TTVH Online

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ kết nối, tiêu thụ nông sản

Phong Cầm 02/06/2021 14:47 GMT+7

"Nông dân làm ra hàng hóa nông sản, từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận khác".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ như trên trong buổi trả lời phỏng vấn Dân Việt sau khi chủ trì buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT cùng 3 Hội, đoàn thể là Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS HCM về việc xây dựng mô hình tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản hỗ trợ bà con nông dân sáng nay 2/6.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu còn giải cứu sẽ làm tổn thương ngành nông nghiệp, tổn thương nông dân. Tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" vải thiều.

Thưa Bộ trưởng, mới đây tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Bộ Thông tin- Truyền thông về việc không dùng từ "giải cứu" vải thiều. Và ngay trong sáng nay, Bộ trưởng cũng đã chủ trì cuộc họp với các đoàn thể về cơ chế, phương thức hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải thiều nói riêng, nông sản nói chung. Vậy theo Bộ trưởng, vì sao chúng ta không nên dùng từ "giải cứu" vải thiều và các mặt hàng nông sản khác?

- Hiện nay, đang bước vào vụ thu hoạch chính của các loại trái cây, lại đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là tại Bắc Giang- thủ phủ của vải thiều Vì thế, việc tiêu thụ nông sản rõ ràng là gặp khó khăn và trên tinh thần đó, trong thời gian vừa qua, bằng tinh thần, trách nhiệm, cả xã hội đã chung tay vào hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, vải thiều.

Tuy nhiên, đúng như công văn của UBND tỉnh Bắc Giang có nêu, việc dùng từ "giải cứu" đã dẫn đến hiệu ứng ngược, khi giá cả nông sản lại bị giảm xuống. Mặt khác, việc tổ chức mua bán nông sản tại các điểm giải cứu tự phát ở vỉa hè cũng xuất hiện nhiều bất cập như lượng người đến mua bán tại một thời điểm quá đông, không đảm bảo khoảng cách giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, có một số người lợi dụng các điểm giải cứu để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ. 

Việc dùng từ giải cứu hay cách giải cứu như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá lại.

Chính vì thế, Bộ NNPTNT đã xây dựng ý tưởng và họp bàn, mời 3 đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung- cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông dản Việt.

Như Bộ trưởng đã khẳng định, mô hình kết nối tiêu thụ nông sản do 4 đơn vị Bộ NNPTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp thực hiện sẽ xây dựng một hình ảnh mới cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, xóa bỏ hình ảnh "giải cứu". Vậy, những mô hình này sẽ có điểm gì khác biệt để nhận diện, thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi đã họp và đi đến thống nhất, đó là xác định việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là việc chung của cả 4 đơn vị hay nói đúng hơn cả 4 đơn vị sẽ đi chung trên cùng một con đường. Theo đó, 4 đơn vị sẽ tạo ra một hình mẫu về kết nối cung- cầu, từ đó lan tỏa tư duy tinh thần mới. Cụ thể, tại các điểm bán hàng mà chúng tôi dự kiến tổ chức tới đây sẽ thực hiện bài bản, có dán logo của cả 4 cơ quan cùng tham gia. 

Tại các điểm bán hàng này, chúng tôi sẽ thiết kế, phân luồng theo quy chuẩn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các quầy hàng sẽ được bố trí lọ sát khuẩn trước khi vào mua hàng. Đồng thời, sẽ kẻ cách vạch giãn cách đảm bảo khoảng cách tối thiểu cho người mua hàng. Sau đó sẽ phân luồng 1 chiều cho người mua hàng, mua xong chỉ đi theo 1 chiều ra quầy thu ngân. 

Đối với việc kiểm soát chất lượng đầu vào, chúng tôi sẽ kiểm soát ngay từ đầu vào. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ thông tin về tình hình sản xuất, hướng dẫn thu hoạch, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản và phương án logiictics; hỗ trợ chế biến sâu, xúc tiến thương mại. Còn các đoàn thể, tùy theo điều kiện, nhân lực nhưng phải đưa người xuống hỗ trợ bà con thu hái vải thiều; sau đó kết nối tiêu thụ cả trực tiếp và cả online như cách làm của Trung ương Đoàn.

Tại các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản sắp được xây dựng sẽ có 4 logo của 4 đơn vị để chứng minh rằng đây là một điểm kết nối tiêu thụ nông sản được tổ chức bài bản, chứ không phải giải cứu. Khẩu hiệu chúng tôi đưa ra là: Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch.

Nói cách khác, vẫn là giúp nông dân tiêu thụ nông sản nhưng làm bài bản, chính quy hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 3.

Thông điệp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về hỗ trợ, tiêu thụ nông sản hiện nay.

Chúng ta nói cần xóa bỏ tư duy, không dùng từ "giải cứu" nông sản để có giải pháp căn cơ hơn, việc này về dài hạn là đúng. Song cũng phải thừa nhận, tinh thần thương yêu, sẻ chia của người dân chúng ta thời gian qua là rất lớn và ý nghĩa. Vậy phải làm sao để người dân vẫn tham gia vào việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian tới?

- Trước hết, phải khẳng định, chúng tôi luôn tôn trọng tinh thần thiện nguyện của mọi người dân, nó thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách", "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng" của dân tộc Việt Nam.

Đó là truyền thống cần được trân trọng, bản thân Bộ NNPTNT và các tổ chức đoàn thể xã hội cũng không thể đảm đương hết được việc kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân.

Vì vậy, rất cần nhiều mô hình kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản một cách tự nguyện, nhưng hướng tới những mô hình đó phải được chuẩn hóa để vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu nông sản, nhất là trong dịch bệnh sẽ có những hệ lụy khó lường.

Tôi cho rằng, làm thiện nguyện không đúng cách sẽ nảy sinh những bất cập, hình ảnh nông sản sẽ không còn đẹp đẽ khi bày dưới vỉa hè. Thậm chí tôi còn nghe thông tin có những người lợi dụng cái gọi là giải cứu để hạ giá nông sản bởi nếu không giải cứu giá cả nông sản không đến nỗi xuống giá như vậy. 

Từ thực tế đó, Bộ NNPTNT thấy cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Nói cách khác, người tiêu dùng không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con mà là mua vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình vì được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

Đó là chưa kể, nhiều điểm giải cứu còn xuất hiện tình trạng chen chúc, việc này không đúng quy định của Bộ Y tế, không an toàn trong mùa dịch bệnh.

Với mô hình phối hợp cùng Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các điểm kết nối tiêu thụ nông sản, Bộ NNPTNT muốn khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị tường xuất khẩu, chúng tôi cũng quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Đồng thời, định hình lại toàn bộ chuỗi cung - cầu sao cho chủ động hơn, bớt dần sản xuất tự phát, giải cứu tự phát.

Và mục tiêu lớn nhất là mong muốn mọi người dân biết được giá trị của nông sản, biết được nông dân đã làm ra nông sản đó như thế nào, muốn người nông dân hiểu luôn có xã hội chung vai sát cánh tiêu thụ nông sản cho họ không phải bằng sự ban phát mà bằng sự hợp tác.

Tôi được biết, trước nay Hội Nông dân hay Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đều có những điểm kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng với lần phối hợp này, các tổ chức và Bộ NNPTNT sẽ tạo ra hình mẫu về điểm kết nối nông sản, vừa đảm bảo sự chuẩn mực về kết nối tiêu thụ vừa đảm bảo quy định phòng dịch, tạo ra một hình ảnh khác chứ không phải là giải cứu, gây tổn thương cho nền nông nghiệp, tổn thương cho nông dân.

Người Việt có câu: "Của cho không bằng cách cho", có thể người giải cứu muốn tiêu thụ giúp nhưng cách làm như thế nào để bảo vệ hình ảnh nông sản rất quan trọng. 

Vì vậy, tôi hy vọng, mô hình của 4 đơn vị, Bộ NNPTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên sẽ tạo thành hệ sinh thái, giúp cho mục tiêu phát triển bền vững, không phải là nền nông nghiệp chỉ phụ thuộc vào giải cứu mà là sự phát triển minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 6.

Việc giải cứu nông sản không đúng cách còn làm... hạ giá nông sản.

Trong kế hoạch của Bộ NNPTNT cũng hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Kế hoạch sắp tới Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các tập đoàn bán lẻ lớn như Masan, Central Group,... đưa nông sản Việt ra thị trường nội địa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Dự kiến, trong tuần tới, Bộ NNPTNT sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bởi trước đây nói bán lẻ là chung cho tất cả các mặt hàng, lần này chúng tôi sẽ tách ra một nhánh riêng cho nông sản.

Theo đó, Bộ NNPTNT  sẽ chủ động cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu đầu cung với quy mô sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu đầu cung, từ đó có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn.

Tới đây, chúng tôi quyết tâm không để tình trạng thu hoạch xong mới tìm bán mà ngay từ đầu vụ các địa phương đã cung cấp cho Bộ NNPTNT về kế hoạch sản xuất, dự kiến sản lượng; Bộ NNPTNT sẽ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyển dữ liệu đó cho hiệp hội để cùng phân tích lên phương án tiêu thụ.

Khi đã chuẩn hóa trong kết nối cung - cầu thì bà con nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Mô hình của 4 đơn vị không chỉ áp dụng trong mùa dịch này mà là nền tảng, cơ sở để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân, khi ấy nông nghiệp không còn rủi ro mùa vụ, đứt quãng cung cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 7.

Phương thức vận hành của hệ thống phân phối nông sản với sự tham gia của 4 đơn vị.

Quay trở lại với câu chuyện giải cứu nông sản, việc giải cứu làm mất đi giá trị nông sản, dẫn đến hệ lụy người nông dân không có quyền đàm phán. Vậy theo Bộ trưởng nên hiểu giải cứu nông sản như thế nào, có nên triển khai tiếp hay không?

- Như tôi đã nói, chúng ta không có quyền cấm người, các tổ chức thiện nguyện tiêu thụ nông sản giúp nông dân, thậm chí ở một thời điểm nào đó, việc này cũng góp phần giảm bớt áp lực. 

Nhưng điều quan trọng là cần hướng những điểm thiện nguyện đó vào một cách làm chuyên nghiệp, tôi tin bản thân nông dân cũng không muốn giải cứu, đừng để làm tổn thương hình ảnh nông nghiệp, nông dân, nông sản của chúng ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 8.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giải cứu làm tổn thương thêm nông dân, Bộ NNPTNT cùng 3 đoàn thể sẽ bán nông sản cho ND - Ảnh 9.

Mô phỏng mô hình các điểm kết nối, tiêu thụ nông sản, vải thiều đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 của Bộ NNPTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Nói không với giải cứu, Bộ trưởng kỳ vọng nền nông nghiệp sẽ phát triển như thế nào?

- Đó là một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, dùng chuyển đổi số để minh bạch các dữ liệu đầu cung chuyển sang cho đầu cầu, kết nối cung - cầu về sản lượng, yêu cầu thị trường.

Chỉ khi kết nối được cung - cầu, minh bạch, chuẩn hóa về chất lượng thông qua chứng nhận  của cơ quan chức năng thì xã hội sẽ vào cuộc, kích hoạt thị trường phân phối.

Nếu làm tốt việc phát triển thị trường trong nước thì hình ảnh nông sản Việt ở nước ngoài cũng được nâng cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài. 

Dù đây là việc cần có quá trình nhưng với sự tham gia của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, tôi tin, điều đó sẽ sớm thành hiện thực.

Khi người tiêu dùng còn dễ dãi với những sản phẩm giải cứu thì người sản xuất cũng sẽ sản xuất dễ dãi, chỉ khi có quy chuẩn và được minh bạch, nền nông nghiệp mới vận hành theo đúng quy luật của cung - cầu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Sáng nay 2/6, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp bàn về Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh với Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM Nguyễn Anh Tuấn.

Tại cuộc họp, cả 4 đơn vị thống nhất cùng tham gia xây dựng các điểm bán hỗ trợ nông sản, trước mắt là vải thiều cho người nông dân. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng 20 điểm kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, Hội Phụ nữ xây dựng 5 điểm, Đoàn Thanh niên xây dựng 5 điểm (chưa kể các kênh bán hàng online), Hội Nông dân tiếp tục đưa hàng vào 720 điểm hiện có trên khắp các tỉnh, thành, trong đó có 124 điểm do T.Ư Hội NDVN trực tiếp quản lý. Tất cả các điểm kết nối đều được gắn logo của 4 đơn vị để tăng tính nhận diện thương hiệu sản phẩm và cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Dự kiến, sáng 8/6, Đoàn Thanh niên sẽ được giao chủ trì phát động đợt bán hàng nông sản, vài thiều hỗ trợ bà con nông dân tại Hà Nội.

Lê Hân- Anh Thơ (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN