Phương án rút BHXH 1 lần: Cần dự liệu các phản ứng không mong muốn

Thùy Anh Thứ năm, ngày 28/03/2024 10:29 AM (GMT+7)
Cơ quan thẩm tra đề nghị khi trình phương án rút BHXH 1 lần cần có dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và dự liệu khả năng phát sinh vấn đề về xã hội, kinh tế, phòng ngừa khả năng xảy ra các phản ứng tập thể từ phía người lao động.
Bình luận 0

Làm rõ các ưu, nhược điểm trong dự thảo mới rút BHXH 1 lần

Ngày 27/3, trong báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý một số điều lớn trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra) phân tích rõ 2 phương án rút BHXH một lần, với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận một lần.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến ủng hộ phương án 1 do Chính phủ trình, do phương án này có nhiều ưu điểm, bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH).

Rút BHHXmột lần

Quốc hội đang đề nghị lấy ý kiến đại biểu quốc hội về phương án rút BHXH một lần. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Phương án này cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH, hạn chế tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần như thời gian qua.

Cơ quan thẩm tra nhận định về lâu dài, quy định theo phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình; giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Với phương án 1, cơ quan thẩm tra cho rằng cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động; nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Nhiều ý kiến khác đồng tình với phương án cho rút 50% BHXH 1 lần 

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ phương án 1, cũng có ý kiến đồng tình với phương án 2 vì không tạo sự phân biệt giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng nên người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi.

Điều này, có thể dẫn đến phản ứng tập thể của người lao động và có thể gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi luật này có hiệu lực thi hành.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, phương án 2 không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần cũng như thực trạng một người có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.

Cũng trong báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý một số điều lớn trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ban thẩm tra có đánh giá tác động của cải cách chính sách tiền lương tới việc đóng - hưởng BHXH. Trong đó, nhiều vấn đề lớn như việc bỏ mức lương cơ sở sẽ tác động như thế nào tới việc đóng BHXH một lần, chi trả chế độ BHXH, trợ cấp xã hội, hưu trí... Những lo ngại về việc phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/7/2024.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của bảo hiểm xã hội và các quy định có tính chất căn bản của bảo hiểm xã hội, vì vậy xin ý kiến đại biểu.

Ngoài hai phương án Chính phủ trình, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thiết kế phương án 3, có lộ trình phù hợp hoặc một phương án có nhiều phương thức để người lao động lựa chọn hay điều chỉnh tỷ lệ hưởng, hoặc có thể tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần và chấm dứt vào năm 2030.

Ban thẩm tra cho rằng: Đối với Phương án 1 (phương án Chính phủ lựa chọn) cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần;

Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn;

Ban thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề hưởng BHXH một lần, an sinh xã hội lâu dài và khi gặp rủi ro...

Dù lựa chọn phương án nào, Ủy ban Xã hội nhấn mạnh đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động vì đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

rút BHXH một lần

Đa số người lao động vẫn mong được rút BHXH một lần lúc khó khăn. Ảnh: N.T

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ LĐTBXH cần tiếp tục giải trình ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án Chính phủ trình, nhất là dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và dự liệu khả năng phát sinh vấn đề về xã hội, kinh tế, phòng ngừa khả năng xảy ra các phản ứng tập thể từ phía người lao động.

Với việc còn nhiều phương án và nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến và cho phép lấy ý kiến đại biểu bằng phiếu về quy định này, nhằm bảo đảm dân chủ, thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng BHXH một lần.

Trước đó, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm.

Sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH (chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này). Thống kê trong giai đoạn 2016-2022 cho thấy có gần 25% số lượt người rút BHXH một lần đã rút từ 2 lần trở lên.

  • Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm:

    Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần với người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện.

    So với luật hiện hành, quy định này có sự khác biệt là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần, khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, người lao động có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung.

    Ví dụ, hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...

    Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hàng tháng thì nhận BHXH một lần, nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

    Nhóm 2 là người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định hưởng BHXH một lần.

    Phương án 2: dự thảo luật quy định người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

    Tham khảo thêm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem