muốn an toàn, thuận lợi. Trong quy hoạch, cần tiếp tục đổi mới mang tính chất dài hơn, không xé lẻ làm ảnh hướng đến tổng thể chung” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Huỳnh Xây
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN