Phục tài những cô gái Khơ Mú thổi sáo mũi tặng người yêu

Quốc Định Thứ năm, ngày 22/08/2019 11:30 AM (GMT+7)
Không giống như các chàng trai dân tộc Thái, Mông… dùng tiếng sáo, tiếng khèn…để gọi hay tặng bạn gái, thổ lộ tâm tình cùng với người mình yêu, đối với đồng bào Khơ Mú thì các thiếu nữ là những người chủ động, họ dùng tiếng sáo mũi (hay còn gọi là “pí tót”) tặng cho người yêu, bày tỏ ước nguyện của lòng mình.
Bình luận 0

Chúng tôi may mắn được gặp bà Quàng Thị Típ (sinh năm 1977), ở bản Púng Giắt (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc tổ chức tại Sơn La. Bà Típ là một trong số ít nghệ nhân biết thổi sáo mũi. Nhiều người dành cho bà với cái tên kính trọng “người lưu giữu nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khơ Mú”.

img

Bà Quàng Thị Típ thổi sáo mũi.

Nghệ nhân Quàng Thị Típ đã mang đến cho ngày hội tiết mục thổi sáo mũi cùng những điệu múa vô cùng hấp dẫn, đặc sắc, khiến nhiều người trầm trồ, thán phục. Khi diễn bà chỉ dùng một tay giữ một đầu sáo, đầu còn lại áp vào đầu mũi, tay còn lại bà múa theo nhịp điệu của bài sáo. Người của bà uyển chuyển vừa thổi sáo, vừa hát, vừa múa nhịp nhàng, tiếng sáo trong vắt phát ra lắng đọng trong lòng người xem.

img

Với đồng bào Khơ Mú thổi sáo mũi chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Kết thúc bài diễn gặp chúng tôi bà Típ phấn khởi kể về cơ duyên thổi sáo mũi: Tôi biết thổi sao mũi từ hồi nhỏ, được mẹ và chị gái truyền dạy cho. Sáo mũi của người Khơ Mú chúng tôi rất đặc biệt vì nó chỉ dành cho người phụ nữ, còn đàn ông không biết thổi. Đối với người phụ nữ Khơ Mú, sáo mũi có nhiều ý nghĩa quan trọng, ngoài dùng tiếng sáo tặng người yêu hoặc tiễn người yêu những lúc đi xa, thì sáo mũi còn được người phụ nữ thổi trong các dịp lễ tết, hội mừng cơm mới và các buổi giao lưu văn nghệ.

img

Thổi sáo mũi không hề dễ vì người thổi phải biết điều tiết hơi từ mũi.

Bà Típ nói rằng: Người Khơ Mú chủ yếu sinh sống ở các bản nằm sâu trong rừng núi, lao động sản xuất canh tác nương rẫy là chính. Vì cuộc sống gắn liền với thiên nhiên nên người Khơ Mú có nét văn hóa riêng. Cũng như nhiều dân tộc khác để làm phong phú đời sống tinh thần, người Khơ Mú đã tạo ra các loại nhạc cụ cho riêng mình, trong đó có sáo mũi làm bằng tre, nứa. Một loại nhạc cụ rất quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Khơ Mú được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

img

Thổi sao mũi chỉ dùng một tay cẩm sáo, còn tay kia để múa.

Nhìn chiếc sao mũi khá đơn giản nhưng để thổi được sáo mũi không hề dễ, người thổi phải biết lấy hơi và điều tiết hơi trong mũi sao thật cho nhịp nhàng để tạo âm và tiết tấu bằng hơi từ mũi, theo làn điệu dân ca đang hát mà không phải ai cũng làm được. Tiếng sáo mũi phát ra làm cho tinh thần phấn chấn, khơi gợi ý trí vượt lên khó khăn trong cuộc sống, thêm lạc quan yêu đời.

img

Sáo mũi được làm bằng ống tre, nứa.

Bà Típ không chỉ biết thổi sáo hay, mà những chiếc sao bà thổi đều do chính bàn tay bà tự làm, tự thẩm âm, thường thì sáo được làm bằng ống tre, lấy nguyên 1 gióng, hai bên đầu để 2 mắt không được cắt để giữ kín hơi. Sau đó đục 2 lỗ nhỏ (1 lỗ trên, 1 lỗ dưới) để bấm và chỉnh âm phát ra. “Tôi đã thổi sáo tặng cho rất nhiều bạn trai và chính người chồng của tôi bây giờ cũng từ tiếng sáo này mà 2 người đến được với nhau”.

img

Nghệ nhân Quàng Thị Típ không chỉ được nhiều người biết đến về biệt tài thổi sáo mũi, mà bà còn trực tiếp theo các đoàn văn nghệ của xã, huyện tham gia biểu diễn trong các buổi biểu diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Cứ thế tiếng sáo mũi của người Khơ Mú ở Mường Mươn đã theo chân bà Típ dong duổi khắp núi rừng Tây Bắc đến với mọi người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem